Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030 tầm nhìn 2050 phù hợp và được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh và các chương trình, kế hoạch chung của quốc gia.
Hệ thống dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông góp phần ứng phó biến đổi khí hậu. Ảnh minh hoạ
Theo UBND tỉnh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường có ý nghĩa sống còn, gắn kết với sự phát triển bền vững của tỉnh; là nền tảng để hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng xã hội thân thiện với môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng nhất đối với toàn nhân loại, ảnh hưởng sâu sắc và làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu. Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, con người phải tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với biến đổi khí hậu là trọng tâm và coi giảm nhẹ khí nhà kính là cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh bảo vệ tài nguyên, môi trường phải trên cơ sở tiếp cận quản lý tổng hợp, liên ngành, liên vùng, tính đủ lợi ích tổng thể và bảo đảm lợi ích hài hoà giữa các bên liên quan, giữa các thế hệ; dựa trên nội lực là chính, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ và kinh nghiệm quốc tế và ứng dụng khoa học, công nghệ phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội.
Ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030 tầm nhìn 2050 phù hợp và được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh và các chương trình, kế hoạch chung của quốc gia.
Một tuyến kênh dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông.
Ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội
Với quan điểm, chủ trương trên, tỉnh đặt ra các mục tiêu chung. Trong đó, tỉnh xác định được các thách thức và cơ hội của biến đổi khí hậu đối với quá trình phát triển của ngành, lĩnh vực và địa phương trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Xác định được các giải pháp ưu tiên nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, lộ trình triển khai và nguồn lực thực hiện cho từng giai đoạn (2022-2025, 2026-2030), tầm nhìn đến 2050. Rà soát, bổ sung, lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu theo kịch bản biến đổi khí hậu trong các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh Tây Ninh.
Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022-2030. Theo đó, về thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thiên tai có độ tin cậy cao, đánh giá được các nguy cơ thiên tai để có giải pháp phòng ngừa kịp thời. Lồng ghép phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Nâng cao nhận thức, hình thành ý thức thường trực ứng phó với biến đổi khí hậu của các ngành, các cấp, cộng đồng dân cư và người dân: trên 80% cộng đồng dân cư và 100% công chức, viên chức nhà nước hiểu biết cơ bản về biến đổi khí hậu.
Chủ động phương án, điều kiện phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực- nhất là những vùng dễ bị tác động của thiên tai. Nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống hạ tầng, công trình thuỷ lợi, kinh tế - xã hội, cộng đồng dân cư trước tác động của biến đổi khí hậu.
Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính: giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường. Phát huy và đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng năng lượng mới và tái tạo. Đưa giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính thành các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2050 về thích ứng biến đổi khí hậu của tỉnh là chủ động trong công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Lồng ghép phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực.
100% cán bộ, công chức được tập huấn, nâng cao năng lực và trình độ về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; trên 80% người dân được nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó biến đổi khí hậu.
Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tỉnh phấn đấu giảm 25% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế, chủ động công tác điều tra, kiểm kê, và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng năng lượng mới, sử dụng công nghệ mới để sản xuất năng lượng tái tạo. Đưa giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính thành các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Một góc "sinh thái" ở Khu công nghiệp Thành Thành Công.
Nhiều giải pháp về kinh tế, xã hội, ứng dụng khoa học công nghệ
Để đạt được các mục tiêu, tỉnh đã đề ra nhóm giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, Tây Ninh tập trung bảo vệ, phục hồi tài nguyên nước, từ nay đến năm 2030 ngăn chặn được tình trạng suy giảm, suy thoái tài nguyên nước; quản lý hiệu quả tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước của các ngành, cải thiện chất lượng môi trường và phòng, chống thiên tai do nước gây ra phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân….
Xây dựng hệ thống công trình thuỷ lợi, nâng cấp sửa chữa hồ đập, hệ thống kênh tưới, tiêu trước, trong và sau mùa mưa bão để bảo đảm cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và các dịch vụ khác, đồng thời bảo đảm tiêu thoát nước kịp thời trong mùa mưa bão, hạn chế ngập lụt…
Đối với lĩnh vực tài nguyên đất và tài nguyên khoáng sản, tỉnh sẽ khai thác hợp lý, hiệu quả diện tích đất chưa sử dụng, đất bồi ven sông cho phát triển rừng, phát triển cây xanh ở đô thị và khu công nghiệp; quản lý chặt chẽ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Thúc đẩy, khuyến khích phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình tuần hoàn, bảo đảm quỹ đất cho phát triển các khu xử lý, tái chế chất thải. Lựa chọn công nghệ tiên tiến trong thu hút dự án có sử dụng đất với các khu vực nhạy cảm về môi trường.
Đáng chú ý là tỉnh sẽ di dời các điểm, khu dân cư, các cơ sở sản xuất ra khỏi các vùng, khu vực có nguy cơ thiên tai, tai biến địa chất, sạt lở, sụt lún. Tăng cường các giải pháp cải tạo, bảo vệ môi trường đất, nước và đa dạng sinh học, đặc biệt đối với đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hoá; ngăn ngừa, giảm thiểu thoái hoá đất, ô nhiễm đất. Quản lý chặt chẽ các nguồn tài nguyên khoáng sản sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường, bảo đảm phòng, chống sạt lở, sụt lún và suy thoái nước ngầm.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và an ninh lương thực, tỉnh thực hiện chuyển dịch mùa vụ kết hợp với thay đổi giống cây trồng để tránh khô hạn. Tăng cường xây dựng, cải tạo các công trình trữ nước để phục vụ tưới chống hạn vào mùa khô.
Tỉnh tập trung khắc phục tình trạng hạn hán hiện nay. Lựa chọn các giống cây có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chịu hạn cao để tránh giảm năng suất. Tiếp tục tiến hành đa dạng hoá cây trồng (bằng các loài dược liệu), cây ăn trái thích nghi và có giá trị kinh tế cao, có thị trường bao tiêu sản phẩm ổn định gắn với phát triển doanh nghiệp nông nghiệp và hợp tác xã.
Tỉnh cũng đẩy mạnh nghiên cứu xác định và khoanh vùng khu vực phát triển cây trồng chính, cây trồng chủ lực, cây trồng mới có giá trị cạnh tranh và nông nghiệp hữu cơ phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao vị thế nông nghiệp hàng hoá, phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bảo đảm an ninh lương thực. Tăng cường các giải pháp phòng tránh và xử lý các dịch bệnh, đặc biệt lưu ý trong giai đoạn nhiệt độ nắng nóng kéo dài...
Từ nay đến năm 2030, tỉnh tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, phát triển chuỗi giá trị nông, lâm, thuỷ sản bền vững; bảo đảm an ninh lương thực và cân bằng dinh dưỡng quốc gia. Quy hoạch vùng sản xuất, phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao và các tiến bộ khoa học.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp bền vững dựa vào lợi thế tự nhiên của tỉnh và nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản có giá trị gia tăng cao. Chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng cây hằng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản…
Tỉnh cũng đề ra các giải pháp về phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; trong lĩnh vực y tế và sức khoẻ cộng đồng; trong lĩnh vực công nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội và bình đẳng giới; trong lĩnh vực khoa học và công nghệ… nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường.
An Khang