BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thi công công trình mùa dịch bệnh:

Chủ đầu tư và nhà thầu tìm biện pháp khắc phục khó khăn 

Cập nhật ngày: 16/08/2021 - 00:14

BTN - Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh- nhất là những dự án đầu tư công có quy mô lớn. Các nhà thầu thi công gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển vật tư, bố trí công nhân thực hiện “3 tại chỗ”…

Dự án đường Trần Phú (thị xã Hoà Thành) là một trong những công trình còn thi công dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Trước tình hình diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, nhằm vừa bảo đảm tiến độ thi công, chất lượng công trình, vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cuối tháng 7.2021, Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các Ban Quản lý dự án (chủ đầu tư), đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công sử dụng công nghệ thông tin để chỉ đạo, điều hành và chỉ huy mọi hoạt động của công trình bằng các hình thức trực tuyến qua điện thoại... các ứng dụng zalo, viber, e-mail hoặc phần mềm khác phù hợp để kết nối.

Nhà thầu thi công các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh, xây dựng phương án tổ chức thi công và các biện pháp phòng, chống dịch tại công trình gửi chủ đầu tư xem xét, phê duyệt để làm cơ sở tổ chức thực hiện. Phương án phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch trong suốt quá trình thi công: điều hành, chỉ huy; vận chuyển chỉ huy trưởng, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân, người lao động; tổ chức thi công tại công trình; bố trí ăn, nghỉ....

Chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra các biện pháp phòng, chống dịch trong suốt quá trình triển khai thi công công trình, theo phương án tổ chức giao thông đã phê duyệt.

Khó khăn không nhỏ

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành lân cận cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội, việc triển khai thi công các gói thầu xây lắp các dự án gặp nhiều vướng mắc trong quá trình tập kết, di chuyển máy móc, thiết bị; vận chuyển, cung ứng vật liệu xây dựng; huy động, điều động nhân công… Việc thực hiện “3 tại chỗ” tại công trường đối với chỉ huy trưởng công trường, cán bộ kỹ thuật, công nhân và người lao động… khó bảo đảm yêu cầu về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Các công trình thuỷ lợi là dạng công trình tuyến, kéo dài trên địa bàn nhiều xã, huyện… không tập trung. Vì vậy, nhân sự triển khai thi công phải di chuyển qua lại các địa phương thường xuyên, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Do đó, nhiều nhà thầu đã có văn bản xin tạm dừng thi công như: Công ty TNHH Vũ Hoan, Công ty TNHH dịch vụ - kỹ thuật Ngân Anh, Công ty TNHH xây dựng PNP, Công ty TNHH Phi Hùng…

Tương tự, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh hiện có nhiều công trình quy mô lớn do các đơn vị tư vấn ở Thành phố Hồ Chí Minh khảo sát, thiết kế. Thành phố này là vùng dịch, việc đi lại của đơn vị tư vấn để khảo sát, thiết kế công trình, làm việc với chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ.

Bên cạnh đó, các công trình đang được Ban Quản lý dự án tổ chức triển khai thi công từ đầu năm đến nay rơi vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại, hầu hết các địa phương trong và ngoài tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, nên chủ đầu tư rất “đau đầu” trong việc tổ chức thực hiện, vừa phải bảo đảm chất lượng, tiến độ thi công, giải ngân, vừa phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Công nhân lao động đã thiếu, chi phí quản lý thi công của nhà thầu lại tăng.

Ðó là chưa kể, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn cung cấp vật tư, thiết bị thi công xây dựng bên ngoài tỉnh khan hiếm, giá vật tư các loại biến động.

Cũng theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng dự án tỉnh, có một số công trình tạm dừng thi công như: Bệnh viện Ða khoa tỉnh (giai đoạn 2), nâng cấp Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi (được trưng dụng để điều trị bệnh nhân Covid-19); công trình Trường THPT Tân Châu được trưng dụng làm khu cách ly của huyện.

Chủ đầu tư và nhà thầu thi công nỗ lực khắc phục khó khăn

Một nhà thầu (đề nghị không nêu tên) chia sẻ, việc thực hiện “3 tại chỗ” đối với các nhà thầu thi công không đơn giản như các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Nhà thầu rất khó bố trí nơi sinh hoạt cho công nhân bảo đảm các quy định về an toàn dịch bệnh, chưa kể việc thi công mang tính đặc thù, ví dụ như rải đá thường thuê “công nhật” tại địa phương, rất khó quản lý việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch bệnh.

Ở các công trình xây dựng, nhiều phương tiện vận chuyển vật tư ra vô hằng ngày; công trình không thi công cố định mà theo tiến độ… Ðây cũng là những nguyên nhân buộc các nhà thầu đề nghị tạm dừng thi công.

Một nhà thầu khác cho biết, khi tạm dừng thi công, nhà thầu phải bảo đảm quyền lợi cho người lao động, nhất là những công nhân gắn bó lâu năm. Nhà thầu và công nhân thoả thuận việc trả lương trong thời gian tạm nghỉ do điều kiện khách quan, bất khả kháng.

Theo Ban Quản lý dự án ngành giao thông tỉnh, thời gian tới, đối với việc tổ chức thi công các dự án, Ban Quản lý thường xuyên kiểm tra, yêu cầu nhà thầu tiếp tục duy trì hoạt động đối với các công trình đang triển khai; chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch theo quy định.

Xây dựng kế hoạch, biện pháp tổ chức thi công phù hợp cho từng hạng mục công trình, phân chi nhiều đội, nhóm thi công tuân thủ các biện pháp tiếp xúc, giao tiếp; không tập trung đông người; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi làm việc, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn, rửa tay theo quy định.

Khi dịch bệnh Covid-19 bị đẩy lùi, đơn vị và các nhà thầu sẽ tìm biện pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án nhưng vẫn bảo đảm chất lượng đề ra.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, từ các khó khăn, vướng mắc nêu trên, cùng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài, Ban Quản lý dự án kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho gia hạn thời gian thi công đối với các gói thầu triển khai từ đầu tháng 6.2021 cho đến khi tình dịch bệnh được kiểm soát, khống chế và ngưng giãn cách xã hội.

Tấn Hưng