Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
UBND tỉnh vừa văn bản yêu cầu triển khai một số biện pháp cấp bách, chủ động ứng phó thiên tai.
Ảnh minh họa
UBND tỉnh cho biết, theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ, từ nay đến cuối năm 2020, khả năng xuất hiện khoảng từ 7 - 9 cơn bão, trong đó khoảng từ 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai trong thời gian tới, góp phần giảm thiệt hại về người, tài sản và ổn định phát triển kinh tế, xã hội, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Tây Ninh; Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà và Tây Ninh triển khai các văn bản Ban Bí thư, Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Nghị quyết của Chính phủ, Kế hoạch của UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai năm 2020...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ tiếp tục cập nhật, theo dõi diễn biến các bản tin thiên tai, tình hình thiên tai, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, tổng hợp báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức thẩm tra, trình UBND tỉnh hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra kịp thời, đảm bảo thời gian theo quy định.
Kiểm tra công trình thủy lợi, hồ đập trên địa bàn, phương án, nguồn lực bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, hồ đập trước tình huống mưa lũ lớn, nhất là các công trình quan trọng.
Bộ CHQS, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh rà soát, hoàn thiện bổ sung phương án cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai xảy ra trên điện rộng; nâng cao chất lượng công tác cứu hộ, cứu nạn và sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai xảy ra.
UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Chủ động kiểm tra công tác đảm bảo an toàn công trình, công trình trọng điểm, khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng ngập lụt trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời đến nơi an toàn.
Chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời khắc phục các sự cố hư hỏng, xử lý các trọng điểm xung yếu bảo đảm an toàn công trình, thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trên địa bàn.
Bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để thực hiện tốt công tác phòng chống, thiên tai.
Hy Uyên