Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chủ động chăm sóc tốt cây trồng vụ Hè Thu năm 2024 

Cập nhật ngày: 03/04/2024 - 08:28

BTN - Vụ sản xuất này rơi vào các tháng cao điểm mùa nắng nóng, điều kiện thời tiết có nhiều bất lợi và chi phí sản xuất nhiều loại cây trồng thường cao hơn so với vụ Đông Xuân.

Sau thu hoạch lúa Đông Xuân, hiện nông dân trên địa bàn tỉnh bắt tay vào sản xuất vụ Hè Thu 2024. Vụ sản xuất này rơi vào các tháng cao điểm mùa nắng nóng, điều kiện thời tiết có nhiều bất lợi và chi phí sản xuất nhiều loại cây trồng thường cao hơn so với vụ Đông Xuân.

Nông dân trao đổi kinh nghiệm phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa.

Sản xuất tốt, tiết kiệm chi phí

Đối với cây lúa, vụ Hè Thu 2024, dự kiến nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất khoảng 49.800 ha. Thời gian xuống giống trong tháng 4, 5 và kết thúc trước 15.6.2024 nhằm tránh ảnh hưởng tiến độ xuống giống vụ tiếp theo. Nông dân chú ý làm tốt khâu chuẩn bị đất và tập trung chọn gieo trồng các giống lúa chất lượng cao như: OM380, OM5451, OM4900… Lượng giống gieo sạ khoảng 80 - 120 kg/ha.

Ông Nguyễn Văn Thành, ngụ xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành cho biết: “Vụ Hè Thu năm nay rơi vào cao điểm mùa nắng, nông dân thường phải tốn chi phí bơm nước, do vậy, tôi rất quan tâm đến việc làm đất cho bằng phẳng và gia cố hệ thống bờ bao nhằm tránh tình trạng nước bị thất thoát nhanh ra khỏi đồng ruộng.

Tôi cũng chú ý liên kết chặt chẽ với các hộ dân sản xuất lúa trong cùng cánh đồng thực hiện bơm tát nước đồng loạt nhằm giảm chi phí, đồng thời gieo sạ tập trung để thuận lợi trong quản lý sâu bệnh và áp dụng các máy móc cơ giới phục vụ chăm sóc, bón phân, phun thuốc cho lúa”.

Dự báo năm nay, tình hình sâu bệnh phát sinh gây hại trên cây lúa như: bọ phấn trắng, bọ trĩ, nhện gié, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, chuột, ốc bươu vàng, bệnh đốm vằn và các bệnh do vi khuẩn gây ra.

Bà Lê Thị Hoa, ngụ xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành cho biết, để kéo giảm chi phí sản xuất trong vụ Hè Thu, bên cạnh việc thực hiện tốt các khâu làm đất, quản lý nước trên đồng, để hạn chế cỏ dại và sự gây hại của chuột, ốc, các loại dịch hại, cần quan tâm đến việc chọn giống tốt để cây lúa khoẻ mạnh, có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh và thời tiết bất lợi. Qua đó, giúp giảm các chi phí trong chăm sóc, giặm lúa và hạn chế phun các loại thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, bà Hoa cũng chú ý đến việc bón phân cân đối theo nhu cầu phát triển của cây lúa để tiết kiệm chi phí.

Hiện nay, tình hình thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch hại phát triển và gây hại cho lúa. Để giúp nông dân sản xuất tốt lúa Hè Thu, ngành Nông nghiệp tỉnh đề nghị ngành Nông nghiệp các địa phương tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn nông dân thường xuyên chủ động chăm sóc và bảo vệ lúa Hè Thu, kịp thời cung cấp nước tưới cho lúa và phòng trừ các loại dịch hại.

Đối với rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, vụ Hè Thu kế hoạch sản xuất rau các loại là 6.400 ha, đậu các loại 800 ha, đậu phộng 260 ha, bắp 1.250 ha, khoai mì 12.300 ha và mía 400 ha.

Dự báo tình hình sâu bệnh hại trên các loại rau màu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, cây rau các loại xuất hiện sâu vẽ bùa, bệnh thối nhũn, thối gốc... gây hại trên nhóm rau cải; bọ trĩ, nhện đỏ, sâu xanh, ruồi đục quả, bệnh đốm lá, đốm vàng, thán thư, phấn trắng... gây hại nhóm cây khổ qua, dưa leo, bầu, bí, mướp; nhóm nhện, bọ trĩ, bệnh thán thư, héo xanh, héo vàng gây hại cây ớt; dòi đục lá, sâu xanh da láng, bệnh thán thư gây hại cây hành lá.

Nông dân cày ải đất để chuẩn bị gieo sạ lúa Hè thu.

Đối với cây ăn trái, vụ Hè Thu kế hoạch diện tích trồng là 24.510 ha, một số cây ăn trái chính như cây chuối 1.930 ha, cây xoài 2.500 ha, cây nhãn 4.280 ha, cây sầu riêng 3.600 ha, cây bưởi 1.250 ha, cây mãng cầu 5.600 ha.

Cấp mã số vùng trồng cho vùng có diện tích cây ăn trái lớn, tối thiểu 10 ha và mã số cơ sở đóng gói phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc; thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, giai đoạn đầu vụ gặp nắng nóng, khô hạn, nên nông dân chủ động áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm; tủ gốc, tỉa bớt cành nhánh, bón phân lân, kali và phun một số loại phân trung vi lượng để nâng cao khả năng chống chịu cho cây.

Vào mùa mưa, rễ cây ăn trái thường yếu do mưa nhiều làm đất yếm khí, đồng thời thuận lợi cho các dòng nấm trong đất phát sinh gây hại; do đó, cần bón các loại phân có tỷ lệ dinh dưỡng cân đối. Đồng thời tiêu thoát nước tốt, không để vườn ngập khi mưa nhiều.

Ngoài ra, nông dân tăng cường bón phân hữu cơ nhằm nâng cao khả năng giữ ẩm và giữ phân của đất. Thường xuyên kiểm tra vườn phát hiện sớm dịch hại để phòng trừ kịp thời nhằm tăng khả năng chống chịu của cây.

Nhằm chuẩn bị tốt cho việc sản xuất các cây trồng vụ Hè Thu 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả theo kế hoạch, cần đa dạng cây trồng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và nhu cầu của thị trường để việc chuyển đổi được ổn định lâu dài và hiệu quả.

Hỗ trợ, kêu gọi hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất của tỉnh với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm nhằm giải quyết tốt cho vấn đề đầu ra. Thực hiện rà soát các khu vực khó khăn về nguồn nước, có nguy cơ hạn, thiếu nước hoặc không chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp để thông tin, định hướng, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Nông dân làm đất chuẩn bị gieo sạ lúa Hè thu.

Riêng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, tăng cường công tác phòng trừ sinh vật gây hại nhằm bảo vệ các vụ lúa, cây trồng chủ lực, cây trồng chuyển đổi. Thực hiện điều tra, giám sát đồng ruộng/vườn cây để kịp thời phát hiện dịch hại mới, dịch hại mới nổi, sinh vật gây hại có nguy cơ phát sinh trên diện rộng gây thiệt hại cho sản xuất.

Khảo sát, lấy mẫu dịch hại mới, bệnh hại chưa rõ tác nhân gửi cơ quan chuyên môn giám định tên loài sâu hại mới, tác nhân gây ra bệnh hại cho cây trồng làm cơ sở đề xuất biện pháp/giải pháp phòng trừ thích hợp. Duy trì hoạt động hệ thống bẫy đèn thường xuyên tại các vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh.

Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng thu mua sản phẩm đã ký với nông dân, đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, xúc tiến thương mại để mở rộng liên kết sản xuất.

Triển khai biện pháp tiết kiệm nước tưới vụ Hè Thu

Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh có kế hoạch cắt, giảm nước chuyển vụ Đông Xuân 2023-2024 sang phục vụ Hè Thu năm 2024, lịch mở nước vụ Hè Thu năm 2024 và triển khai các biện pháp tiết kiệm nước nhằm đối phó tình hình hạn hán, thiếu nước đến hết mùa khô năm 2024 trên các hệ thống thuỷ lợi.

Theo đó, lịch cắt, giảm nước trên kênh chính Đông, kênh chính Tây thời gian giảm nước bắt đầu từ 7 giờ ngày 1.4.2024 đến hết ngày 15.4.2024. Kênh chính Tân Hưng lịch cắt nước nông nghiệp từ ngày 1.4.2024. Kênh chính Tân Châu, lịch giảm nước từ ngày 1.4.2024 đến ngày 15.4.2024 đoạn từ K0 đến K6+963 phục vụ nhà máy mì và cây ăn trái.

Lịch mở nước trên kênh chính Đông, Tây, Tân Biên; Tân Châu và Tân Hưng: Thời gian mở nước bắt đầu từ 7 giờ ngày 16.4.2024 đến hết ngày 31.7.2024. Dự án kênh chuyển nước vượt sông Vàm Cỏ Đông (sau hạ lưu đường ống) đoạn từ K16+671 đến K31+341 kênh chính mở nước từ ngày 16.4 đến ngày 15.7.2024.

Trong thời gian cắt, giảm nước, Công ty thường xuyên phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam vận hành, điều tiết nước tiết kiệm bảo đảm hiệu quả, an toàn công trình.

Để chủ động ứng phó với nguy cơ hạn thiếu nước năm 2024 và triển khai các biện pháp tiết kiệm nước đến hết mùa khô năm 2024, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh đề nghị lãnh đạo các xí nghiệp, trạm thuỷ lợi trực thuộc phối hợp UBND xã, thị trấn và các tổ chức thuỷ lợi cơ sở tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong tình hình nguồn nước hồ Dầu Tiếng xuống nhanh hơn cùng kỳ; phối hợp chặt chẽ với Đội Quản lý kênh chính Đông và kênh chính Tây thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm nước tưới trên toàn hệ thống, bảo đảm an toàn cho sản xuất đến hết mùa khô năm 2024, khuyến cáo người dân trồng cây ít sử dụng nước.

Đối với hồ chứa Tha La cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ cho nhà máy khoai mì Quảng Ngãi (Tân Châu), tuỳ theo nhu cầu tại từng thời điểm, hồ Tha La vận hành mở nước tưới theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn, tiết kiệm.

Các tổ chức thuỷ lợi phối hợp chính quyền địa phương và các tổ chức thuỷ lợi cơ sở thực hiện tốt việc duy tu bảo dưỡng hệ thống kênh, tổ chức nạo vét mạng lưới kênh nội đồng góp phần bảo đảm hệ thống kênh luôn thông thoáng, ngăn chặn kịp thời sự cố bể vỡ kênh, phục vụ tốt cho sản xuất của nhân dân; thực hiện các biện pháp giữ độ ẩm cho cây trồng, đắp chặn các tuyến kênh tiêu tận dụng nguồn nước.

Nhi Trần