Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hiện nay, theo quy định, chợ cấp 3 (chợ xã) nằm trên địa bàn các xã, phường, thị trấn do UBND xã, phường, thị trấn sở tại quản lý. Tuy nhiên, do chưa có một quy định pháp luật cụ thể nào hướng dẫn mô hình hoạt động quản lý chợ xã, nên mỗi địa phương đã vận dụng mỗi cách quản lý khác nhau.
Chợ phường IV.
NƠI THÌ TỔ, CHỖ THÌ BAN…
Sau thời gian nâng cấp, chợ phường Hiệp Ninh đi vào hoạt động. Theo một lãnh đạo UBND phường, để quản lý chợ, UBND phường đã thành lập Tổ quản lý và ký hợp đồng với các cá nhân làm việc cho Tổ quản lý chợ. Tiền phụ cấp chi trả cho Tổ được trích từ nguồn thu phí chợ.
Ông Lương Bá Cang- Chủ tịch UBND phường IV, thành phố Tây Ninh cho biết, chợ phường IV hiện do Tổ quản lý chợ - được UBND phường thành lập quản lý.
Tuy nhiên, UBND phường cử cán bộ giao thông, thuỷ lợi của phường kiêm nhiệm quyền tổ trưởng Tổ quản lý, các thành viên khác của Ban quản lý chợ do UBND phường ký hợp đồng và trả phụ cấp hằng tháng với mức khoảng 2 triệu đồng/người. UBND phường cũng ký hợp đồng với một cá nhân khác làm công việc vệ sinh ở chợ, với mức phụ cấp 2 triệu đồng/tháng.
Tiền chi trả phụ cấp cho Tổ quản lý chợ được trích từ nguồn thu phí chợ hằng tháng, riêng Tổ trưởng tổ quản lý cho kiêm nhiệm nên chỉ hưởng phụ cấp theo chức danh đang công tác tại UBND phường.
Trong khi đó, trên địa bàn xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành có đến 3 ngôi chợ do UBND xã quản lý, gồm các chợ Hiệp An, Hiệp Hoà và Hiệp Trường. Theo ông Trần Văn Minh- Chủ tịch UBND xã Hiệp Tân, để quản lý 3 ngôi chợ, UBND xã đã đề xuất UBND huyện ra quyết định thành lập Ban quản lý chợ xã Hiệp Tân.
Ban quản lý chợ Hiệp Tân do một Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban và cơ cấu thành viên ở các ấp.
Theo đó, Trưởng ban quản lý chợ và các thành viên được UBND xã chi trả phụ cấp hằng tháng với mức 0,3 lương tối thiểu. Ban quản lý chợ có trách nhiệm theo dõi, quản lý việc kinh doanh ở các chợ được bảo đảm trật tự, ổn định.
Ðối với phí chợ, từ trước đến nay, hằng năm, UBND xã thông báo kêu gọi các cá nhân có nhu cầu đấu thầu thu phí chợ; cá nhân nào trúng thầu thì được thu phí chợ theo quy định.
Chợ Tân Ðông, huyện Tân Châu, được tạm giao cho một hợp tác xã (HTX) quản lý, khai thác. Hằng tháng, HTX nộp vào ngân sách xã 6 triệu đồng. Bước đầu nhận thấy, HTX quản lý, khai thác chợ tạm ổn, UBND xã chưa nghe tiểu thương phản ánh, thắc mắc gì về cách quản lý của HTX.
Ðó là chuyện quản lý ở các chợ xã có số lượng tiểu thương kinh doanh tương đối nhiều. Còn đối với những chợ xã có quy mô nhỏ, việc quản lý cũng đơn giản hơn.
Ông Trần Huỳnh Thanh- Chủ tịch UBND xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu cho hay, chợ xã Truông Mít chỉ có khoảng 20 tiểu thương tham gia kinh doanh nên UBND xã không thành lập Tổ quản lý.
Việc quản lý chợ được giao cho một cán bộ ở xã có trách nhiệm thực hiện, thu phí về nộp cho UBND xã. Vị cán bộ này được ký hợp đồng để giữ xe ở chợ, mỗi tháng nộp về xã 3 triệu đồng, phần dư còn lại từ việc giữ xe, người này được hưởng.
Còn chợ Phước Trạch, huyện Gò Dầu, UBND xã thành lập Tổ quản lý chợ gồm các cá nhân có tham gia phong trào ở xã như lực lượng Tuần tra nhân dân. Phụ cấp hằng tháng của những người này được trích từ tiền phí giữ xe ở chợ mà UBND xã giao cho Tổ quản lý thực hiện.
Rõ ràng, việc quản lý chợ xã không nơi nào giống nơi nào, nên kết quả mang lại cũng khác nhau. Có nơi quản lý chặt chẽ, chu đáo, cũng có nơi phát sinh những điều bất cập khiến tiểu thương phản ánh, thậm chí kêu ca, nhất là ở các chợ có mãi lực mạnh, có nhu cầu phải xây dựng nhà lồng, mở rộng khu vực kinh doanh, cấp huyện phải vào cuộc giải quyết…
CẦN CÓ QUY ÐỊNH VỀ MÔ HÌNH QUẢN LÝ CHỢ XÃ
Qua trao đổi, lãnh đạo UBND xã, phường đều bày tỏ mong muốn có được một quy định chung về mô hình Ban quản lý chợ cấp xã, bởi hiện nay, Ban quản lý hay Tổ quản lý không phải là cán bộ chuyên trách cấp xã, cũng không phải là doanh nghiệp hay HTX.
Do đó, việc lãnh đạo, điều hành hoạt động cũng như ký hợp đồng, phân công nhiệm vụ, chi trả thù lao, phụ cấp... cũng do từng địa phương quyết định, chứ không theo “bài bản” nào hết!
Thực tế cho thấy, mức thu phí chợ theo quy định hiện nay chỉ có 2.000 đồng/người, hộ kinh doanh ở chợ đã bộc lộ nhiều bất cập. Bởi, với mức thu trên, số tiền thu phí hằng tháng ở chợ xã không nhiều, lại phải chi trả phụ cấp cho các thành viên Ban quản lý, Tổ quản lý chợ; chi trả tiền điện, tiền gom rác... nên không còn bao nhiêu, có khi thu không đủ chi.
Việc quy định thu phí chợ theo hộ cũng tạo ra sự không công bằng giữa các tiểu thương. Tiểu thương có diện tích kinh doanh lớn hay nhỏ đều đóng phí chợ bằng nhau. Do đó, theo lãnh đạo các địa phương, trong thời gian tới cần có sự thay đổi về quy định thu phí đối với chợ cấp 3, có thể áp dụng thu phí tính trên mét vuông mặt bằng kinh doanh để bảo đảm sự công bằng.
Bên cạnh đó, một thực tế khác cũng đang làm đau đầu cấp có thẩm quyền ở địa phương khi tiến hành sắp xếp, bố trí địa điểm kinh doanh cho các tiểu thương.
Do chưa có quy định cụ thể về vấn đề này nên để bảo đảm tính khách quan, công bằng, UBND xã thường thành lập Hội đồng xét duyệt cơ cấu các ngành, đoàn thể xã để họp xét. UBND xã cũng gặp khó khăn, không biết phải vận dụng quy định như thế nào để lập phương án bố trí, sắp xếp vị trí kinh doanh cho tiểu thương trong chợ.
Hộ kinh doanh lấn chiếm lòng đường tại chợ Hiệp An, xã Hiệp Tân.
Về phía ngành chức năng, ông Lê Thành Công- Giám đốc Sở Công Thương cho biết, việc tổ chức và quản lý chợ hiện nay được thực hiện theo quy định tại điểm c, khoản 2, Ðiều 3; khoản 3, Ðiều 15 Nghị định số 02/2003/NÐ-CP ngày 14.1.2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; khoản 13 Ðiều 1 Nghị định số 114/2009/NÐ-CP ngày 23.12.2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NÐ-CP ngày 14.1.2003.
Theo quy định tại các văn bản trên, chợ hạng 3 là các chợ có dưới 200 điểm kinh doanh, hoặc các chợ chưa được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố, chủ yếu phục vụ nhu cầu mua bán hàng hoá của người dân trong xã, phường và địa bàn phụ cận. Nghị định cũng quy định UBND xã, phường có trách nhiệm quản lý các chợ hạng 3 và phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh, huyện quản lý các chợ trên địa bàn.
Căn cứ theo đó, hiện nay, các chợ hạng 3 trên địa bàn tỉnh do UBND xã, phường quản lý; nguồn thu từ chợ nộp về ngân sách của xã. Do vậy, tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế của từng chợ mà UBND xã, phường tổ chức thành lập Ban quản lý, Tổ quản lý hoặc theo mô hình khoán thu.
Thực tế, một số xã tổ chức đã mô hình quản lý chợ như sau: nếu chợ có dưới 50 hộ tiểu thương kinh doanh, UBND xã, phường sẽ cử 1 phó chủ tịch kiêm nhiệm theo dõi và quản lý chợ. Ðồng thời hợp đồng thêm 1 người để trực tiếp thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng, quét và thu gom rác thải, nhà vệ sinh… hằng tháng nộp vào ngân sách xã số tiền được UBND xã, phường quy định.
Ðối với chợ có trên 50 hộ và dưới 200 tiểu thương, UBND xã, phường sẽ thành lập Ban hoặc Tổ quản lý để quản lý chợ. Ban hoặc Tổ quản lý chợ này xây dựng kế hoạch dự toán kinh phí hằng năm trình UBND xã, phường xem xét, phê duyệt.
Về thu tiền thuê mặt bằng tại chợ, tuỳ theo điều kiện, vị trí và thời hạn cho thuê của từng chợ; xây dựng phương án cho thuê mặt bằng phù hợp, lấy ý kiến của các hộ tiểu thương trước khi trình UBND huyện, thành phố xem xét, phê duyệt.
Về thu phí chợ (nay được gọi là giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ), Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 64/2016/QÐ-UBND ngày 20.12.2016 về việc quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, đối với hộ kinh doanh cố định là 2.000 đồng/người; đối với hộ kinh doanh không thường xuyên, không cố định có mức thu theo diện tích, trên 5m2: 3.000 đồng/hộ/ngày, trên 3m2 đến 5m2: 2.000 đồng/hộ/ngày và trên 1m2 đến dưới 3m2: 1.000 đồng/hộ/ngày.
Ông Lê Thành Công cho biết thêm, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 02/2003/NÐ-CP ngày 14.1. 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NÐ-CP ngày 23.12.2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NÐ-CP ngày 14.1.2003.
Trong đó, sẽ quy định cụ thể về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ; giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và ngoài ngân sách Nhà nước để áp dụng thực hiện trong cả nước.
Sắp tới, sau khi nghị định mới được ban hành, Sở Công Thương sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai thống nhất trên địa bàn tỉnh.
THIÊN TÂM