Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian qua, mặc dù đã có không ít vụ cháy chợ, cháy các điểm kinh doanh gây thiệt hại về tài sản lên tới hàng tỷ đồng, song công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các chợ xã vẫn chưa thực sự được quan tâm. Ðặc biệt là ý thức về phòng chống cháy, nổ của các tiểu thương còn hạn chế, nhiều người phó mặc việc PCCC cho lực lượng chức năng, ban quản lý (BQL) chợ.
Đội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực Tân Châu - Tân Biên hướng dẫn kỹ năng PCCC tại chợ xã Tân Hà (huyện Tân Châu) nhưng rất ít tiểu thương tham giaNguy cơ cháy nổ cao,ý thức PCCC thấp.
Huyện Tân Châu có 10 chợ thuộc diện quản lý của UBND các xã (gọi tắt là chợ xã). Ðến nay, vẫn còn nhiều chợ chưa được quy hoạch, sắp xếp theo từng ngành hàng nên khá lộn xộn; việc đun nấu tại khu kinh doanh ăn uống sát với các quầy hàng hoá nên nguy cơ gây cháy cao. Nhiều chợ không có đội PCCC cơ sở, các thành viên BQL chợ cũng như các tiểu thương đều không được huấn luyện nghiệp vụ PCCC, không được trang bị phương tiện PCCC hoặc có trang bị nhưng không biết sử dụng. Một số thiết bị PCCC do không được bảo quản thường xuyên nên bị hư hỏng.
Ðơn cử như tại chợ xã Tân Hưng, hiện có 127 hộ kinh doanh. Ðây là một trong số rất ít các chợ xã trên địa bàn huyện Tân Châu được trang bị đầy đủ các thiết bị PCCC, gồm: 2 máy bơm chữa cháy chạy bằng điện và dầu, bể nước dung tích trên 140m3, 12 bình xịt chữa cháy và hệ thống báo cháy tự động. Tuy nhiên, hệ thống báo cháy tự động đã bị hỏng. Ông Phạm Văn Ðược, Giám đốc Ban quản lý chợ Tân Hưng thừa nhận: “Các thành viên BQL chợ thực sự chưa có kỹ năng, nghiệp vụ để quản lý, vận hành tốt các trang thiết bị PCCC được trang bị”.
Bên cạnh đó, ý thức PCCC của các hộ kinh doanh tại các chợ xã còn hạn chế. Việc lấn chiếm vỉa hè, hẻm tại các chợ để bày bán hàng hoá rất phổ biến khiến các lối đi lại chật hẹp. Hệ thống dây dẫn điện tại các ki-ốt được câu mắc chồng chéo, không bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định. Hàng hoá sắp xếp không khoa học, nhiều hộ chất đống thành nhiều tầng, nhiều lớp.
Ðặc biệt trong thời điểm cận Tết Nguyên đán, tiểu thương đều nhập thêm hàng hoá để bán khiến ki-ôt bán hàng càng trở nên chật chội, nhiều nơi hàng hoá che khuất cả bảng điện, dây điện. Trong trường hợp này, nếu xảy ra sự cố cháy sẽ khiến đám cháy lan nhanh, cháy lớn, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp khó có thể tiếp cận để chữa cháy kịp thời.
Không những vậy, khi tổ chức các đợt tập huấn, hướng dẫn kỹ năng phòng chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ, nhiều tiểu thương không quan tâm. Mới đây, trong 2 ngày 15 và 16.1, Ðoàn cơ sở Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) - Công an tỉnh phối hợp với BCH Ðoàn xã Tân Hà, Tân Hưng tổ chức hướng dẫn kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các chợ xã Tân Hà và Tân Hưng. Mặc dù các chương trình tập huấn này đều được tổ chức khá bài bản, các hộ tiểu thương đều được BQL chợ thông báo, phát giấy mời - thậm chí là đến từng ki-ốt để mời, nhưng số người dự chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ðừng “mất bò mới lo làm chuồng”
Thượng uý Nguyễn Cao Linh, Ðội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực Tân Châu - Tân Biên cho biết, chợ là nơi tập trung nhiều hàng hoá, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Ngoài ra, nguy cơ gây cháy còn đến từ việc thắp nhang, hệ thống điện không bảo đảm, cách sắp xếp hàng hoá không khoa học... của tiểu thương. Trong đó, theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, có trên 70% số vụ cháy nổ do chập điện.
Thời gian qua, nhiều vụ cháy chợ, cháy các điểm kinh doanh trên địa bàn đã gây thiệt hại nặng nề. Ðiển hình như ngày 1.1.2015, chợ Tân Hà xảy ra vụ cháy tại ki-ốt của bà Ðặng Trần Thuỳ Lam, sau đó cháy lan sang 3 ki-ốt bên cạnh, thiêu rụi hoàn toàn 4 ki-ốt với tổng diện tích 138,7m2, thiệt hại ước tính khoảng 140 triệu đồng. Còn trong năm 2018 vừa qua xảy ra nhiều vụ cháy. Ngày 25.4, cửa hàng tạp hoá Thanh Khương do ông Lê Minh Khương làm chủ (đối diện chợ Tân Hà) đã xảy ra cháy lớn, do chập điện.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Ðội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực Tân Châu - Tân Biên đã xuất 3 xe chữa cháy và 12 CBCS tham gia chữa cháy. Sau hơn 2 giờ, đã dập tắt đám cháy, ngăn chặn cháy lan sang khu nhà ở lân cận. Vụ cháy đã thiêu rụi toàn bộ căn nhà diện tích trên 230m2, nhiều hàng hoá trong nhà, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 3 tỷ đồng.
Tại chợ xã Tân Hưng, chị Lê Thị Hồng - một tiểu thương kinh doanh tại chợ này hiện vẫn chưa hết bàng hoàng, khi bất ngờ bị “bà hoả” thăm vào trưa 7.10.2018. Chị Hồng kể: “Hôm đó, tôi đốt nhang ở cửa hàng xong thì đi chùa, chỉ có ông xã ngủ trong nhà. Thật không may, nhang cháy lan sang những thứ xung quanh trong nhà. Nếu không được mọi người và Cảnh sát PCCC đến dập lửa kịp thời thì hậu quả rất khôn lường. Vụ cháy đã làm hư hỏng nhiều đồ đạc và hàng hoá, thiệt hại khoảng một trăm triệu đồng. Ngay sau vụ cháy, gia đình tôi đã sắp xếp hàng hoá gọn gàng hơn. Toàn bộ dây điện đều được bọc trong ống nhựa, lắp cầu dao tự động ngắt…”.
Có thể thấy, những thiệt hại do cháy nổ gây ra là rất lớn. Công tác PCCC không thể xem nhẹ; và đó là nhiệm vụ của toàn dân chứ không riêng gì lực lượng PCCC chuyên nghiệp. Tây Ninh đang là mùa khô, nhất là vào cuối năm lượng hàng hoá phục vụ cho những ngày Tết Nguyên đán tại các chợ rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Thiết nghĩ, các địa phương, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, hướng dẫn các hộ kinh doanh thực hiện tốt các biện pháp PCCC; người dân nâng cao ý thức PCCC, hạn chế xảy ra cháy nổ, gây hậu quả đáng tiếc.
Phương Thuý