Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ động cạnh tranh trong bối cảnh thực thi cam kết CPTPP
Thứ ba: 09:57 ngày 26/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều cam kết mở cửa thị trường trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cao hơn cam kết WTO, dự báo sẽ tác động đáng kể đến thị trường phân phối, thương mại điện tử (TMĐT), logistics Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội mở ra rất lớn, điều quan trọng là phải biết khai khác cơ hội cho hiệu quả.

Đó là khuyến nghị các diễn giả đưa ra tại Hội thảo: “Ngành phân phối - TMĐT - Logistics Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ CPTPP”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), tổ chức ở Hà Nội chiều 25/11/2019.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập quốc tế thuộc VCCI cho biết, CPTPP có các nhóm cam kết khác nhau, trong đó cam kết về dịch vụ liên quan đến phân phối, TMĐT, logistics là quan trọng tác động đến sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa. Mức độ mở cửa thị trường đối với các lĩnh vực này cao hơn so với WTO, tuy nhiên cũng không nhiều lắm.

Chẳng hạn, đối với ngành phân phối, trong WTO, hầu như Việt Nam đã mở cửa thị trường gần hết, chỉ còn lại 2 loại hàng hóa nhà đầu tư nước ngoài không được phép phân phối và vấn đề đánh giá nhu cầu kinh tế.

Đối với logistics, trong CPTPP, lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ vận tải là có mức độ cam kết mở hơn so với WTO, cụ thể là dịch vụ vận tải hàng không. Tại WTO và EVFTA, Việt Nam chưa mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ hàng không, nhưng tại CPTPP đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài trong CPTPP được tham gia góp vốn mua cổ phần, liên doanh với các hãng hàng không Việt Nam dưới 30% vốn, phần góp vốn lớn nhất trong liên doanh vẫn thuộc về các cá nhân hoặc pháp nhân của Việt Nam.

Những tác động từ các cam kết mở cửa thị trường khác trong CPTPP sẽ làm gia tăng hoạt động luân chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu… tạo ra những nhu cầu lớn về vận chuyển, phân phối…, khiến khách hàng tiềm năng của ngành logistics sẽ lớn hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh chi phí logistics của Việt Nam còn cao do tác động từ yếu tố giá thành vận chuyển, thủ tục hành chính, các hàng rào phi thuế quan khác…, khi thực thi CPTPP, cam kết thuận lợi hóa thương mại cao sẽ góp phần giúp cho doanh nghiệp logistic hoạt động thuận lợi hơn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh…

Tương tự, đối với TMĐT, các cam kết mở cửa thị trường trong CPTPP cũng không cao hơn bao nhiêu so với WTO, mức độ cạnh tranh đối với lĩnh vực này cũng sẽ không quá lớn. Tác động tích cực từ CPTPP thông qua mở cửa thị trường hàng hóa, thuận lợi hóa thương mại… sẽ giúp cho TMĐT bán lẻ hoạt động đa dạng, sôi động hơn nhiều, bởi có nguồn hàng hóa lớn và đa dạng.

Phân phối là lĩnh vực nhiều doanh nghiệp quan tâm, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay: CPTPP sẽ có những tác động đến ngành phân phối, bán lẻ Việt Nam do mức độ mở cửa thị trường cao hơn, rộng hơn so với trong WTO. Dù vậy, trong hơn 10 năm qua, sau khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã được tôi luyện, thử thách qua những thăng trầm, nên về cơ bản họ đã chuẩn bị tinh thần và chấp nhận mở cửa, cạnh tranh cao. Cam kết CPTPP cũng sẽ không làm thay đổi cục diện của thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hoàn toàn tự tin cạnh tranh trong môi trường này.

Theo bà Loan, các nhà bán lẻ sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người tiêu dùng, của khách hàng. Việc tìm kiếm các nguồn hàng tin cậy, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý cho nhiều phân khúc thị trường sẽ là sự ưu tiên chú trọng hàng đầu. Về phía các nhà sản xuất hàng hóa Việt Nam, bà Loan cho rằng, cần phải cố gắng nhiều hơn để chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng, từ đó sẽ nhận được sự quan tâm của các nhà bán lẻ, bởi thực thi CPTPP hàng hóa các nước sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, tạo ra nguồn cung rất lớn, cạnh tranh công bằng với hàng hóa trong nước.

Mặc dù chúng ta đã sự chuẩn bị khá tốt về mặt nhận thức về hội nhập quốc tế, cạnh tranh, song không phải đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm doanh nghiệp phân phối bán lẻ) đã hiểu rõ, trong đó có việc thực thi các cam kết trong CPTPP, thậm chí có nhiều doanh nghiệp còn hiểu lầm. Bà Loan cho biết, tới đây, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ tích cực hơn phối hợp với các doanh nghiệp để tăng cường phổ biến thông tin về CPTPP, phố biến kiến thức về hội nhập quốc tế… để các doanh nghiệp biết, nắm rõ, làm chủ tình hình, chủ động tận dụng các cơ hội, sẵn sàng đối mặt với cuộc cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập CPTPP.

Nguồn congthuong

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục