Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Câu chuyện pháp luật
Cho vay tín chấp, người vay không trả, làm sao đòi ?
Thứ năm: 16:01 ngày 26/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thực tế hiện nay lại có trường hợp cho vay tín chấp, người vay không trả được nợ, ngân hàng kiện đòi nợ nhưng… không được chấp nhận yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kê biên tài sản để thu hồi nợ.

Vay tiền ngân hàng nhằm đầu tư, kinh doanh, sản xuất, mua hàng tiêu dùng… là nhu cầu thiết thực, là việc bình thường trong xã hội. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ không cẩn trọng, sử dụng tiền vay không hiệu quả, có nguy cơ dẫn đến hệ luỵ khó lường, có trường hợp tài sản bị kê biên hoặc đất đai, căn nhà ở duy nhất phải… ra đi cũng là bình thường. Tuy nhiên, thực tế hiện nay lại có trường hợp cho vay tín chấp, người vay không trả được nợ, ngân hàng kiện đòi nợ nhưng… không được chấp nhận yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kê biên tài sản để thu hồi nợ.

Vừa qua, TAND huyện Gò Dầu đưa ra xét xử vụ án “tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Ðông Á (Ngân hàng Ðông Á) và ông Nguyễn Hồng Ðiệp (sinh năm 1973, ngụ tổ 6, ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu). Nội dung vụ án cũng là bài học cho nhiều người, nhất là người ký xác nhận bảo đảm tín chấp.

Tại phiên toà, người đại diện theo uỷ quyền của Ngân hàng Ðông Á trình bày, yêu cầu ông Ðiệp trả lại số tiền trên 8,7 triệu đồng, trong đó tiền gốc là trên 6,2 triệu đồng, tiền lãi trong hạn là gần 1 triệu đồng, và tiền lãi quá hạn là 1,5 triệu đồng (từ ngày 21.9.2013 đến ngày 31.8.2017).

Ngân hàng cũng yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phát mãi tài sản của ông Ðiệp để bảo đảm thu hồi nợ. Vào ngày 21.9.2013, Ngân hàng Ðông Á (Phòng giao dịch Long Hoa) ký thoả thuận liên kết với UBND xã Hiệp Thạnh về cho vay trả góp, trong đó, ông Ðiệp vay số tiền 10 triệu đồng theo giấy đăng ký vay tiền trả góp được UBND xã Hiệp Thạnh ký xác nhận.

Hợp đồng thể hiện lãi suất 10%/năm, thời hạn vay là 36 tháng, mục đích vay là tiêu dùng. Trong quá trình vay từ ngày 21.9.2013 đến ngày 30.3.2017, ông Ðiệp trả được trên 5,7 triệu đồng, trong đó, tiền gốc là trên 3,7 triệu đồng, tiền lãi trong hạn là trên 2 triệu đồng, nhưng sau đó không trả nữa. ngân hàng Ðông Á đòi nhiều lần nhưng không gặp ông Ðiệp.

Hiện tại, ông Ðiệp không còn làm việc tại UBND xã Hiệp Thạnh. Ngân hàng có đến nhà đòi nợ nhưng không gặp ông Ðiệp. Mặc dù Toà án tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng nhưng ông Ðiệp không tham dự toà. Kiểm sát viên đề nghị HÐXX chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng nhưng không chấp nhận yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phát mãi tài sản để bảo đảm thu hồi nợ.

Vì vậy, sau khi nghị án, HÐXX chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng buộc ông Ðiệp có nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi trên 8,7 triệu đồng. Tuy nhiên, xét thấy, hợp đồng vay vốn giữa ngân hàng với ông Ðiệp là vay tín chấp, không có thế chấp tài sản để bảo đảm nên toà xác định yêu cầu của ngân hàng về việc yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phát mãi tài sản của ông Ðiệp là không có cơ sở.

HUY THÔNG

Tin cùng chuyên mục