Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ động phòng, chống thiên tai, hạn chế thiệt hại
Chủ nhật: 09:43 ngày 18/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các hoạt động kiểm tra đập, hồ chứa nước, kênh chính Đông, chính Tây; tổng kết công tác phòng, chống thiên tai hồ Dầu Tiếng được tỉnh Tây Ninh phối hợp với các tỉnh liên quan thực hiện trước mùa mưa, bão.

Phía sau cống số 1 hồ Dầu Tiếng xả nước vào kênh chính Đông.

Theo Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, ở nước ta, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật trên các vùng miền cả nước, với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần), trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê.

Trong năm 2022, thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng. Riêng trong 4 tháng năm 2023 xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, năm 2022 xảy ra 106 vụ thiên tai khiến 1 người bị thương; 836 căn nhà bị ngập, sập và tốc mái; 12.399 ha cây trồng bị ảnh hưởng và một số thiệt hại khác. Thiên tai đã gây thiệt hại đến dân sinh, kinh tế - xã hội trên 56,38 tỷ đồng. UBND tỉnh hỗ trợ trên 15,86 tỷ đồng để giúp nhân dân khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia nhận định, trong năm 2023, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền ở nước ta có khả năng từ 11 đến 13 cơn trên biển Đông, 5 đến 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền; bão hoạt động nhiều hơn từ tháng 8 đến tháng 10.2023 và giảm dần từ tháng 11.2023.

Trên địa bàn tỉnh ít chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thời tiết cực đoan, tuy nhiên để không bị động và thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh đã triển khai đến các cấp, các ngành chủ động xây dựng phương án phòng tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Ông Lê Anh Tâm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, Sở đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa, công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh rà soát các vấn đề liên quan đến an toàn công trình. Đặc biệt là tại hồ Dầu Tiếng và hồ Tha La, thực hiện kiểm định, đánh giá an toàn đập hồ chứa để cảnh báo sớm cho vùng hạ du nhằm bảo đảm an toàn.

Chú trọng phương châm 4 tại chỗ và công tác phối hợp để kịp thời ứng phó với các tình huống khi có thiên tai xảy ra. Nâng cao năng lực cảnh báo dự báo thiên tai, cung cấp, chuyển tải các thông tin có liên quan đến cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương nhằm chủ động triển khai các phương pháp ứng phó.

Về phía Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, hiện nay Công ty đang quản lý 10 trạm bơm điện, trong đó có 8 trạm bơm phía Tây sông Vàm Cỏ, 1 trạm bơm xã Phan thuộc huyện Dương Minh Châu, 1 trạm bơm N2 thuộc huyện Tân Biên; 1.742 kênh tưới các cấp với tổng chiều dài là 1.619,474km.

Ngoài ra, Công ty được giao quản lý hồ Tha La với dung tích hơn 27 triệu mét khối. Để bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ lợi trong mùa mưa lũ năm 2023, Công ty phối hợp các xí nghiệp, trạm thuỷ lợi trực thuộc tiến hành kiểm tra hiện trạng, đánh giá công trình và xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp, phương án bảo vệ đập, kiểm định an toàn đập.

Ông Đinh Hùng Danh- Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cho biết, Công ty đặc biệt chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm 2023 tại hồ Tha La và hệ thống kênh mương do đơn vị quản lý. Công ty đã tổ chức hội nghị phòng chống lụt bão, mời các sở, ban, ngành và địa phương huyện Tân Châu, Tân Biên dự họp, tổ chức triển khai xây dựng các phương án nạo vét kênh mương, quản lý vận hành theo đúng quy định của UBND tỉnh. Hiện tại, Công ty đã có kế hoạch để nạo vét hệ thống các tuyến kênh.

Đập chính hồ Dầu Tiếng.

Liên quan đến công tác đang đề cập, hồ Dầu Tiếng được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Hồ nằm trên địa bàn của 3 tỉnh là Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, diện tích 27.000 ha, dung tích 1,58 tỷ mét khối nước, cung cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và các dịch vụ khác cho tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh; hồ Dầu Tiếng được Thủ tướng Chính phủ xác định là công trình thuỷ lợi quan trọng đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia.

Hằng năm, UBND tỉnh thường xuyên đến kiểm tra hồ Dầu Tiếng, làm việc với đơn vị quản lý là Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam, nhằm đánh giá mức độ an toàn đập, hồ chứa, an toàn cấp nước và vùng hạ du khi hồ xả lũ.

Các hoạt động kiểm tra đập, hồ chứa nước, kênh chính Đông, chính Tây; tổng kết công tác phòng, chống thiên tai hồ Dầu Tiếng được tỉnh Tây Ninh phối hợp với các tỉnh liên quan thực hiện trước mùa mưa, bão. Đồng thời, tỉnh Tây Ninh cùng với các tỉnh hỗ trợ kinh phí phòng, chống lụt bão để Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam sửa chữa, bảo đảm an toàn công trình hồ chứa nước Dầu Tiếng.

Ông Lê Anh Tâm- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT còn cho biết thêm, hiện nay, giữa các đơn vị quản lý công trình thuỷ lợi và các sở, ngành cũng như UBND các huyện, thị xã có sự phối hợp rất chặt chẽ trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Định kỳ hằng năm, kết thúc vụ tưới thì công tác phối hợp kiểm tra được thực hiện, qua đó đánh giá việc bảo đảm an toàn công trình thuỷ lợi nhằm có hướng duy tu, sửa chữa, kịp thời ứng phó khi mưa, bão xảy ra.

Hiện nay, công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành triển khai nghiêm túc. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân trong trường hợp nếu có thiên tai xảy ra. Người dân cần thường xuyên quan tâm theo dõi, phối hợp, thực hiện cùng cơ quan chức năng để công tác này đạt hiệu quả cao nhất.

Quốc Sơn

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục