Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tản văn
Chòi mòi một thuở...
Thứ bảy: 19:09 ngày 10/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Rất lâu rồi, cùng với tốc độ đô thị hoá của các vùng quê, những khu rừng chồi, rừng thưa dần dần biến mất, cây chòi mòi cũng bị... lấn dần vào tận các rừng sâu, rừng xa, nên rất ít khi bắt gặp lá hay trái chòi mòi bày bán ở các chợ quê.

Tình cờ trong một gian hàng của nghệ nhân làm bonsai, cây kiểng, tôi thấy trưng bày một chậu kiểng nhỏ, có nhiều nhánh cong queo, lá hình bầu dục, phía dưới có nhiều lông trắng óng ánh như nhung, trĩu nặng từng chùm quả nhỏ tròn giống như trái mồng tơi nhưng nhiều màu sắc: xanh, vàng, đỏ, tím đen... trông rất quen, nhưng không thể gọi ngay ra tên của loài cây này được.

Thử hái một trái đưa lên miệng nhấm nhấm, cái vị chua, ngọt hơi thanh thấm nhanh vào đầu lưỡi, chợt sững sờ gợi nhớ mấy câu thơ vui vui đọc được ở đâu đó: “Non xanh, già đỏ, chín tím bầm/ Một chùm chòi mòi trái cả trăm/ Gái trai, thuở bé thèm nhỏ dãi/ Chòi mòi đặc biệt trái quanh năm...”. Hai mắt chợt cay cay với một trời kỷ niệm!

Thuở nhỏ, nhà ở sâu trong rẫy, đi học ra trường làng phải qua một cụm rừng chồi mà sau này lớn lên, bạn bè mỗi khi họp mặt hay nhắc nhở và đặt tên cho cụm rừng là “Rừng cổ tích”. Có lẽ, trong trí nhớ của tuổi thơ thuở ấy, khu rừng là cả một giang sơn bí mật với rất nhiều chim, sóc, thỏ rừng, thậm chí cả chồn và những con cheo nhỏ.

Tất nhiên không loại trừ những con vật... gớm ghiếc và nguy hiểm như rắn, rết, ong vò vẽ mà có lần cả bọn học trò nhỏ chúng tôi phải chạy vắt giò lên cổ, vì lấy cây thọc phá tổ ong. May mà chẳng đứa nào bị ong chích, ngoại trừ hai đứa... tụt cả quần và dép!

Bên cạnh những con thú dễ thương và cả đáng sợ ấy là rất nhiều loại trái cây rừng hấp dẫn bọn con nít suốt cả bốn mùa, từ trái cò ke với trò chơi bắn ống thụt, đến những trái vú bò, trái sim và những loại trái như bứa, trường, say, cơm nguội... Song, loại trái cây, quanh năm lúc nào cũng có trái chín là trái chòi mòi, đặc biệt hấp dẫn cả hai phe con trai lẫn con gái. Vì thế, cây lúc nào cũng... xơ xác vì bị hái trái và cả bị vặt lá non về ăn rau sống hay nấu canh với lá tập tàng.

Chòi mòi là loại cây có nhiều cành nhánh cong, lá hình bầu dục, phía trên trơn láng, phía dưới có nhiều lông mịn, lá non ăn sống hay nấu canh đều được. Chòi mòi ra hoa từ khoảng tháng tư đến tháng sáu và từ đó có trái lai rai suốt năm, nhưng rộ nhất có lẽ từ cuối tháng tám, đầu tháng chín. Cây chòi mòi cao có thể hơn 10 mét, nhiều khi muốn hái những chùm trái ngon, mọng bóng, màu tím bắt mắt, phải... leo trèo như khỉ ra những cành cây ở phía xa.

Thuở ấy, “Cu ngọng” là đứa trèo leo tài giỏi nhất, được cả xóm đặt biệt danh là “Tarzan”, tên của một nhân vật trong phim sống ở rừng xanh. “Cu ngọng” học cùng lớp với tôi, hai đứa ngồi chung một bàn, tôi thường cho bạn ấy “cọp dê” khi viết chính tả hay làm toán, nên trong cặp tôi lúc nào cũng có nhiều trái cây rừng do “Cu ngọng” trao đổi! Ðặc biệt là trái chòi mòi, khi mới vừa ửng đỏ, chua đến nhăn mặt, cho đến lúc chuyển sang màu tím, vừa chua, vừa ngọt thanh ăn rất khoái khẩu.

Thuở ấy, lũ học trò chúng tôi đi học hầu hết đều mang cặp bàng. Tức người ta lấy cây bàng đan thành tấm đệm, sau đó cắt ra may thành mấy cái cặp học trò to bằng tờ báo nhật trình khổ lớn xếp đôi và có đủ hai ngăn, sách vở, bút mực lúc ấy lại ít nên hầu như đứa nào cũng chừa một ngăn để bỏ đồ chơi hay... thức ăn. Cặp của con gái, chắc chắn luôn có bó đũa, trái banh nhỏ, chùm dây thun hay sợi dây dài để chơi nhảy dây.

Còn bọn con trai, không ngoài hai cây “khăng” (còn gọi trò chơi đánh chõng), cái ống thụt hay con vụ được khắc đẽo công phu cùng với... lủ khủ khoai, củ, trái cây nhà và cả trái cây rừng hái được... Vì vậy, hầu hết các cặp vở của lũ học trò nhà quê chúng tôi thường hay bị... chuột khoét một góc để lục tìm thức ăn, âu đó cũng là một kỷ niệm nhớ hoài của tuổi ấu thơ.

Rất lâu rồi, cùng với tốc độ đô thị hoá của các vùng quê, những khu rừng chồi, rừng thưa dần dần biến mất, cây chòi mòi cũng bị... lấn dần vào tận các rừng sâu, rừng xa, nên rất ít khi bắt gặp lá hay trái chòi mòi bày bán ở các chợ quê. Song mùi vị của nó thì không thể nào lãng quên trong vị giác. Hôm nay, dưới bàn tay của người nghệ nhân, cây chòi mòi được uốn, nắn lại thành một loài cây kiểng “độc, lạ” thu hút những người chơi bonsai tìm kiếm. Nghe người chủ cây chòi mòi “kiểng” giới thiệu có chỗ “chơi” một gốc bonsai chòi mòi trên trăm tuổi. Thêm cảm khái ngậm ngùi về một thuở chòi mòi của tuổi thơ.

NGUYỄN SÔNG TRÀ 

Tin cùng chuyên mục