BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chơi hụi - người tham gia đang nắm đằng lưỡi

Cập nhật ngày: 09/11/2015 - 03:05

NHIỀU HỤI VIÊN KHỔ VÌ VỠ HỤI

Với kinh nghiệm nhiều năm xét xử, Thẩm phán Đỗ Văn Thinh – Chánh toà hành chính TAND tỉnh cho biết, ông không khẳng định các chủ hụi đều dùng thủ đoạn phô trương “hào nhoáng” bên ngoài để tạo niềm tin nhằm lôi kéo rủ rê nhiều người tham gia chơi hụi. Nhưng thực tế, khi xảy ra bể hụi, người ta mới phát hiện tài sản của chủ hụi chỉ là “vỏ bọc”, vay mượn của người khác để “dụ” hụi viên.

 Với ý định chiếm đoạt tiền của hụi viên, không ít chủ hụi gầy nhiều dây hụi- từ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng một tháng, kể cả hụi ngày, hụi tuần… Trong đó, số lượng người thực chơi không bao nhiêu nhưng số lượng hụi viên “ma” thì rất nhiều.

Thấy chủ hụi có bề ngoài hào nhoáng, hụi viên thường không kiểm tra lại danh sách, chỉ đóng số tiền định kỳ theo lời chủ hụi mà không quan tâm người hốt hụi là ai.

Vì thế chủ hụi “vô tư” lấy tên “ai đó” để hốt hụi sử dụng vào mục đích cá nhân. Đến khi chủ hụi tuyên bố vỡ hụi, nhiều người tham gia mới biết mình bị lừa. Có hụi viên bị trắng tay do tất cả tiền dành dụm được đều đã “nạp” cho chủ hụi, nhưng không lấy lại được.

Hiện nay, việc làm chủ hụi đã được nhiều người xem như là một nghề để kiếm sống, chứ không phải chỉ là người làm đầu mối, hưởng tiền hoa hồng từ những hụi viên như trước đây.

Từ đó có không ít người hám lợi, chủ động đứng ra  làm chủ hụi, lập càng nhiều dây càng tốt, chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền chứ không quan tâm đến đạo đức, tình người, dẫn đến vỡ hụi, gây khổ cho biết bao nhiêu người khác, cuối cùng phải nhờ cơ quan luật pháp giải quyết.

NHIÊU KHÊ ĐÒI TIỀN HỤI

Theo Thẩm phán Đỗ Văn Thinh, thời gian qua, đã có nhiều vụ bể hụi ở huyện Hoà Thành, thành phố Tây Ninh, huyện Dương Minh Châu... gây bức xúc cho nhiều người chơi hụi, nhưng rất ít chủ hụi bị xử lý hình sự. Bởi việc xử lý hình sự các chủ hụi bể hụi rất khó khăn do họ tìm mọi cách “đối phó” với pháp luật.

Thường trước khi tuyên bố vỡ hụi, các chủ hụi đã âm thầm chuyển quyền sở hữu tài sản cho người thân. Khi tuyên bố vỡ hụi, họ sẵn sàng ghi giấy nợ chứ không bỏ trốn khỏi địa phương. Vì thế, khó có thể cho rằng chủ hụi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tinh vi hơn, khi toà án đưa ra hoà giải, các chủ hụi sẵn sàng thừa nhận là có nợ và cam kết trả nợ cho hụi viên. Theo quy định, toà án phải ra quyết định công nhận sự hoà giải thành của các đương sự. Có trường hợp trong quá trình giải quyết, toà án nhận thấy trong danh sách có những hụi viên không có thật, nhưng do hai bên đương sự đã hoà giải thành, nên toà án không thể làm gì khác.

Đến khi các hụi viên yêu cầu thi hành án thì mới biết chủ hụi không có tài sản để thi hành. Rõ ràng những người tham gia chơi hụi chỉ nắm đằng lưỡi. Lúc đó hụi viên lại tiếp tục khiếu nại cho rằng chủ hụi lừa đảo vì đã tẩu tán tài sản.

Từ đó có ý kiến cho rằng, khi có vụ bể hụi, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra, làm rõ hành vi của chủ hụi, xử lý nghiêm hành vi lập danh sách hụi viên “ma” để chiếm đoạt tiền của người dân. Cần có biện pháp ngăn chặn chủ hụi sử dụng “chiêu” thừa nhận nợ, làm cam kết trả nợ, nhưng không còn tài sản để thi hành án vì đã tẩu tán trước khi tuyên bố vỡ hụi.

Thẩm phán Đỗ Văn Thinh khuyên người dân khi tham gia vào các dây hụi hãy chú ý những vấn đề sau: những người chơi hụi trong cùng một dây phải biết rõ về nhau, trong đó cử một người gom hụi và đăng hụi; có văn bản thoả thuận những thành viên tham gia dây hụi rõ ràng, có đầy đủ số điện thoại, địa chỉ của từng hụi viên;

Không tham gia chơi hụi qua trung gian là chủ hụi, trong khi những người tham gia dây hụi không biết rõ về nhau... Có như thế mới hạn chế được hậu quả “trắng tay” khi tham gia chơi hụi.

THIÊN TÂM