BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chủ động bảo đảm an toàn hồ Dầu Tiếng trong mùa lũ 

Cập nhật ngày: 26/09/2022 - 00:20

BTN - Thời tiết năm nay thất thường, mùa mưa đến sớm và mưa kéo dài gây nhiều thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân trong tỉnh. Vì thế, công tác bảo đảm an toàn cho hồ Dầu Tiếng rất được dư luận quan tâm.

Ngày 24.9, hồ Dầu Tiếng xả lũ lần thứ 11 trong năm với lưu lượng 100m3/s.

NHIỀU KỊCH BẢN XẢ LŨ

Hồ Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn thuộc phạm vi 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, là công trình đặc biệt quan trọng, liên quan đến an ninh quốc gia theo Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 7.2.2017 và Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 24.1.2019 của Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống công trình được xây dựng từ năm 1981 và đưa vào vận hành khai thác từ năm 1985, là hồ chứa điều tiết nhiều năm, được thiết kế để phục vụ quản lý khai thác đa mục tiêu, quy mô công trình hồ chứa cấp đặc biệt, dung tích thiết kế 1,58 tỷ mét khối nước ứng với cao trình mực nước dâng bình thường +24,4m, cao trình mực nước chết +17m, diện tích mặt nước hồ là 270km2, cao trình đập chính +28m, chiều cao đập phụ 6-8m; hệ thống kênh mương phục vụ tưới, tiêu là công trình cấp I, cấp II với tổng chiều dài khoảng 150km và trên 300 hạng mục công trình các loại trên hệ thống.

Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (đơn vị quản lý khai thác hồ Dầu Tiếng) cho biết, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia ngày 16.8.2022, dự báo hiện tượng ENSO sẽ tiếp tục duy trì trong trạng thái La Nina từ nay đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 60%-65% và khả năng còn kéo dài sang các tháng đầu năm 2023.

Về dự báo bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), từ nay đến tháng 2. 2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 8-10 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 3-5 cơn. Đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp và mưa lớn dồn dập tại khu vực miền Trung trong các tháng cuối năm 2022.

Đáng chú ý, cho đến tháng 1.2023 có khả năng xuất hiện ATNĐ trên khu vực Nam Biển Đông. Từ tháng 10-11.2022, khu vực Trung bộ và Nam bộ dự báo lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập. Ngoài ra, tại khu vực Nam bộ trong những tháng đầu năm 2023 vẫn có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa cục bộ. Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: giông, lốc, mưa đá.

Lượng mưa trong tháng 9.2022 dù thấp hơn từ 10%-20% so với trung bình nhiều năm với xác suất khoảng 60%-70% nhưng bắt đầu tháng 10, lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm với xác suất khoảng 70%-80% và tháng 11, cao hơn từ 30%-50% so với TBNN với xác suất khoảng 70-80%. Đáng nói là tháng 12.2022 được dự báo lượng mưa cao hơn khoảng 15-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ với xác suất khoảng 70%-80%.

Để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, Công ty đã bảo trì, vận hành thử tất cả các hạng mục công trình, thiết bị điện tử, cửa van cơ khí trước mùa mưa, lũ để tránh xảy ra sự cố khi vận hành; kiểm tra vật tư, máy móc trang thiết bị (bao gồm cả thiết bị dự phòng) và mua bổ sung một số vật tư, thiết bị còn thiếu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời tổ chức trực 24/24 giờ, Ban kỹ thuật, lực lượng xung kích và công nhân viên trong Công ty thực hiện phương châm 4 tại chỗ.

Nếu trong điều kiện bình thường, Công ty thường xuyên tổ chức quan trắc lượng mưa theo quy định; quan trắc mực nước, lưu lượng đến hồ, lưu lượng qua tràn (nếu có), qua các cống lấy nước đầu kênh theo quy định; thực hiện bản tin dự báo: nội dung bản tin dự báo gồm lưu lượng đến hồ, mực nước hồ hiện tại và các thời điểm 6 giờ, 12 giờ, 18 giờ, 24 giờ tới, dự kiến tổng lưu lượng xả tại các thời điểm 6 giờ, 12 giờ, 18 giờ và 24 giờ tới. Báo cáo, cung cấp số liệu cho các cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định.

NGƯỜI DÂN VÙNG HẠ LƯU KHÔNG ĐƯỢC CHỦ QUAN

Tuy nhiên, trong trường hợp có mưa, bão xuất hiện, ngoài việc tăng cường tổ chức quan trắc lượng mưa theo quy định; quan trắc mực nước, lưu lượng đến hồ, lưu lượng qua tràn, qua các cống lấy nước đầu kênh ít nhất 15 phút một lần. Thực hiện bản tin dự báo lũ đến hồ định kỳ 3 giờ một lần: nội dung bản tin dự báo gồm lưu lượng đến hồ, mực nước hồ hiện tại và các thời điểm 6 giờ, 12 giờ, 18 giờ, 24 giờ tới, dự kiến tổng lưu lượng xả tại các thời điểm 6 giờ, 12 giờ, 18 giờ và 24 giờ tới. Báo cáo, cung cấp số liệu cho các cơ quan quản lý có thẩm quyền khi được yêu cầu và theo quy định.

Trước mắt, Công ty đã triển khai tập kết toàn bộ vật tư chống lũ khoảng 16.000m3 từ kho, bãi tập kết của Công ty, đồng thời xây dựng các phương án điều tiết hồ, các phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp (đã xây dựng, đang chờ phê duyệt ban hành). Chỉ đạo các bộ phận kiểm tra và lập kế hoạch sửa chữa các hạng mục công trình bất khả kháng có nguy cơ gây mất an toàn công trình (nếu có). Đồng thời tiếp tục thực hiện các cơ chế phối hợp với các đơn vị liên quan trong quản lý, vận hành, thông tin, báo cáo kịp thời để xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra bảo đảm an toàn tuyệt đối công trình và vùng hạ du, an toàn tính mạng người và tài sản trong mùa mưa, lũ.

Trên cơ sở lượng nước tích được trong hồ thời điểm hiện tại, kế hoạch dùng nước của các đơn vị và nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà đã tính toán, cân bằng nước, xây dựng kế hoạch sử dụng, cấp nước vụ Mùa năm 2022, mực nước hồ Dầu Tiếng dự kiến ngày 30.11.2022 tích nước đạt cao trình 24,32m bảo đảm cấp nước cho các đối tượng trên hệ thống trong năm 2023.

Ông Trần Quang Hùng- Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (đơn vị quản lý, khai thác hồ Dầu Tiếng) cho biết, trước diễn biến thất thường của thời tiết năm nay như mưa sớm, mưa lớn kéo dài nên lưu lượng nước về hồ Dầu Tiếng tăng cao bất thường hơn mọi năm.

Tại thời điểm ngày 24.9, với cao trình mực nước hồ Dầu Tiếng đang ở mức 23,2m (trên mức báo động 2) nên công ty xả lũ với lưu lượng 100m3/s. Trong mùa mưa năm nay, đây là lần xả lũ thứ 11 với tổng lưu lượng hơn 1,3 tỷ mét khối nước. Việc vận hành xả lũ hồ Dầu Tiếng nhằm bảo đảm mục tiêu an toàn công trình, an toàn cho vùng hạ du và tích nước phục vụ vụ Đông Xuân năm 2023.

Tuy nhiên, nếu mưa bão nhiều, mực nước hồ Dầu Tiếng dâng cao, công ty phải tính đến phương án xả lũ để bảo đảm an toàn cho hồ. Khi đó, lưu lượng xả lũ có thể dao động từ 400m3/s và có thể lên đến 2.800m3/s. Do để bảo đảm an toàn hồ đập khi mưa bão xảy ra trong mùa mưa năm nay, Công ty để nghị các địa phương liên quan tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân chủ động có những biện pháp ứng phó an toàn khi hồ Dầu Tiếng buộc phải xả lũ với lưu lượng cao để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ lưu.

TẤN HƯNG