Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thời gian qua, nhiều chùm ca bệnh đã xuất hiện khiến một số bệnh viện bắt buộc cách ly y tế, phong toả để có phương án phòng chống dịch Covid-19. Đây là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, và lan rộng ra cộng đồng.
Chính vì vậy, việc ưu tiên đối phó với dịch Covid-19 trong giai đoạn trước mắt và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác về lâu dài, góp phần giúp bệnh viện bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, chất lượng.
Xuất hiện nhiều ca mắc khiến bệnh viện phong tỏa
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 25/7 đến 12 giờ ngày 27/7, Hà Nội ghi nhận 32 trường hợp mắc Covid-19 thuộc chùm Bệnh viện Phổi Hà Nội. Ngay sau khi phát hiện chùm ca dương tính đầu tiên, UBND quận Hai Bà Trưng đã ra quyết định cách ly y tế toàn bệnh viện trong 14 ngày (kể từ 18 giờ ngày 25/7).
Sở Y tế cũng đã đề nghị Bệnh viện Phổi Hà Nội tạm dừng hoạt động khám, chữa bệnh thông thường từ 18 giờ ngày 25/7 cho đến khi bảo đảm an toàn công tác phòng, chống dịch và có thông báo tiếp nhận bệnh nhân trở lại.
Ngay sau khi phát hiện các ca dương tính, UBND quận Hai Bà Trưng đã ra quyết định cách ly y tế toàn Bệnh viện Phổi Hà Nội trong 14 ngày. Ảnh: Thùy Linh
Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội Phạm Hữu Thường, nguy cơ đối với bệnh viện đang rất cao vì Khoa Nội 3 nằm giữa các khu vực điều trị, ngoài ca F0 gần như toàn bộ bệnh viện đã trở thành F1. Khoa Nội 3 lại chủ yếu điều trị các bệnh về phổi, nang ngoài phổi, đây chính là đối tượng virus SARS-CoV-2 tấn công. Hiện nguồn lây của các bệnh nhân này chưa được xác định. Trước mắt, bệnh viện tập trung rà soát, truy vết các trường hợp liên quan, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ bệnh nhân, nhân viên và người nhà đang trong viện để đánh giá tình hình.
Hiện tại các ổ dịch tại bệnh viện vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Tình trạng dịch bệnh lây lan trong các bệnh viện tuyến Trung ương và Hà Nội đã từng xảy ra trước đó. Đơn cử, mới đây, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng đã phải tạm thời không nhận khám, điều trị bệnh nhân ngay sau khi phát hiện 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 là nhân viên Phòng Tài chính - Kế toán và Đội trưởng Đội vệ sĩ của bệnh viện.
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long, Hà Nội phải phong toả một số khoa, phòng sau khi phát hiện một phụ nữ bán rau tại chợ Cửa hàng mới ở tổ 17 thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh vào khám dương tính SARS-CoV-2.
Trước đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã cách ly y tế khi ghi nhận 14 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên.
Phản ứng của người dân vội vàng chạy đến bệnh viện trong trường hợp không bị nhiễm Covid-19 thì cũng rất có thể sẽ khiến một người khỏe mạnh bình thường đứng trước nguy cơ bị lây nhiễm từ bệnh viện hoặc những người đến bệnh viện nếu không có những biện pháp phòng, chống nghiêm túc.
Ngược lại, trường hợp người bị nhiễm lại đến bệnh viện vô hình chung sẽ lại trở thành nguồn lây cho cả người nhà, bệnh viện và cả bệnh nhân. Vì vậy, ở thời điểm này, khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở... người dân hãy liên hệ ngay với cơ quan y tế để được lấy mẫu xét nghiệm miễn phí. Đây là trách nhiệm của mỗi người dân với chính sức khỏe của bản thân, gia đình và cả cộng đồng.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế
Hay Bệnh viện Quân Y 105 (Sơn Tây, Hà Nội), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cơ sở Nghĩa Dũng... cũng đã tạm thời dừng hoạt động trong một thời gia để tập trung tuy vết, khoanh vùng và dập dịch ngay tại đơn vị khi ghi nhận một số ca dương tình.
Theo Sở Y tế Hà Nội, thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện nhiều ca nhiễm mới trong cộng đồng. Điều đáng nói, đến nay, Hà Nội có 75 ca được phát hiện qua ho, sốt tại cộng đồng thứ phát và 29 ca được phát hiện qua sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng nguyên phát.
Đơn cử như chiều 25/7, Sở Y tế thông tin, nữ bệnh nhân L.T.T.L., sinh năm 1997, địa chỉ ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ đến khám và điều trị tại Khoa Nội 3, Bệnh viện Phổi Hà Nội từ ngày 6 đến 22/7. Ngày 24/7, bệnh nhân có biểu hiện sốt và đến khám tại Bệnh viện Phương Đông, được làm test nhanh và có kết quả dương tính. Sau đó, mẫu bệnh phẩm được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương xét nghiệm khẳng định. Ngày 25/7 có kết quả RT-PCR dương tính.
Tương tự, nam bệnh nhân M.H.C., 55 tuổi, địa chỉ ở Phúc Xá, Ba Đình. Từ ngày 13-19/7, ông C. điều trị tại khoa mắt, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Từ ngày 20-23/7, khoảng 7-10 giờ ông thường đi quản lý chợ Phúc Xá. Chiều 23/7, ông thấy mệt mỏi được con gái đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn khám. Ngày 24/7, ông có sốt nên được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và có kết quả dương tính.
Trước đó có trường hợp bà N.T.B., 67 tuổi, ở Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng. Ngày 18/7, bà có triệu chứng ho. Ngày 19/7 đến khám tại Bệnh viện 108 và được tư vấn chuyển khám và điều trị tại Bệnh viện Thận Hà Nội. Ngày 22/7, bà đến khám tại Bệnh viện Thận Hà Nội, được test nhanh dương tính, sau đó mẫu bệnh phẩm được gửi đến CDC Hà Nội xét nghiệm, kết quả dương tính.
Không để dịch xâm nhập vào bệnh viện ồ ạt
Đề cập đến triệu chứng ho, sốt, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo, với tất cả những trường hợp có biểu hiện ho, sốt mà không có triệu chứng nặng, không nên vội vàng đến các cơ sở y tế điều trị tuyến trên, cũng không tự ý mua thuốc về uống, thay vào đó hãy chủ động khai báo với cơ quan y tế để được tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm miễn phí.
Trường hợp, người bị nhiễm Covid-19, các cơ quan y tế sẽ có những phương pháp tư vấn điều trị, cho người bệnh, đồng thời có biện pháp giúp người bệnh chủ động phòng, chống được sự lây lan dịch bệnh cho người thân và lây ra cộng đồng.
Trong khi đó, nhấn mạnh về nguy cơ lây nhiễm tại bệnh viện, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, điểm quan trọng nhất để Việt Nam tránh khỏi nguy cơ "vỡ trận" như Ấn Độ là bảo vệ "thành trì" bệnh viện, không để Covid-19 xâm nhập vào bệnh viện một cách ồ ạt vì bệnh viện là nơi có rất nhiều bệnh nhân nặng bấp bênh sinh tử. Bệnh viện là thành trì cuối cùng trước dịch. Nếu hệ thống bệnh viện suy yếu, thảm họa y tế lẫn nhân đạo sẽ xảy ra.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho hay, hiện nay, trên địa bàn TP xuất hiện nhiều ca bệnh, ổ dịch phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây, đặc biệt, đã xuất hiện chùm ca bệnh liên quan đến khu công nghiệp, bệnh viện. Trước tình hình rất phức tạp của dịch, Sở Y tế đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống y tế trên địa bàn Hà Nội, từ bệnh viện, trung tâm y tế, các trạm y tế xã, phường, thị trấn và hệ thống y tế ngoài công lập để cung ứng đầy đủ dịch vụ y tế cho người dân, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dược phẩm cũng vào cuộc.
“Tại các bệnh viện, các y bác sĩ ứng trực 24/7 để kịp thời điều trị cho bệnh nhân tất cả các loại bệnh, đặc biệt là kích hoạt một số bệnh viện để điều trị các bệnh nhân Covid-19. Cùng với đó, các bệnh viện tiếp tục điều trị bệnh nhân nặng, những bệnh lý nền. Toàn bộ quá trình điều trị cho bệnh nhân đều được cung ứng các dịch vụ y tế liên hoàn, thông suốt, người dân có thể đặt lịch khám trực tuyến. Các y bác sĩ đã chuẩn bị sẵn các phương án, vật tư hóa chất, thuốc men để điều trị cho bệnh nhân trong mọi tình huống” - Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.
Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê khuyến cáo, tất cả các bệnh viện trên cả nước hãy nâng mức độ cảnh báo, cảnh giác lên mức cao nhất để phòng, chống dịch Covid-19. Các bệnh viện phải có các thông báo từ ngoài cổng, tổ chức cách ly, phân luồng người bệnh và coi tất cả người bệnh đến đều là F0 để có các biện pháp phòng tránh phù hợp. Tất cả người bệnh đến đều được sàng lọc và khai báo y tế, tổ chức sàng lọc..
Tất cả các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai thực hiện nghiêm các hướng dẫn, văn bản của Thủ tướng Chính phủ cũng như của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế về việc thực hiện giãn cách trong bệnh viện, thực hiện khuyến cáo 5K, hạn chế người nhà tới thăm người bệnh, tổ chức chăm sóc người bệnh toàn diện, kê giường bệnh giãn cách 2 m.
“Bệnh viện là một xã hội thu nhỏ. Trong cuộc chiến chống Covid-19, bệnh viện là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh. Bệnh viện không chỉ đối phó với dịch Covid-19 mà còn đối mặt với các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác đang tiềm ẩn trong cộng đồng như: cúm, sởi, ho gà, bạch hầu…
Chính vì vậy, việc ưu tiên đối phó với dịch Covid-19 trong giai đoạn trước mắt và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác về lâu dài, góp phần giúp bệnh viện bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, chất lượng” – Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh lưu ý.
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, UBND TP Hà Nội đề nghị các bệnh viện trung ương, bộ, ngành; bệnh viện các trường đại học đóng trên địa bàn phối hợp, tổ chức phân luồng. Thông báo người dân chủ động đăng ký trước khi đến khám, xét nghiệm để bố trí các khu vực đón tiếp, lấy mẫu xét nghiệm, khám bệnh và trả kết quả phù hợp quy định phòng, chống dịch của TP.
Các bệnh viện thực hiện theo đúng các tiêu chí bệnh viện an toàn, tổ chức khám, chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 theo phương án, quy mô phù hợp, bảo đảm "5K", không tụ tập đông người. UBND TP cũng yêu cầu Sở Y tế Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo tăng cường kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh dược phẩm; xử lý nghiêm, yêu cầu đóng cửa các cơ sở vi phạm nhiều lần.
Nguồn kinhtedothi