BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chủ động công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 

Cập nhật ngày: 13/07/2023 - 21:22

BTNO - Công tác phòng, chống thiên tai được triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời ngay từ đầu năm, từ giai đoạn chuẩn bị phòng ngừa, ứng phó, tổ chức khắc phục hậu quả, đã hạn chế thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh, năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 106 vụ thiên tai (mưa lớn, lốc, sét) làm 1 người bị thương; 836 căn nhà bị ngập, sập và tốc mái (682 căn nhà bị ngập nước, 154 căn nhà bị sập, tốc mái, hư hại); 12.399 ha cây trồng bị ảnh hưởng và một số thiệt hại khác, tổng giá trị thiệt hại: 56,38 tỷ đồng (so với năm 2021, giảm: 70 vụ thiên tai, 8 người bị thương; tăng: 30 căn nhà bị ngập nước, hư hại và 9.831 ha cây trồng bị ảnh hưởng, giá trị thiệt hại tăng 8,2 tỷ đồng).

Hệ thống quan trắc môi trường trên sông Vàm Cỏ Đông.

Công tác phòng, chống thiên tai được triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời ngay từ đầu năm, từ giai đoạn chuẩn bị phòng ngừa, ứng phó, tổ chức khắc phục hậu quả, đã hạn chế thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm, triển khai hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà ở, khôi phục sản xuất nông nghiệp được nhanh chóng, kịp thời với kinh phí 15,86 tỷ đồng, trong đó: hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp từ nguồn Quỹ PCTT tỉnh 15,8 tỷ đồng/8.201 ha/5.070 hộ/40 xã/6 huyện, thị xã; ngân sách cấp huyện, cấp xã 0,55 tỷ đồng/53 hộ để hỗ trợ về nhà ở; huy động lực lượng 133 người giúp các hộ gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Trong năm 2022, Quỹ PCTT tỉnh đã tổ chức thu 8,12 tỷ đồng, đồng thời chi 11,89 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương và người dân khắc phục hậu quả thiên tai; tính đến ngày 25.4.2023, Quỹ PCTT tỉnh có 23,09 tỷ đồng.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp đã kiểm tra các công trình thuỷ lợi, hồ chứa nước trước mùa mưa lũ; tình hình ngập lụt khu vực kênh tiêu T3-3, T3-8, T01, Suối Cùng - Suối Láng và khu vực kênh tiêu Suối Tre và khu vực ấp Phước Hoà, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu; tình hình ảnh hưởng do hoàn lưu bão số 4 gây ra trên địa bàn xã Tân Đông, xã Tân Hà, huyện Tân Châu; đồng thời, Ban Chỉ huy tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 5 đơn vị quản lý công trình phải tổ chức quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn.

UBND huyện Bến Cầu lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án Cụm dân cư ấp Long Hưng, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu (khu vực thường xuyên chịu tác động của thiên tai) với diện tích 2 ha quy mô 45 hộ, dự kiến thực hiện giai đoạn 2023-2025, kinh phí dự kiến 25 tỷ đồng.

Các địa phương trồng mới 402,8 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; công tác bảo vệ rừng được các đơn vị chủ rừng thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy nên không xảy ra tình trạng cháy rừng.

Các ngành, các cấp từng bước đầu tư, nâng cấp, củng cố cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai (PCTT), trong đó: lồng ghép đầu tư 19 công trình, dự án: Tưới, tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, sửa chữa hồ chứa nước Tha La, Tiểu dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Dầu Tiếng đồng thời thực hiện phương châm “4 tại chỗ” tại địa phương.

Theo dự báo, khoảng tháng 5-7.2023 là thời kỳ El Nino phát triển với khả năng chuyển sang El Nino có xác suất khoảng 60%; bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta, bão hoạt động nhiều hơn từ tháng 8- 10.2023 và giảm dần từ tháng 11.2023.

Đập phụ Hồ Dầu Tiếng thường xuyên được di tu, sửa chữa, bảo đảm an toàn.

Để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn công trình thuỷ lợi, đặc biệt là hồ chứa nước (hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La); tăng cường quản lý cơ sở hạ tầng- nhất là công trình giao thông, thuỷ lợi, hồ chứa nước, hệ thống kênh tiêu thoát nước, triển khai kịp thời dự án lồng ghép các công trình, dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa công trình bảo đảm cung cấp, tiêu thoát nước kịp thời trong mùa mưa bão.

Các địa phương lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực; chủ động kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác PCTT gắn với thực hiện tiêu chí 3.2 “Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về PCTT tại chỗ” trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Người dân khắc phục hậu quả mưa giông là bật gốc cây xanh.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo kế hoạch, phương án được duyệt để tham gia ứng phó, khắc phục kịp thời khi có thiên tai xảy ra; diễn tập, tập huấn, huấn luyện kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, cứu nạn, cứu hộ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành.

Đồng thời, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, tăng cường công tác thông tin, truyền thông; tiếp tục thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2023. Thực hiện trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng, thuỷ văn, tham mưu chỉ đạo ứng phó kịp thời các tình huống thiên tai có nguy cơ xảy ra trên địa bàn.

Các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh và tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc tổ chức, công dân thực hiện nghĩa vụ đóng góp Quỹ PCTT; quản lý, sử dụng Quỹ PCTT có hiệu quả, đúng theo quy định.

Minh Dương