BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chổi lông gà trên đà mai một 

Cập nhật ngày: 21/01/2018 - 15:35

BTN - Có lẽ trong tương lai không xa, xóm chổi lông gà sẽ chỉ còn là cái tên gọi trong ký ức của nhiều người dân ở thành phố Tây Ninh.

Chị Vy phơi từng xâu lông gà.

Xóm chổi lông gà là tên gọi thân thuộc nhiều người dành cho xóm dân cư ở hẻm 23, khu phố 3, phường IV, TP.Tây Ninh. Không ai nhớ xóm chổi lông gà hình thành từ khi nào, chỉ biết cách đây hơn chục năm, từ trẻ nhỏ cho đến người già ở khu vực này đều làm chổi lông gà. Nghề làm chổi lông gà nhẹ nhàng nhưng cần sự kiên trì, vì công việc chủ yếu là ngồi một chỗ để xỏ lông gà.

Thường công việc này do các chị em phụ nữ đảm nhận là chính. Các chị có thể ở nhà vừa lo việc nội trợ, vừa kiếm thêm thu nhập bằng nghề chổi lông gà. Những gia đình đông con, đồng nghĩa đông tay lao động, có thể làm chổi nhanh và nhiều hơn.

 Trước đây, hình ảnh thường đập vào mắt những ai có dịp ngang qua xóm chổi lông gà, vào những ngày nắng đẹp là từng xâu lông gà được phơi dài hai bên con hẻm nhỏ. Hiện tại, nghề làm chổi lông gà đang dần mai một vì sự cạnh tranh đến từ các loại chổi nhựa, chổi ni-lông rẻ tiền, tiện dụng hơn.

Xóm chổi lông gà giờ đây chỉ còn lại vài ba hộ gia đình vẫn duy trì, quyết tâm gắn bó với cái nghề truyền thống lâu nay. Chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng chị Lê Thị Tường Vy (sinh năm 1980)- một trong những người hiếm hoi vẫn còn bám trụ với nghề làm chổi lông gà ở xóm này.

Trước sân nhà, mớ lông gà đã được xỏ chỉ thành từng xâu treo lên, bay phấp phới. Thấy trời chuyển mưa, chị Vy vội vã gỡ ra đem chúng vào nhà. Chị nói: “Công phơi từ sáng giờ, để mưa xuống ướt hết là xem như mất công mấy ngày trời”.

Chị Vy kể, chị đã theo cái nghề chổi lông gà này được hơn hai mươi năm. Cũng nhờ nghề này mà gia đình chị có thu nhập ổn định để chăm lo cho con cái ăn học. Đây có thể gọi là nghề gia truyền của nhà chị, cả bà ngoại và mẹ chị đều dành cả cuộc đời để gắn bó với nó. Nối tiếp nghề của bà và mẹ, chị Vy rất thuần thục trong từng công đoạn làm nên một chiếc chổi lông gà.

Làm chổi lông gà tuy không phải nặng nhọc nhưng đòi hỏi khá tốn công. Trước đây, các hộ gia đình làm chổi như gia đình chị Vy thường mua lông gà từ các cơ sở giết mổ gà tại địa phương, nhưng hiện nay, người ta thường dùng máy để vặt lông gà, nên muốn có nguồn vật liệu để làm chổi phải đặt mua ở TP. Hồ Chí Minh.

Lông gà mua về phải đem giặt sạch sẽ bằng xà bông, phơi qua 2, 3 nắng để không còn mùi hôi. Tuỳ theo kích thước, lông gà sẽ được phân loại để làm chổi lớn hay chổi nhỏ, nhuộm màu hay không nhuộm màu, từ đó giá cả cũng có sự chênh lệch nhau. Sau khi phân loại, lông gà được kết bằng kim chỉ thành những xâu dài.

Công đoạn cuối cùng là quấn xâu lông gà đó vào cán chổi đã được phết dầu hắc. Cây chổi lông gà sau khi làm xong phải thật đều, đẹp mới đạt yêu cầu và được người tiêu dùng lựa chọn. Thường có 3 cỡ chổi: lớn, trung và nhỏ. Trung bình một cây chổi nhỏ có giá từ 5.000 đến hơn 10.000 đồng. Cũng có cây cả trăm ngàn đồng như loại chổi kết từ lông gà trống to và đẹp.

Quan sát chị Vy thực hiện các công đoạn để hoàn thành một chiếc chổi lông gà, tôi không khỏi thán phục sự nhanh nhẹn, thành thạo của một người có thâm niên trong nghề như chị. Đôi tay thoăn thoắt của chị dễ dàng xỏ từng sợi chỉ qua cuống những chiếc lông gà bé xíu.

Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, chị cười bảo: “Từ lúc còn nhỏ, chị đã được bà ngoại và mẹ hướng dẫn cách làm nên giờ mới rành rọt vậy. Bây giờ không cần nhìn, chị có thể vừa xem ti vi vừa xỏ lông gà “ngon ơ” như thường”.

Trung bình một ngày chị Vy có thể xỏ được 5-6 dây chổi và quấn được hơn 200 cây chổi lông gà. Mỗi cây chổi như vậy, chị kiếm lời chỉ khoảng 2.000 đồng. Ngày nào giao hàng cho mối lái thì ngày đó có chút thu nhập kha khá, nhưng cũng có ngày chị không được xu nào. Trước kia, khi thu nhập từ nghề chổi lông gà không đến nỗi nào, nhiều người đổ xô vào cùng làm công việc này.

Mấy năm nay, chổi lông gà không còn được ưa chuộng như trước nữa, người làm nghề này cũng dần thưa thớt. Riêng chị Vy: “Như tôi chắc làm tới già là nghỉ nghề luôn, vì hai đứa con không theo nghề của mẹ”- chị nói có chút ngậm ngùi.

Trong xóm còn có bà Sáu, thường gọi bà Sáu lông gà- người đã có gần 50 năm theo nghề chổi lông gà. Bà cho rằng, sớm muộn gì nghề này cũng sẽ mai một do không có người kế thừa. Bà Sáu có 4 người con, nhưng không ai muốn theo cái nghề của mẹ.

Trong thời buổi vật giá leo thang, thu nhập từ nghề làm chổi lông gà không thể đáp ứng được nhu cầu đời sống. Một nguyên nhân khác nữa là do ngày nay, các hộ gia đình đều sinh ít con và ai cũng muốn chăm lo cho con cái được ăn học đến nơi đến chốn, không muốn con theo nghề- cái nghề xem ra rất khó có cơ hội ăn nên làm ra.

Có lẽ trong tương lai không xa, xóm chổi lông gà sẽ chỉ còn là cái tên gọi trong ký ức của nhiều người dân ở thành phố Tây Ninh.

HOÀ KHANG - THUỲ DƯƠNG