BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai 

Cập nhật ngày: 24/11/2021 - 00:04

BTN - Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”…

Cây bị đổ ngã do giông lốc, mưa lớn (ảnh: Minh Dương)

Thời gian qua, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp, khó lường, gây thiệt hại về người, tài sản của nhân dân. Để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại- nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, vào tháng 9.2021, UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ); xác định cụ thể đối với từng vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao dễ bị ảnh hưởng, vùng thường xuyên bị ngập úng, đề cao tinh thần chủ động, tích cực; phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị liên quan kiểm tra hồ đập, công trình thuỷ lợi, kênh tưới, tiêu bảo đảm an toàn tích trữ nước, cấp nước, an toàn công trình.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức rà soát, bổ sung phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể tại địa phương; xác định cụ thể số hộ dân phải di dời, sơ tán trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp theo quyết định của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Ngoài ra, chú ý kiểm tra công trình thuỷ lợi, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tai, mưa, bão, bảo đảm các công trình an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện trang bị phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý khi có tình huống xảy ra.

Ông Phạm Thành Thuế- Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu cho biết, tháng 4 hằng năm, xã đều xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Vào tháng 7.2021, UBND xã ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2021-2025, qua đó, đề ra giải pháp ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ông Thuế cho biết thêm, vào các tháng mùa mưa, địa phương tập trung theo dõi tình hình trên địa bàn. Khi thời tiết có biến động, các trưởng ấp nắm tình hình, nhanh chóng báo về xã để kịp thời hỗ trợ người dân, khắc phục hậu quả.

Trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, đến tháng 10.2021, đã xảy ra 4 đợt thiên tai (giông kèm theo lốc, mưa lớn) làm 82 căn nhà tốc mái (18 căn tốc mái hoàn toàn); gãy đổ 7 trụ điện hạ thế, 1 trụ viễn thông, 46 cây xanh; 3 trường học bị ảnh hưởng; gãy đổ, ngập úng 5 ha rau màu, cây ăn trái; ước thiệt hại khoảng 1,8 tỷ đồng.

Hai địa phương bị thiệt hại nặng là xã Suối Đá và thị trấn Dương Minh Châu, cụ thể: xã Suối Đá có 34 căn nhà bị tốc mái, trong đó, 9 căn tốc mái hoàn toàn; 1 văn phòng ấp bị tốc mái; gãy đổ 3 trụ điện hạ thế, 1 trụ viễn thông, 3 cây lớn tại Trường tiểu học Suối Đá B (điểm Phước Bình 2); gãy đổ 20% diện tích 13,5 ha mãng cầu đang cho trái, ngập úng 1,2 ha rau màu. Thị trấn Dương Minh Châu có 21 căn nhà bị tốc mái; 1 trại heo (đang nuôi trên 500 con) bị tốc mái hoàn toàn; 40 cây xanh dọc đường Nguyễn Chí Thanh bị gãy ngọn, nhánh.

Ngay sau xảy ra giông lốc, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện tổ chức huy động lực lượng, xử lý cắt dọn cây ngã đổ trên đường Nguyễn Chí Thanh; chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn tổ chức rà soát và hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại về nhà ở, dọn dẹp cây xanh gãy đổ.

Các xã, thị trấn kiểm tra, huy động lực lượng giúp hộ gia đình có nhà bị tốc mái lợp lại mái nhà. UBND xã Suối Đá cử đoàn cán bộ của xã đến thăm hỏi, động viên 34/34 hộ có nhà bị thiệt hại, trao tặng 4 phần quà trị giá 2 triệu đồng cho các hộ nghèo, cận nghèo; UBND huyện hỗ trợ 44 triệu đồng cho 4 hộ hoàn cảnh khó khăn, có nhà bị thiệt hại tại xã Suối Đá và xã Phước Minh.

Đến nay, UBND huyện đã ban hành kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai năm 2021; kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 và phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai để chủ động ứng phó kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là người, tài sản và các công trình trọng yếu.

Tất cả các ngành, các cấp trên địa bàn huyện quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.

Các ngành chuyên môn huyện rà soát lại các trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; 11 địa điểm xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng do thiên tai để thực hiện các phương án ứng phó với thiên tai trong giai đoạn 2021-2025.

Giang Hà

Tây Ninh là tỉnh nằm sâu trong đất liền, có khí hậu tương đối ôn hoà, ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, không xảy ra hiện tượng lũ quét, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng. Tuy nhiên, tỉnh vẫn bị ảnh hưởng các loại hình thiên tai, như: ngập lụt cục bộ xảy ra do ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn hoặc mưa lớn kết hợp nước thượng nguồn Campuchia đổ về gây ảnh hưởng một số xã thuộc các huyện: Châu Thành, Tân Biên, Bến Cầu, Tân Châu và ngập lụt cục bộ tại các vùng trũng thấp của huyện, thị xã, thành phố, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, giông, lốc, sét xảy ra thường xuyên nhưng khó dự báo, cảnh báo chính xác phạm vi cũng như mức độ ảnh hưởng nên gây khó khăn trong công tác phòng, chống, ứng phó.

Giai đoạn 2016-2020, UBND các cấp hỗ trợ phục hồi, tái thiết sau thiên tai, cụ thể: chi 35 tỷ đồng giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau thiên tai, trong đó: Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh 33 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai gây ra, với diện tích thiệt hại khoảng 17.000 ha/7.927 hộ/86 xã/7 huyện, thị xã; ngân sách địa phương 2 tỷ đồng hỗ trợ đột xuất về dân sinh, gồm hỗ trợ về người và nhà ở. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn cho dân cư vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, địa phương chủ động rà soát địa điểm vị trí xung yếu, xác định số hộ dân phải sơ tán khi có thiên tai xảy ra.