Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chốn thị thành, được mấy người nhớ tên đường
Thứ bảy: 08:18 ngày 15/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với người dân Tây Ninh, rất nhiều người khi được hỏi chỉ nhớ hai trục đường lớn nhất tại thành phố Tây Ninh là 30 Tháng 4 và Cách Mạng Tháng Tám, ít người nhớ tên những con đường nhỏ hơn.

Góc đường Nguyễn Chí Thanh và Lê Duẩn (phường 3, thành phố Tây Ninh).

Chỉ nhớ địa danh, “quên” tên đường

Rất nhiều người, nhất là những người lớn tuổi, người ở các xã vùng sâu khi đến đô thị, muốn tìm một địa chỉ cụ thể nào đó, họ chỉ cần ghi nhớ địa danh hay đặc điểm nổi bật là có thể đến nơi. Bà Nguyễn Thị Phượng, 65 tuổi, ngụ xã Trà Vong, huyện Tân Biên - quê gốc ở phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành.

Tuy khoảng cách không quá xa, nhưng thỉnh thoảng bà mới về thăm họ hàng. Khi có người hỏi địa chỉ nhà “ở quê”, bà quen kiểu chỉ kèm những địa danh nổi tiếng ở khu vực gần đó là dốc Ao Hồ, rồi quẹo vào hẻm, trước hẻm có đặc điểm gì. Còn hỏi, phải đi qua đường nào, bà trả lời: “Tôi chỉ nhớ những địa danh mà nhiều người biết, không nhớ rõ con đường lớn hiện tại để về nhà cũ tên gì”.

Ông Trần Văn Quang ngoài 60 tuổi, ngụ xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh, làm nghề chạy xe ôm hơn 20 năm. Hằng ngày, ông ngồi đợi khách ngay ngã tư đường Võ Văn Truyện và Ngô Gia Tự (phường 2, thành phố Tây Ninh). Ông chia sẻ: “Thường chỉ nhớ những tên đường lớn, còn đường nhỏ hơn phải hỏi người ta xem gần địa danh hay gần một cơ sở gì để dễ hình dung, nếu không phải tuyến đường lớn, khi được hỏi bất ngờ, tôi không nhớ ngay được”.

Anh Lê Nguyễn Vương Nhi- ngụ khu phố 5, phường 1, thành phố Tây Ninh, là kỹ thuật viên, quản lý điều phối shipper Công ty Mua hộ nhanh (phường IV, thành phố Tây Ninh). Anh Nhi cho biết, đi giao hàng cho khách, anh và nhiều đồng nghiệp cũng chỉ nhớ địa danh mà không nhớ tên đường. Khách hàng cũng vậy, họ chỉ đường theo địa danh, ít người nhớ tên đường đến nhà mình.

Thói quen dần thay đổi

Hiện nay, với điện thoại di động thông minh, muốn tìm tên đường chỉ cần bật ứng dụng Google Map. Anh Ngô Thành Lê, ngụ xã Thạnh Ðức, huyện Gò Dầu, lên thành phố Tây Ninh từ năm 2005. Nhớ hồi chân ướt, chân ráo lên chốn thị thành, mỗi khi muốn đến một địa điểm nào đó, anh phải vừa đi, vừa hỏi đường.

Nhưng gặp một số người dân thị xã (giờ là thành phố), cũng không nhớ tên đường, họ chỉ kèm một địa danh nào đó. Sống lâu thành… thổ địa, giờ thì anh rành đường ở thành phố, đường nào mới đặt tên không biết thì cứ việc tra Google Map. “Lắm khi “ổng” (Google Map) chỉ chạy lòng vòng cả buổi, nhưng cuối cùng cũng sẽ đến thôi”.

Ở tận Tân Châu, lâu lâu mới xuống thành phố Tây Ninh giải quyết công việc hay gặp gỡ bạn bè, chị Ðặng Thị Mộng Thường chia sẻ rằng trước đây chị gần như mù tịt về các tên đường. Chị nói: “Hồi đó, tôi chỉ biết hai đường chính là 30 Tháng Tư và Cách Mạng Tháng Tám”. Có lần muốn tìm tiệm quán bánh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường 2), chị phải đăng facebook nhờ bạn bè chỉ dẫn, khi đến nơi mới ngẩn người ra vì mình đã từng đi qua con đường này.

Giờ thì chị hay tra Google Map. Tuy nhiên, theo chị Thường, người dùng phải thường xuyên cập nhật app, nếu không sẽ đi lạc hoặc bị dẫn đi lòng vòng như chơi.

Ðối với anh Nhi, do tính chất công việc nên anh có thói quen ghi nhớ và đã thuộc hầu hết tên các đường trên địa bàn thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành. “Hiện nay, các bạn shipper chủ yếu tìm đường bằng ứng dụng Google Map- nhất là các bạn mới vào nghề.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc Google Map cũng không quá tốt vì đôi khi mất nhiều thời gian do đi đường vòng”. Bởi theo anh Nhi, với người rành đường như anh, khi nhận đơn hàng anh có thể lên kế hoạch cho tuyến đường mình đi để tiết kiệm thời gian. Thời gian tiết kiệm gần bằng phân nửa so với các bạn không rành đường phải tìm qua dẫn Google Map.

Theo anh Nhi việc tìm đường trên địa bàn tỉnh hiện nay có một số khó khăn, như cách đặt tên đường bằng chữ cái. Ví dụ đường ÐT, hảm số kèm A-B, hay tên đường thay đổi.

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục