Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, tăng cường công tác thông tin, truyền thông; diễn tập, huấn luyện, luyện tập kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, cứu nạn, cứu hộ...
Mưa lớn gây ngập cục bộ tại ấp Đông Tiến, xã Tân Đông, huyện Tân Châu ngày 27.9.2022. Ảnh: Thế Nhân
Theo Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ tỉnh Tây Ninh (PTDS, PCTT và TNCN), năm 2022 vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 106 vụ thiên tai (mưa lớn, lốc, sét) gây thiệt hại 56,38 tỷ đồng (so với năm 2021, giảm 70 vụ thiên tai). UBND tỉnh hỗ trợ 15,86 tỷ đồng giúp người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù số vụ thiên tai trong năm 2023 có giảm so với năm 2022, nhưng mức độ thiệt hại và phạm vi ảnh hưởng có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất. Điển hình, trong hai ngày 15 và 16.4.2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn kèm theo lốc làm sập 5 căn nhà, 58 căn nhà bị tốc mái (33 căn nhà bị tốc mái hoàn toàn, 10 căn nhà bị tốc mái từ 30%-70%, 15 căn nhà bị tốc mái dưới 30%), 8 căn nhà bị hư công trình phụ; 1 trại gà bị sập, thiệt hại 50%; 1,3 ha bắp và 0,4 ha nhãn bị hư hại... tổng thiệt hại 1 tỷ 267 triệu đồng.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, hiện nay đang trong thời điểm giao mùa, mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có diễn biến phức tạp; từ ngày 21-23.4.2023, một số khu vực trên cả nước (các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Quảng Trị, Quảng Nam, Gia Lai, Bình Phước và Đồng Nai) xảy ra mưa dông kèm theo lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh gây thiệt hại về nhà ở, nông nghiệp.... Theo tin từ Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, từ ngày 24.4 - 3.5.2023, khu vực Bắc bộ, Trung bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Ngày 24.4.2023, Văn phòng Thường Trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành Công văn số 135/VPTT về ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5.
Theo đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân, khách du lịch chủ động phòng tránh hiện tượng mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể xảy ra trong những ngày tới.
Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, lưu ý những khu vực tập trung đông người, ven biển, trên các đảo, khu du lịch...; chủ động chuẩn bị phương tiện, vật tư nhất là vải bạt, tấm lợp các loại và lực lượng xung kích tại cơ sở sẵn sàng huy động giúp dân khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền hình cấp tỉnh, các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn người dân, khách du lịch cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, trong đó tập trung vào các nội dung: biện pháp trú, tránh bảo đảm an toàn khi xảy ra dông, lốc, sét; gia cố, che chắn bảo vệ tài sản, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại.
Theo Ban Chỉ huy PTDS, PCTT và TKCN tỉnh Tây Ninh, công tác PCTT và TKCN là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, mang tính chuyên nghiệp cao, đòi hỏi phải có lực lượng chuyên trách, được tập huấn để xử lý, ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố thiên tai, môi trường, chính vì vậy, để chủ động ứng với các tình huống thiên tai trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Ban Chỉ huy PTDS, PCTT và TNCN tỉnh đề nghị toàn lực lượng tiếp tục thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu PCTT, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, nâng cao năng lực Ban Chỉ huy, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp.
Tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, tăng cường công tác thông tin, truyền thông; diễn tập, huấn luyện, luyện tập kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, cứu nạn, cứu hộ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành.
Tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn công trình thuỷ lợi, đặc biệt là hồ chứa nước (hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La); tăng cường quản lý cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thuỷ lợi, hồ chứa nước, hệ thống kênh tiêu thoát nước, triển khai kịp thời dự án lồng ghép các công trình, dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa công trình bảo đảm cung cấp, tiêu thoát nước kịp thời trong mùa mưa bão.
Theo UBND tỉnh, để bảo đảm an toàn hồ Dầu Tiếng- công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, công trình có vai trò, vị trí quan trọng đối với 5 tỉnh trong khu vực, UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặc biệt quan tâm hỗ trợ hơn nữa trong công tác quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ đập, hồ chứa nước Dầu Tiếng, trong đó đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước; an toàn cấp nước; an toàn vùng hạ du; kiểm định an toàn đập, hồ chứa để có kế hoạch bố trí kinh phí nâng cấp, sữa chữa các hạng mục công trình đầu mối; đập, chính, đập phụ, hệ thống quan trắc chất lượng nước; cũng như quản lý, khai thác có hiệu quả các hoạt động trong vùng lòng hồ.
Xây dựng, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, ngập lụt vùng hạ du hồ Dầu Tiếng cần khẩn trương phê duyệt để các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và TP. Hồ Chính Minh có phương án ứng phó hồ chứa nước Dầu Tiếng xả lũ; đồng thời chủ động trong việc bố trí nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp công trình bảo đảm hành lang thoát lũ.
Quản lý, khai thác, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ công trình hồ Dầu Tiếng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm theo dõi, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Miền Nam triển khai nhiệm vụ: xây dựng đường đặc tính hiện trạng lòng hồ và đánh giá dung tích, khả năng bồi lắng lòng hồ chứa nước Dầu Tiếng làm cơ sở điều chỉnh lại quy trình vận hành hồ Dầu Tiếng, đề xuất giải pháp nạo vét tăng tuổi thọ công trình theo Nghị định 23/2020/NĐ-CP ngày 24.2.2020 của Chính phủ.
Trên địa bàn tỉnh, đối với khu vực ven sông Vàm Cỏ Đông (150km) thường xuyên bị ảnh hưởng do mưa, lũ, triều cường, sạt lở bờ sông, hỗ trợ tỉnh tiếp cận các nguồn vốn của Trung ương để đầu tư các tuyến đê bao để bảo vệ diện tích sản xuất bên trong (đoạn từ xã An Thạnh, huyện Bến Cầu đến xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành khoảng 37km, bảo vệ 6.500 ha, kinh phí hơn 1.600 tỷ đồng.
Theo đó, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Miền Nam - đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng: nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương quốc gia về phòng, chống thiên tai, Uỷ ban quốc gia ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tỉnh Tây Ninh cùng với các tỉnh trong vùng hưởng lợi sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí để Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Miền Nam để sửa chữa công trình, bảo đảm an toàn công trình hồ chứa nước Dầu Tiếng trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Nhi Trần