Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngành y tế rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ngành, các cấp, đoàn thể cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh SXH và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch, ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân.
Bác sĩ Trung tâm Y tế thị xã Trảng Bàng thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh chụp ngày 16.6.2022
Trước nỗi lo biến chủng mới của dịch bệnh Covid-19, cùng với thời tiết khí hậu nóng ẩm, việc giao lưu đi lại của người dân tăng cao sẽ là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh tiếp tục gia tăng, bùng phát, đặc biệt là các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng... Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương vừa chống dịch Covid-19, vừa nỗ lực phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác, tránh xảy ra tình trạng dịch chồng dịch.
6 tháng, ghi nhận hơn 4.700 ca sốt xuất huyết
Thống kê của Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 4.740 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng 2,37 lần so với cùng kỳ năm 2021 (1.403 ca), trong đó ghi nhận 5 ca tử vong.
Tân Châu là một trong bốn địa phương ghi nhận ca tử vong do SXH (Tân Châu, Bến Cầu, TP.. Tây Ninh, Gò Dầu). Chỉ trong một tuần, tình hình SXH diễn biến khá phức tạp với 54 ổ dịch, nâng tổng số ổ dịch trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay lên 546, trong đó có 10 ổ dịch cấp độ C; ca chuyển nặng nhiều nhất tại xã Tân Đông với 67 ổ dịch, do đây là khu vực có nhiều dân cư sinh sống, địa bàn gần biên giới.
Cùng diễn tiến, ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP. Tây Ninh cũng tăng 817 ca (sau địa phương có ca mắc cao nhất là thị xã Trảng Bàng, với 862 ca). Phường Ninh Sơn có số ca mắc nhiều nhất, với 167 ca; phường Ninh Thạnh 127 ca; phường 1 ghi nhận 101 ca… Trong đó, trẻ em mắc SXH chiếm 50,37%, người lớn chiếm 49,63%.
Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Hoà Thành cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân SXH ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Trong thời gian qua, địa phương này có nhiều ca SXH chuyển nặng nhưng chưa ghi nhận ca tử vong. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, Khoa Nội - Nhi - Nhiễm, TTYT thị xã Hoà Thành, bệnh SXH rất nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến tử vong. Mặt khác, SXH không có vaccine phòng bệnh, nên chúng ta cần phòng bệnh SXH.
“Phòng bệnh có 2 cách, thứ nhất là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi và không để muỗi đốt. Nếu nghi ngờ mắc SXH, khi đo nhiệt độ từ 37,5 độ C trở lên, người bệnh nên uống thuốc hạ sốt, sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để khám và theo dõi”- bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc nói.
Diệt lăng quăng để phòng ngừa sốt xuất huyết
Bác sĩ CKII Huỳnh Kiều Chinh- Phó Giám đốc phụ trách TTYT thị xã Hoà Thành cho biết, thống kê 6 tháng đầu năm, địa phương ghi nhận 260 trường hợp mắc SXH, 10 ca chuyển nặng; đồng thời đã xử lý 50 ổ dịch nhỏ trên địa bàn. Trong chiến dịch ASEAN phòng, chống SXH, thị xã Hoà Thành chọn xã điểm Long Thành Trung thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng và phun hoá chất, có trên 99% các hộ gia đình đều tham gia công tác diệt lăng quăng, nhờ đó, dịch SXH 2 tuần gần đây giảm so với 2 tuần trước đó.
Ngay khi phát hiện các ổ dịch SXH, ngành Y tế Hoà Thành tiến hành phun hoá chất diệt muỗi. Tuy nhiên, biện pháp phun hoá chất diệt muỗi chỉ là cấp thời. Nếu xử lý những ổ dịch nhỏ sẽ ngăn được nguồn lây bệnh trong cộng đồng. “Không có lăng quăng thì sẽ không có sốt xuất huyết. Chúng tôi hy vọng, với sự vào cuộc của chính quyền và người dân, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ nhanh chóng được khống chế tại thị xã Hoà Thành”- bác sĩ Huỳnh Kiều Chinh chia sẻ.
Để giảm số ca mắc SXH, theo bác sĩ Huỳnh Kiều Chinh, phải xoá các ổ dịch, người dân cần nâng cao ý thức dọn dẹp vệ sinh quanh nhà, diệt ổ lăng quăng để muỗi không phát triển. Đồng thời, ngành y tế rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ngành, các cấp, đoàn thể cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh SXH và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch, ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân.
Một trường hợp trẻ em mắc sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Tân Châu. Ảnh chụp ngày 11.7.2022
Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết trong mùa dịch Covid-19
Dịch SXH bùng phát khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn, các triệu chứng ban đầu của SXH tương đồng với các triệu chứng của Covid-19 như sốt, rát họng khiến nhiều người chủ quan, tự mua thuốc điều trị Covid-19 mà không nghĩ bản thân mắc bệnh SXH. Đến khi bệnh chuyển nặng mới tới cơ sở khám, chữa bệnh thì đã muộn, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Theo bác sĩ CKI Ngô Tấn Khương- Phó trưởng Khoa Nhiễm BVĐK Tây Ninh, SXH và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu khá giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: sốt, đau đầu, đau mỏi người. Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Trong đó, Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn SXH lây qua đường máu do muỗi truyền. Ngoài ra, SXH điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và vùng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc.
Đối với bệnh nhân mắc Covid-19, ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc Covid-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, mất ngửi… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp. “Đa số bệnh nhân SXH thường tự khỏi trong 7 ngày, tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như: chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nguy cơ tử vong”- bác sĩ Khương nhấn mạnh.
Ông giải thích thêm, chuyển nặng SXH không thể chủ quan, không thể nhầm lẫn với các triệu chứng của Covid-19. Nguy cơ nhiễm SXH trên nền hậu Covid-19 có khả năng gây ảnh hưởng tới độ nặng của SXH, đặc biệt đối với trẻ em. Đã có nhiều trường hợp trẻ em từng mắc Covid-19 khi bị SXH, khả năng gặp sốc phản vệ cao hơn nhóm chưa từng nhiễm Covid-19. “Thực tế đã ghi nhận một số trường hợp mắc hội chứng viêm đa hệ thống hậu Covid-19 kèm theo bệnh SXH. Khi nhập viện quá trễ, quá trình điều trị rất khó khăn và bệnh nhân có thể bị sốc kéo dài, gặp các biến chứng nặng từ cơ quan hô hấp, tiêu hoá, thận, não, gan... thậm chí là tử vong”.
Bác sĩ Khương cũng cảnh báo trẻ có thể bị SXH ngay cả khi không có các triệu chứng điển hình của bệnh. Do đó, cha mẹ cần đặc biệt chú ý tới các trẻ đã từng mắc Covid-19, nhóm trẻ mắc phải hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C trong mùa SXH. Ngay khi trẻ gặp các triệu chứng như sốt cao, nôn ói, chảy máu mũi, máu răng; tiêu chảy, đi cầu phân đen; mệt mỏi... cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám, xét nghiệm để sàng lọc SXH.
Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh SXH. Nếu nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đến khám và xét nghiệm tại cơ sở y tế. Trường hợp bệnh nặng cần nhập viện theo dõi và điều trị, tránh những biến chứng xảy ra; nếu bệnh nhẹ, có thể tự hồi phục và chăm sóc tại nhà theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Ngọc Bích - Tâm Giang