BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chủ động phòng, chống thiên tai mùa mưa bão 

Cập nhật ngày: 10/06/2021 - 14:58

BTNO - Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, nhiều loại hình thiên tai dị thường liên tiếp xảy, gây nhiều thiệt hại về tài sản và ảnh hướng đến đời sống người dân.

Căn nhà được huyện Dương Minh Châu và xã Suối Đá hỗ trợ chị Nguyễn Thị Thu Thuỷ xây lại sau khi bị lốc xoáy cuốn sập hồi đầu tháng 5.

Thiên tai dồn dập

Hiện nay, Tây Ninh và các tỉnh khu vực Nam Bộ đang bước vào mùa mưa bão năm 2021, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh đã có những diễn biến bất thường với hàng loạt cơn mưa lớn kèm theo giông lốc và sét dồn dập.

Trong hai ngày 5 và 6.5, mưa lớn kèm theo gió lốc xoáy quét qua nhiều địa phương trong tỉnh làm sập, tốc mái nhiều nhà ở và nhà kho, nhiều chốt biên phòng phòng chống dịch Covid-19 chốt bị sập và tốc mái.

Trong đó, bị thiệt hại nặng nề nhất là huyện Tân Châu, mưa lớn trên diện rộng, kèm theo gió lốc vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 5.5 trên địa bàn 6 xã của huyện đã làm 44 căn nhà bị tốc mái (14 căn bị tốc mái hoàn toàn, 30 căn nhà bị tốc mái một phần), hơn 98 ha cây trồng (cao su, chuối, mít) bị ngã, đổ rải rác. Bên cạnh đó, giông lốc còn làm hư hỏng 18,42 km đường dây điện, 5 cột điện trung thế bị gãy, 7 cột điện hạ thế và nghiêng nứt 1 cột điện trung thế; 5 trạm biến áp và 5 máy biến áp bị sự cố. Tổng giá trị thiệt hại 14.884 triệu đồng.

Còn tại huyện Tân Biên, mưa giông kèm theo gió lớn, kéo dài gần 1 giờ đồng hồ vào chiều tối ngày 5.5, làm 2 người bị thương nhẹ (do phần mái nhà rớt trúng). Một số địa phương có thiệt hại về cây trồng, nhà ở, nhiều cây ăn trái (hơn 100 cây chuối khoảng 0,5 ha, 32 cây mít), cao su (hơn 150 cây cao su), mì và hoa màu (sập 1,3 ha giàn bầu), gãy đổ; 1 chốt biên phòng (xã Tân Lập) và 37 nhà dân bị tốc mái; 7 trường học trên địa bàn bị bay bảng tên, cổng trường, ước tính tổng thiệt hại khoảng 250 triệu đồng. Ngoài ra, mưa và lốc xoáy còn làm nhiều cây rừng gãy nhánh, bật gốc nằm la liệt tại Di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (thuộc huyện Tân Biên).

Đập chính Hồ Dầu Tiếng.

Cơn mưa lớn kèm giông gió kéo dài gần hai giờ vào chiều tối 6.5 tại huyện Dương Minh Châu làm nhiều nhà ở bị tốc mái, cây trồng bị hư hại trên địa bàn các xã Suối Đá, Bàu Năng, Phan và thị trấn Dương Minh Châu, nhiều cây xanh hai bên đường ĐT781 gãy đổ là đứt hệ thống dây điện gây mất điện toàn khu vực khu phố 3 thị trấn Dương Minh Châu. Đồng thời, mưa giông và lốc xoáy còn càng quét qua các huyện Châu Thành và Thành phố Tây Ninh trong chiều ngày 6.5, trong đó, 1 người làm đồng tại ấp Phước Lập, xã Phước Vinh (huyện Châu Thành) bị sét đánh chết.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, bước vào mùa mưa bão năm 2021, từ đầu tháng 4 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 69 cơn mưa lớn, giông lốc và sét làm 2 người chết, 7 người bị thương, 446 căn nhà, 0 trường học bị tốc mái và 936 ha cây trồng bị thiệt hại; tổng giá trị là trên 29.907 triệu đồng.

Người dân hoang mang vì thiên tai

Trước tình hình thời tiết bất lợi thời gian qua, có thể thấy nhiều người dân vẫn còn tư tưởng chủ quan lơ là, chưa chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai như việc chằng chống nhà cửa, giảm thiểu thiệt hại.

Cây cao su bị gãy đổ do lốc xoáy.

Cây cao su bị gãy đổ do lốc xoáy.

Bà Lương Thị Thùa, ngụ ấp Cao Su, xã Long Giang, huyện Bến Cầu cho biết, chiều ngày 21.5, khu vực nhà bà có cơn mưa lớn kèm theo giông gió mạnh đã cuốn bay 1 phần mái nhà của gia đình đi xa hàng chục mét. Khiến bà và các thành viên trong gia đình được một trận hú vía. Theo bà Thùa, thông thường những cơn mưa đầu mùa sẽ có kèm theo gió mạnh, nhưng đây là lần đầu tiên bà chứng kiến trận mưa gió mạnh như vậy.

Còn theo ông Mai Ngọc Tuấn, ngụ ấp Thuận Đông, xã Lợi Thuận, chiều ngày 21.5, sau khi thấy mây đen kéo đến, đoán chắc là trời sắp mưa lớn nên mọi người trong gia đình ông tập trung trong căn nhà lớn. Tuy nhiên, trước khi mưa kéo đến thì những cơn giông cuồn cuộn đã cuốn bay mất phần tole phía sau căn nhà.

Cầm trên tay những thanh sắt ống hình chữ nhật dài hơn 50 cm bị bẻ cong còn sót lại sau khi khắc phục mái nhà bị tốc, ông Tuấn cho biết, sau khi sửa nhà, ông đã rút kinh nghiệm, hàn thêm nhiều thanh sắt gia cố thật chắc, đề phòng giông lốc mạnh có thể xảy ra.

Mưa giông làm bật gốc cây xanh tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu.

Bà Nguyễn Thị Rồi, 72 tuồi ngụ ấp Phước Lợi 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu cho biết, cơn mưa lớn kèm theo giông lốc xảy ra trên địa bàn đã là tốc toàn bộ mái căn nhà bà đang ở và làm sập hoàn toàn căng nhà người con bà là chị Nguyễn Thị Thu Thuỷ ở gần đó, khiến gia đình bà lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, rất may được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình bà lợp lại mái tole và xây lại căn nhà mới bị sặp của chị Thuỷ.

Chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

Ông Phan Quốc Huy- Phó Chủ tịch UBND xã Suối Đá cho biết, cơn mưa dông chiều ngày 6.5 đã làm thiệt hại 34 căn nhà (9 căn sập hoàn toàn, 25 căn tốc mái 1 phần), hơn 13 ha mãng cầu và hoa màu bị ngã đỗ khoảng 20%, 4 trụ điện và 1 trụ phát sóng viễn thông.

Sau khi xảy ra thiên tai, Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã cùng các lực lượng quân sự, công an nhanh chóng xuống hiện trường nắm tình hình và giúp đỡ, hỗ trợ người dân dọn dẹp, ổn định cuộc sống.

Một nhà dân bị lốc xoáy cuốn bay xuống kênh.

Trong đó, hỗ trợ tiền và quà cho 4 hộ có hoàn cảnh khó khăn của địa phương tổng trị giá 20 triệu đồng. Đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ là hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo của tỉnh bị sập nhà hoàn toàn được UBND huyện hỗ trợ 20 triệu đồng từ Quỹ phòng chống thiên tai, chính quyền xã Suối Đá hỗ trợ 35 triệu đồng từ nguồn vận động để giúp bà Thuỷ xây dựng lại nhà mới. Đồng thời, xã cũng vận động hỗ trợ cho gia đình bà Nguyễn Thị Nhị thuộc diện hộ nghèo của ấp Phước Lợi 2 số tiền 10 triệu đồng nhằm giúp gia đình bà vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Còn theo ông Trần Thiện Trang- Phó Chủ tịch UBND xã Lợi Thuận, từ năm 2015 đến nay trên địa bàn xã mới có mưa giông tàn phá lớn như vậy, làm tốc mái hàng loạt nhà người dân, nhiều cây xanh bị bật gốc, một số trụ điện bị nghiên. Ngay sau khi tình hình thời tiết ổn định, địa  phương đã thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Ông Trần Thanh Mềm- Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 3 đợt mưa kèm theo lốc xoáy làm tốc mái 19 căn nhà, gãy đỗ 2 cây xanh và 4 trụ điện bị nghiên, tổng thiệt hại khoảng 170 triệu đồng.

Cũng theo ông Mềm, trong thời gian tới để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của mùa mưa bão, Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn xây dựng kịch bản ứng phó với thiên tai, đặc biệt là trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.

Nhà xưởng tại ấp Tân Khai, xã Tân Lập bị gió cuốn sập.

Ông Đặng Thủ Thừa- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, sau trận mưa giông ngày 6.5, Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã huy động lực lượng dọn dẹp cây xanh ngã đổ trên đường và tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên các gia đình khó khăn bị thiệt hại.

Đồng thời, UBND huyện yêu cầu Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ động cắt tỉa cây xanh trên các trục đường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  tổ chức rà soát, gia cố các điểm xung yếu, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn quán triệt tinh thần “bốn tại chỗ” với nguyên tắc: phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.

Ông Lê Anh Tâm- Chi cục Trưởng Chi cục Thuỷ lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, để hỗ trợ thiệt hại giúp nhân dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và UBND các huyện, thị xã và thành phố đã kịp thời hỗ trợ 370 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Phòng chống thiên tai.

Nhà xưởng tại ấp Tân Khai, xã Tân Lập bị gió cuốn sập.

Bên cạnh đó, hiện UBND thị xã Trảng Bàng, huyện Tân Châu đang tiến hành kiểm tra, đánh giá thiệt hại sản xuất nông nghiệp xác định nhu cầu hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại nhằm chia sẻ, giúp người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Để chủ động ứng phó, phòng tránh và khắc phục khó khăn trong công tác phòng chống, ứng phó thiên tai trong thời gian tới, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh quán triệt phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. Đồng thời, UBND các huyện, thị xã và thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra hạ tầng, nhất là công trình thủy lợi, hồ chứa nước, hệ thống kênh tiêu trục chính, chủ động rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ để di dời dân cư.

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa tăng cường kiểm tra công tác an toàn hồ chứa nước, công trình thủy lợi, kiểm an toàn đập, hồ chứa, đảm bảo an toàn công trình trước mùa mưa bão, an toàn nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và các dịch vụ khác.

Nguyên An