Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chủ động, sáng tạo, phát huy sức mạnh nội lực của kinh tế tập thể 

Cập nhật ngày: 17/07/2024 - 17:00

BTN - Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 185 hợp tác xã (HTX) với gần 40.000 thành viên; 127 tổ hợp tác với trên 2.600 thành viên. Những năm gần đây, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh có những chuyển biến tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Hội quán mãng cầu Tây Ninh (thuộc HTX DVNN Minh Trung) tổ chức toạ đàm về tác nhân gây hại và cách khắc phục vàng lá bã trầu, bệnh nấm đen chết cành trên cây mãng cầu.

HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Hùng Hậu, xã Hoà Thạnh (huyện Châu Thành) được thành lập vào năm 2016 với chỉ 10 thành viên. Ông Hoàng Phú Hậu- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương cùng các ngành liên quan tích cực tuyên truyền để người dân hiểu hơn về kinh tế tập thể.

HTX từng bước tạo dựng niềm tin với nông dân, mở rộng lĩnh vực, ngành nghề hoạt động, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên. Thời gian đầu hoạt động, HTX gặp không ít khó khăn. Đến năm 2019, hoạt động của HTX dần đi vào ổn định.

Trước đây, HTX chỉ có 2 ngành nghề là kinh doanh, dịch vụ vật tư nông nghiệp và giống cây trồng. Đến nay, HTX đăng ký lên 27 danh mục hoạt động với nhiều ngành nghề dịch vụ. HTX có 51 thành viên với tổng diện tích sản xuất 200 ha, trong đó, sản xuất lúa là chủ yếu, ngoài ra là rau màu các loại.

Không chỉ cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu đầu ra cho các thành viên, HTX còn mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ với các HTX khác trên địa bàn tỉnh. Với khoảng 20 ha lúa ban đầu, đến nay, HTX đã mở rộng diện tích liên kết lên khoảng 350 ha, gồm các giống Đài thơm 8, OM18, OM 5451... và một số giống lúa mới theo nhu cầu của thị trường.

Ông Hậu chia sẻ, nhận thấy vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, HTX xác định cần phải chủ động, sáng tạo, phát huy được sức mạnh nội lực để phát triển bền vững, lâu dài. HTX định hướng sử dụng phân bón hữu cơ, cải tạo đất... nhằm cung ứng ra thị trường những sản phẩm sạch.

Bên cạnh đó, HTX đang trình cấp thẩm quyền xem xét đối với dự án cơ sở sản xuất lúa giống và xay xát lúa gạo. Mục tiêu của dự án là giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho nông dân, nâng cao giá trị của cây lúa. “HTX cũng mong muốn được giao đất hoặc cho thuê đất sản xuất để chủ động làm những mô hình mới thí điểm, có hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn tỉnh”- ông Hậu nói.

HTX DVNN Minh Trung được thành lập vào năm 2022. Thời gian qua, HTX từng bước nâng cao khả năng quản trị bảo đảm sinh kế và lợi ích bền vững cho các thành viên tham gia, thành viên liên kết. Nhờ đó, quy mô HTX ngày càng mở rộng, đặc biệt là sự gắn kết giữa các thành viên.

Đến nay, HTX có 30 thành viên, sản xuất 100 ha theo tiêu chuẩn VietGAP, có sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh. Ngoài ra, HTX còn liên kết với 120 thành viên với quy mô trên 500 ha, tổng sản lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường khoảng 18.000 tấn/năm.

Anh Lê Minh Trung- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, HTX kiểm soát chất lượng đầu ra cho toàn bộ vùng trồng của thành viên và thành viên liên kết; bảo đảm đầu ra, tăng lợi nhuận, thu nhập cho thành viên và thành viên liên kết để nông dân yên tâm sản xuất.

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Hiệp hội Du lịch tỉnh khảo sát điểm đến du lịch (Famtrip) tại HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung.

“HTX quan tâm đến thiết kế mẫu mã bao bì đẹp, nhiều quy cách, phù hợp cho biếu tặng; sử dụng mã truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng an tâm sử dụng. Ngoài ra, HTX còn xây dựng các kênh truyền thông trên Facebook, Zalo, TikTok, website… để quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu cho trái mãng cầu do HTX sản xuất.

Với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, sản phẩm của HTX đã được khách hàng tin tưởng và đón nhận; hệ thống phân phối trái mãng cầu rộng khắp cả nước, từ Hà Nội đến Cà Mau. Đặc biệt, ở các thành phố lớn, sản phẩm đã có mặt ở các hệ thống siêu thị, cửa hàng trái cây, với mức tiêu thụ bình quân trên 10 tấn/ngày”.

Thời gian tới, HTX tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển dần từ phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất ứng dụng công nghệ cao, qua đó, giảm chi phí nhân công trong quá trình sản xuất, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ an toàn; đồng thời mở rộng diện tích vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Anh Lê Minh Trung cho biết thêm, được biết quỹ đất dùng để sản xuất nông nhiệp công nghệ cao tại huyện Tân Châu còn rất lớn. HTX định hướng xin chủ trương lập đề án xây dựng trang trại ứng dụng công nghệ cao tại xã Suối Dây nhằm sản xuất mãng cầu hữu cơ phục vụ cho thị hiếu người tiêu dùng, cũng như thị trường xuất khẩu tiềm năng trong tương lai gần.

HTX mong muốn các ngành chức năng có liên quan xem xét để dự án sớm triển khai và đi vào hoạt động; hỗ trợ HTX tiếp cận các chính sách từ Nhà nước, giảm bớt gánh nặng về chi phí, tăng lợi nhuận cho thành viên; hỗ trợ giải quyết vấn đề bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để đưa trái mãng cầu xuất khẩu sang các thị trường lớn và tiềm năng.

Theo Liên minh HTX tỉnh, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 122 HTX nông nghiệp, trong đó có 31 HTX trồng trọt, 7 HTX chăn nuôi, 2 HTX nuôi trồng thuỷ sản, 10 HTX dịch vụ thuỷ lợi, 72 HTX nông nghiệp tổng hợp. Số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả chiếm khoảng 70%; có 25/122 HTX ứng dụng công nghệ cao; 80/122 HTX tham gia chuỗi liên kết.

Ước tính doanh thu bình quân của các HTX khoảng 950 triệu đồng/năm/HTX; lãi bình quân 350 triệu đồng/năm/HTX; thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX nông nghiệp khoảng 60 triệu - 70 triệu đồng/lao động/năm (từ 5,5 triệu đồng - 6,5 triệu đồng/tháng/người).

Liên minh Hợp tác xã tỉnh đánh giá, các HTX nông nghiệp ngày càng chú trọng mở rộng dịch vụ và nâng cao chất lượng phục vụ. Từ chỗ chỉ thực hiện các dịch vụ chăm sóc và thu hoạch, một số HTX tăng cường các dịch vụ như cung ứng giống vật nuôi, cây trồng; cung ứng vật tư, phân bón, thức ăn và thuốc bảo vệ thực vật; dịch vụ tiêu thụ sản phẩm... Nhờ đó, số lượng thành viên tham gia HTX ngày càng nhiều, tỷ lệ thành viên sử dụng dịch vụ ngày càng cao. HTX hoạt động hiệu quả hơn, đời sống thành viên ngày một cải thiện, từng bước góp phần xây dựng nông thôn mới.

Theo Liên minh HTX tỉnh, kinh tế tập thể đã thực sự thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Thông qua việc mở rộng sản xuất, các HTX trở thành kênh huy động nguồn lực, góp phần phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đặc biệt trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Số HTX hoạt động có hiệu quả đã làm tốt công tác giải quyết các mối quan hệ sản xuất ở vùng nông thôn, giữa kinh tế tập thể với kinh tế hộ gia đình và là một thành phần kinh tế quan trọng đối với phát triển nông nghiệp - nông thôn.

Ngoài ra, HTX được thành lập không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà còn vì mục tiêu xã hội, phát triển cộng đồng. Mô hình HTX tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định trật tự xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Trúc Ly