BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chủ động ứng phó cơn bão số 16 

Cập nhật ngày: 23/12/2017 - 20:45

BTNO - Chiều 23.12, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Tây Ninh có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa, Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh về việc chủ động triển khai các phương án ứng phó cơn bão Tembin (cơn bão số 16).

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Tây Ninh, vào lúc 13 giờ ngày 23.12.2017, vị trí tâm bão ở vào khoảng 7,7 độ vĩ Bắc, 118,8 độ kinh Đông, cách đảo Palawan (Philippines) khoảng 180km về phía Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14. Vùng gió mạnh trên cấp 6, giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km tính từ vùng tâm bão.

Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 100km tính từ vùng tâm bão.

Đường đi và vị trí cơn bão hồi 17 giờ ngày 23.12- Ảnh Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn trung ương.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h) và có khả năng mạnh thêm. Như vậy, khoảng đêm nay (23.12), bão Tembin sẽ vượt qua phía Nam đảo Palawan và đi vào biển Đông.

Đến 13 giờ ngày 24.12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,6 độ vĩ Bắc; 114,0 độ kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h). Từ ngày mai (24.12) vùng biển từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau gió Đông Bắc sẽ mạnh lên cấp 6 có lúc cấp 7, giật cấp 8, cấp 9.

Từ đêm 24 đến ngày 26.12 vùng biển này có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14-15, biển động dữ dội.

Từ đêm 24.12, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trời chuyển nhiều mây, từ ngày 25-26.12 Tây Ninh chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 16 nên có mưa trên diện rộng, mưa vừa, có nơi mưa to, với lượng mưa phổ biến từ 50-80mm, sau giảm mưa. Cần hết sức lưu ý với dông mạnh kèm theo lốc xoáy, gió giật mạnh cấp 8-10 trong thời điểm này.

Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa, ngập úng do ảnh hưởng của cơn bão 16, đồng thời đảm bảo an toàn công trình hồ chứa thủy lợi, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị cơ quan, đơn vị tổ chức trực ban theo quy định, triển khai một số nội dung:

Theo đó, Sở NN&PTNN (Cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh) theo dõi chặt chẽ diễn biến các bản tin dự báo, cảnh báo, diễn biến tình hình thời tiết ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh, thông tin kịp thời đến cơ quan, đơn vị liên quan và người dân để chủ động phòng tránh, đối phó bão.

Tham mưu kịp thời UBND tỉnh văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan, các chủ hồ chứa triển khai các phương án ứng phó có hiệu quả đối với cơn bão 16.

Đồng thời chủ động tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn công trình hồ chứa, công trình thủy lợi; kiểm tra công tác chuẩn bị triển khai các phương án ứng phó cơn bão số 16 trên địa bàn các huyện, thành phố.

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh phải thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến thời tiết, tình hình mực nước hồ Dầu Tiếng để chủ động ứng phó; chuẩn bị phương tiện hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ; tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin, trực ban phòng chống thiên tai 24/24 giờ; chủ động theo dõi diễn biến tình hình mưa từ các cơ quan khí tượng thủy văn, mực nước và lưu lượng nước đến hồ chứa nước để xây dựng các kịch bản ứng phó với những tình huống sự cố có thể gây mất an toàn công trình; kiểm tra việc vận hành hồ chứa trên địa bàn, đối với các hồ có cửa van xả lũ phải chủ động vận hành xả lũ để đối phó với mưa lớn; khắc phục ngay các hư hỏng có nguy cơ mất an toàn, không để xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn công trình và an toàn của người dân vùng hạ du.

Ngư dân huyện Tân Châu đưa ghe vào bờ tránh bão- Ảnh minh hoạ.

UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh, tăng cường công tác thông tin truyền thông diễn biến đường di chuyển của bão, các văn bản chỉ đạo, bản tin dự báo qua hộp thư điện tử của cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN (hàng giờ) trên phương tiện thông tin địa phương để người dân biết và chủ động ứng phó kịp thời.

Chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng, chống ứng phó tình trạng ngập úng, bão, bão mạnh và rất mạnh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

UBND các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra vị trí xung yếu, công trình có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lớn, bão gây ra, đặc biệt lưu ý các khu vực ven sông.

Vận động nhân dân, đồng thời huy động lực lượng, tổ chức hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa (theo tài liệu hướng dẫn kỹ thuật xây dựng phòng và giảm thiểu thiệt hại do bão cho nhà ở).

Kiểm tra hệ thống lưới điện, chặt tỉa cành cây và công trình công cộng, dân sinh khác để đảm bảo an toàn. Thông báo các ghe, thuyền không được hoạt động trên hồ, sông...; các hộ dân không được ở lại các nhà, trại, vườn cây cao su để tránh lốc xoáy, gãy đổ cây gây thiệt hại.

Chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các xã triển khai lực lượng luôn sẵn sàng theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và "3 sẵn sàng" (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả), tổ chức trực ban phòng chống thiên tai 24/24 giờ.

Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Tây Ninh tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và phổ biến các kỹ năng ứng phó thiên tai để nhân dân biết chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra...

Thiên Tâm