Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tiếp nhận thông tin trên các trang mạng xã hội cần phải biết chọn lọc, nhất là liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. Nếu được tận dụng tốt, có chọn lọc, mạng xã hội cũng mang lại những hiệu quả tuyên truyền nhất định.
Một người dân xem tin tức về dịch bệnh trên facebook.
Chị Tôn Thị Thanh Hiền, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu cho biết, chị thường cập nhật thông tin về dịch bệnh qua báo mạng và các trang mạng xã hội, nhằm nắm rõ tình hình để bảo vệ bản thân và gia đình tốt hơn. Theo lời chị Hiền, thông tin trên facebook, zalo rất đa dạng, phong phú, nhưng cũng phải hết sức cẩn trọng, chọn lựa để tránh những nguồn thông tin không chính thống dễ gây hiểu nhầm, hoang mang.
“Tôi thường chọn những thông tin chính thống, đủ tin tưởng để chia sẻ trên trang cá nhân của mình. Có thể nói, mạng xã hội là môi trường mở nên bất kỳ ai cũng có thể đăng tải những nội dung khác nhau. Do đó, tôi nghĩ mọi người cần chọn lọc những thông tin trước khi chia sẻ ra cộng đồng tránh chia sẻ những thông tin sai lệch”.
Chị Dương Thị Ngọc Sương (ngụ xã Trà Vong, huyện Tân Biên) thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh qua mạng xã hội zalo và facebook và các app báo chính thống, cài đặt Bluezone. Mỗi ngày, khi thức dậy, chị xem thông tin, cập nhật tình hình mới của dịch bệnh.
Sau đó, những tin tức quan trọng chị chia sẻ lên trang cá nhân, group bạn bè hay nhóm phụ huynh học sinh. Chị nói: “Tôi chú ý chia sẻ những thông tin vào group phụ huynh để nhắc nhở mọi người chung tay phòng, chống dịch, chăm sóc gia đình và các em học sinh tốt hơn”.
Theo chị Sương để có thông tin chính xác, chị đọc tin trên faebook, zalo, sau đó vào các app báo để kiểm chứng thông tin cho chính xác vì nguồn tin trên mạng xã hội, nếu không biết chọn lọc, rất dễ sai. Nhờ cập nhật thông tin kịp thời, chính xác mỗi ngày nên chị vẫn giữ được bình tĩnh, không lo lắng dù hiện tại chị đang điều trị bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh. Chị vui vẻ nói: “Nắm được tình hình, diễn biến dịch bệnh và không hoang mang, lo lắng ở yên tại chỗ là hình thức tự bảo vệ mình và người thân”.
Với sự nhanh nhạy, kịp thời trong truyền tải thông tin từ các trang mạng xã hội, nhiều đoàn thể đã tận dụng để tuyên truyền phòng, chống dịch một cách hiệu quả đến người dân.
Theo ông Trần Thanh Tân- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, Hội Nông dân xã có các group tuyên truyền đến các chi, tổ hội, qua đó, cập nhật kịp thời diễn biến, tình hình dịch bệnh trên địa bàn cũng như cả nước giúp hội viên, nắm bắt kịp thời, tạo tâm lý ổn định.
Bản thân ông Tân cũng chia sẻ bài viết, thông tin về dịch bệnh lên trang cá nhân để tuyên truyền với hội viên. Ông nhận xét: “Mạng xã hội có sự nhanh chóng, kịp thời, bên cạnh đó, bản thân tôi cũng cập nhật thông tin qua các app báo chính thống để có thêm sự chính xác”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Muội- Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu cho biết, để tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh, tôi thường xuyên cập nhật thông tin, chia sẻ lại thông tin trên các trang mạng facebook, zalo tuyên truyền của huyện, tỉnh hay trang Thông tin Chính phủ. “Tôi luôn mong muốn từ những chia sẻ này mọi người sẽ nâng cao được nhận thức, tự bảo vệ bản thân, gia đình mình trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, hạn chế những việc không cần thiết để phòng chống dịch hiệu quả”- chị Muội chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Ngọc Nhuyễn- Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, từ đầu năm ngoái trong nhóm cán bộ Hội NCT từ tỉnh đến xã đã có group zalo để tuyên truyền, triển khai các văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh đến các hội.
Mặc dù có những người cao tuổi không dùng được mạng xã hội, nhưng tất cả các huyện, thành phố đều có thành viên tham gia group, có huyện cũng triển khai nhóm xuống các hội xã. Ban đại diện cũng khuyến khích cán bộ Hội tích cực tham gia tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh trên trang cá nhân và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình mang lại hiệu quả tuyên truyền ngày càng nhanh chóng.
VI XUÂN