Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Khi các trường phổ thông kết thúc học kỳ I, hầu hết các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đã công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2021. Dịch bệnh Covid-19 lại bùng phát, những vấn đề liên quan đến tuyển sinh chựng lại, hồi hộp chờ đợi diễn biến của dịch để điều chỉnh kế hoạch học tập, tuyển sinh.
May mắn thay, dịch bệnh đã được khống chế, học sinh, sinh viên trở lại trường, kế hoạch năm học 2020-2021 không phải điều chỉnh. Trong cuộc họp trực tuyến ngày 26.2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương đẩy nhanh kế hoạch chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021.
Theo đó, các trường ĐH, CĐ tiếp tục thực hiện các bước của kế hoạch tuyển sinh đã công bố trước đó. Tất cả thí sinh cần phải theo dõi sát sao, khẩn trương lựa chọn ngành, trường yêu thích, phù hợp để đăng ký, làm các thủ tục cần cho công tác xét tuyển. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, cần cân nhắc, thận trọng bởi chọn ngành là định hướng “con đường sự nghiệp trong tương lai”.
Ảnh minh hoạ
Để tạo điều kiện thuận lợi và giúp học sinh an tâm học tập, Bộ GD&ĐT đã sớm thông báo: năm 2021, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cơ bản vẫn được giữ ổn định, chỉ có một số thay đổi nhỏ về mặt kỹ thuật.
Trong tháng 3 này, Bộ sẽ có đề thi minh hoạ cho kỳ thi tốt nghiệp để các trường, thầy cô giáo và học sinh tham khảo. Còn việc tuyển sinh ĐH, CĐ có 2 điểm mới, có lợi cho thí sinh: thay vì đăng ký nguyện vọng bằng giấy như mọi năm, năm nay được đăng ký bằng hình thức trực tuyến; sau khi biết được điểm thi, trong khoảng thời gian quy định, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tới ba lần. Hầu hết các trường đều duy trì các phương thức xét tuyển quen thuộc như tuyển thẳng, xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển học bạ và xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh.
Một số trường có thêm hình thức xét tuyển bằng cách phỏng vấn trực tiếp cho một số ngành đào tạo chất lượng cao như ĐHBK TP. Hồ Chí Minh, ĐH Tân Tạo, ĐH Đà Nẵng… Năm nay, các cơ sở giáo dục ĐH phát huy quyền tự chủ trong tuyển sinh, trong đó có việc liên kết, hợp tác giữa các trường như nhóm 7 trường kỹ thuật gồm: ĐHBK Hà Nội, ĐHBK (ĐH Đà Nẵng), ĐHBK (ĐHQG TP.HCM), ĐH Giao thông vận tải, ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Thuỷ lợi, ĐH Xây dựng đã ký kết biên bản hợp tác toàn diện trong đó có tuyển sinh.
Theo đó, 7 trường sẽ phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp và xây dựng nhóm tuyển sinh, sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, tiến tới cùng phối hợp tổ chức.
Ảnh minh hoạ
Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2021 tuyển sinh ĐH có xu hướng đa chiều với phương thức tuyển đa dạng, mở nhiều ngành mới, tiếp cận sâu đến thí sinh. Dựa trên kết quả khảo sát việc làm của sinh viên cũng như nhu cầu của xã hội, nhiều trường có xu hướng giảm mạnh chỉ tiêu các ngành có tỷ lệ việc làm thấp, tăng mạnh chỉ tiêu của các ngành có nhu cầu việc làm cao.
Nhiều trường có xu hướng giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp, mở rộng chỉ tiêu xét tuyển dựa vào phương thức tuyển sinh riêng (ĐHBK TP.HCM dự kiến dành khoảng 70% chỉ tiêu xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGTP).
Việc tăng, giảm chỉ tiêu của từng ngành và điều chỉnh tỷ lệ xét tuyển theo phương thức tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường, tuy nhiên nó cũng tạo nên những trăn trở nhất định. Nếu các trường giảm quá mạnh chỉ tiêu xét tuyển theo các phương thức truyền thống (như xét kết quả thi tốt nghiệp) cũng sẽ ảnh hưởng đến những thí sinh đã có chiến lược học tập từ trước (tập trung vào các môn theo tổ hợp). Việc tăng chỉ tiêu các ngành “hot” nhưng các điều kiện bảo đảm chất lượng chưa tương xứng, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Mặt khác, có thể dẫn đến nguy cơ thừa nhân lực khi nhu cầu bão hoà, sinh viên ra trường không có việc làm gây nhiều hệ luỵ: sinh viên bị thiệt thòi; nhà trường khó phát triển bền vững; chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia bị ảnh hưởng…
Vì thế, điều cần thiết đối với những thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh năm nay là phải khẩn trương để bảo đảm theo tiến độ yêu cầu về thời gian của các cơ sở đào tạo, nhưng điều quan trọng hơn là thận trọng, cân nhắc kỹ khi chọn ngành, chọn trường.
Những thí sinh nào có nguyện vọng vào học các trường thuộc khối quân sự bao gồm các học viện, các trường sĩ quan phải đăng ký tại cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh để sơ tuyển từ ngày 1.3 đến 25.4.2021.
Những trường có xét tuyển theo phương thức xét học bạ bắt đầu nhận hồ sơ từ 1.3 (hồ sơ bao gồm: đơn đăng ký xét tuyển; bản sao học bạ THPT, có công chứng; bản sao công chứng giấy tờ có liên quan đến ưu tiên và bản sao bằng tốt nghiệp THPT, đối với thí sinh tốt nghiệp từ 2020 trở về trước).
Hiện những trường đã bắt đầu nhận hồ sơ là Đại học Công nghệ thông tin TP. Hồ Chí Minh (HUTECH), ĐH Kinh tế - Tài chính (UEF), Học viện Chính sách và Phát triển… Các cơ sở tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, ĐHBK Hà Nội… cũng đã bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký thi đợt I.
Khẩn trương để bảo đảm theo những mốc thời gian quy định của các trường, các cơ sở giáo dục là cần thiết nhưng không vì thế mà vội vàng, thiếu cân nhắc trong việc chọn ngành, chọn trường khiến sau đó ân hận vì chọn sai ngành, sai trường.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chọn sai ngành, sai nghề, sai trường của đa số học sinh. Chọn ngành “hot” là một trong những lý do “đi sai đường” thường gặp. Thí sinh nghe tên ngành học thấy “có tên tuổi” nên đăng ký.
Không ít em chọn nghề theo sự rủ rê của bạn bè. Thấy bạn đăng ký ngành đó, trường đó... mình cũng đăng ký. Một số khác lại chọn theo nguyện vọng của bố mẹ. Trong một lần kiểm tra năng khiếu của thí sinh trúng tuyển vào ngành cao đẳng tiểu học, tôi đã hỏi một bạn nam đẹp trai, phong độ, thi đạt kết quả khá cao... sao em không chọn các nghề khác mà lại chọn nghề “gõ đầu mấy đứa con nít”? Em trả lời, em không thích nhưng do bà ngoại và mẹ em “bắt”! Tôi hỏi bà ngoại và mẹ làm nghề gì, em trả lời làm cô giáo! Một số em lại chọn theo cảm tính, “chọn đại cho xong” vì hết thời hạn nhận hồ sơ.
Một thực tế cần ghi nhận là do công tác hướng nghiệp chưa tốt, tư vấn tuyển sinh nhiều khi chỉ là hình thức cho nên rất nhiều học sinh còn mơ hồ về việc chọn ngành, nghề. Một xu hướng đang dần trở nên phổ biến hiện nay là có nhiều bạn trẻ ưu tiên lựa chọn ngành, nghề dễ tìm kiếm việc làm, lương cao, ít nặng học (nhưng đó chỉ là ảo tưởng).
Theo Tổ chức tư vấn nhân sự Job Test, để chọn được ngành, nghề phù hợp cho tương lai cần hội tụ được các yếu tố: sở thích, năng lực, nhu cầu xã hội (dự báo nhu cầu của thị trường lao động), sức khoẻ, ngoại hình, hoàn cảnh gia đình (trong đó 3 yếu tố đầu là quan trọng).
Một câu hỏi được rất nhiều thí sinh đặt ra là trong năm 2021 chọn ngành học nào là phù hợp? Theo nhận định của PGS - TS Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải: những mục tiêu phát triển của Chính phủ sẽ là định hướng quan trọng cho học sinh trong việc chọn ngành, nghề. Bức tranh hoạt động nghề nghiệp năm 2020 gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 còn năm 2021 và các năm tiếp theo lại liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển dịch vụ logistics, kinh tế biển…
Các ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao trong tương lai như: máy tính, CNTT, dịch vụ xã hội, nhà hàng - khách sạn, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật du lịch, ẩm thực, du lịch cá nhân, kiến trúc & xây dựng, sức khoẻ, sản xuất và chế biến nông - lâm - thuỷ (hải) sản, dịch vụ vận tải, sư phạm...
Theo thông tin từ Bộ Thông tin - Truyền thông, từ nay đến 2025 sẽ có khoảng 1,3 triệu lao động ngành CNTT. Cơn “khát” CNTT chưa bao giờ hạ nhiệt. Học ngành CNTT ra trường có thể làm nhiều nghề khác nhau như chuyên gia phần mềm, cứng máy tính; bảo trì, sửa chữa; giảng viên, giáo viên…
Sinh viên có thể ứng tuyển vào công ty, tập đoàn đa quốc gia, mở công ty, tuyển dụng nhân sự làm việc cho mình, dạy tin học. Nền tảng nhân lực ngành CNTT được đánh giá cao về kỹ năng và tiềm năng, được xem là ngành “hot” của mùa tuyển sinh 2021.
Bên cạnh CNTT, khối ngành sức khoẻ đang được nhiều thí sinh quan tâm. Tuy nhiên, các chuyên gia nêu những băn khoăn và cảnh báo về chất lượng đào tạo khi “nở rộ” ngành đào tạo CNTT và sức khoẻ, tạo nên một “cuộc đua” ở các trường ĐH công lập tự chủ và trường ngoài công lập.
Một mùa tuyển sinh nữa đang đến gần. Bao nhiêu gia đình, bao nhiêu học sinh đang học năm cuối của bậc phổ thông là bấy nhiêu nỗi lo, trăn trở về việc chọn ngành, chọn trường cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới. Hãy khẩn trương nhưng cần phải thận trọng, tỉnh táo lựa chọn được ngành, được trường để gửi gắm niềm tin và hy vọng. Sai một ly đi một dặm!
D.M