Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng đàn chó, mèo cả nước là gần 7 triệu con, tỷ lệ được tiêm phòng vaccine ngừa dịch bệnh các loại trên chó, mèo đạt khoảng 40% tổng đàn.
Nhân viên đội bắt chó thả rông tại TP. Tây Ninh.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 40 trường hợp người tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố. Trong đó nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre 12 ca; Kiên Giang 5 ca và Gia Lai 4 ca. Qua công tác giám sát chủ động các cơ quan chuyên môn đã phát hiện 100 mẫu dương tính với virus dại tại 11 tỉnh, thành phố.
Công tác quản lý đàn chó, mèo của một số địa phương còn lỏng lẻo, chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý như thả rông, không đeo rọ mõm, không tiêm phòng vaccine dại… Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế; việc bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh dại còn ít; người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại cào, cắn.
Tại Tây Ninh, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 1 trường hợp chó bị bệnh dại tại xã Mỏ Công, huyện Tân Biên và 1 trường hợp người bị tử vong do mắc bệnh dại tại xã Long Thuận, huyện Bến Cầu.
Để chủ động ngăn chặn, không để phát sinh và lây lan bệnh dại trên động vật, ngày 19.9, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3150/UBND-KT về việc tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT thường xuyên cập nhật số liệu quản lý nuôi chó, mèo tại địa phương trên hệ thống báo cáo thông tin dịch bệnh trực tuyến (VAHIS); có lộ trình và từng bước áp dụng đánh dấu nhận diện (vòng đeo cổ) cho chó, mèo đã được tiêm vaccine Dại.
Đồng thời, tổ chức tiêm phòng vaccine dại và thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2022 - 2025 và trên 80% trong giai đoạn 2026–2030. Thực hiện giám sát chủ động để cảnh báo cộng đồng và xử lý kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh dại, tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân ổ dịch và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Chó thả rong, không rọ mõm trên đường Võ Thị Sáu, thuộc phường 4, thành phố Tây Ninh.
Phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh tham mưu UBND tỉnh chủ trương thành lập và bố trí kinh phí hoạt động cho Đội bắt chó thả rông, không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh dại trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; hỗ trợ chi trả công tiêu hủy chó, mèo mắc bệnh cho lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, thực hiện tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng.
Các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thống kê và báo cáo chính xác số lượng đàn chó, mèo trên địa bàn quản lý; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phân công nhân sự theo dõi, quản lý, lập danh sách số hộ nuôi chó, mèo; thường xuyên cập nhật số liệu các hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo nuôi báo cáo định kỳ tối thiểu 2 lần/năm về Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố. Bảo đảm quản lý được trên 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025 và trên 80% trong giai đoạn 2026 – 2030.
Minh Dương