BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường 

Cập nhật ngày: 07/11/2019 - 23:05

BTN - Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản đề nghị thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Một mỏ khai thác đất sét, sỏi, đất san lấp trên địa bàn tỉnh (ảnh minh hoạ).

Trong đó có nội dung quan trọng là chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, tỉnh quan tâm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao kiến thức, năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị tác động của thiên tai; ứng dụng công nghệ thích ứng biến đổi khí hậu trong xây dựng đô thị, phát triển, sử dụng năng lượng, giao thông, vật liệu xây dựng, thoát nước...

Tỉnh sẽ thực hiện chương trình nâng cấp, bảo đảm an toàn hồ chứa nước Dầu Tiếng, hồ Tha La, công trình thuỷ lợi; nâng cấp các đoạn đê xung yếu, đẩy mạnh việc phục hồi, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn; bảo vệ không gian thoát lũ sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, cải tạo và xây dựng mới các công trình cấp, thoát nước và xử lý nước thải của các đô thị trên địa bàn tỉnh.

Về quản lý tài nguyên, tỉnh hạn chế tối đa, từng bước tiến tới chấm dứt xuất bán khoáng sản thô hoặc chỉ qua sơ chế, thúc đẩy chế biến sâu. Đối với loại khoáng sản quan trọng, tỉnh sẽ có chính sách cụ thể để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của địa phương; hạn chế sử dụng đất sét trong sản xuất vật liệu xây dựng; từng bước chấm dứt sử dụng công nghệ sản xuất vật liệu xây từ đất sét nung và chuyển sang công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng không nung.

Tây Ninh cũng bảo đảm diện tích đất cho phát triển rừng bền vững theo quy hoạch, đặc biệt là Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đầu nguồn. Quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước; tăng cường quản lý nguồn nước hồ Dầu Tiếng, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Chủ động hợp tác với các tỉnh, thành phố trong việc bảo vệ nguồn nước thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Kiểm soát các hoạt động khai thác, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng đánh bắt mang tính huỷ diệt nhằm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống. Đẩy mạnh đầu tư phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. 

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản, các làng nghề, lưu vực sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông; kiểm soát chất lượng không khí ở khu vực có mật độ dân cư cao; kiểm soát ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp (dư lượng, đốt rơm rạ, xả thải bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật...) làm ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ và đời sống nhân dân. 

Khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân, hạn chế tác động do ô nhiễm môi trường đến sức khoẻ của nhân dân. Quan tâm cải thiện chất lượng môi trường sống, cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường cho người dân - nhất là ở các đô thị, khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn.

Đánh giá đầy đủ thiệt hại do ô nhiễm môi trường và xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân gây ra. Tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; áp dụng chế tài mạnh, xử lý nghiêm khắc, buộc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật.

Chú trọng cải tạo kênh, mương, đoạn sông, suối bị ô nhiễm nặng, trước hết ở khu vực đầu nguồn, trong các đô thị, khu dân cư. Tập trung nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường lưu vực sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản, bảo đảm cảnh quan môi trường và an toàn cho nhân dân. Chú trọng cải thiện chất lượng không khí, cây xanh, không gian vui chơi, giải trí trong các đô thị, khu dân cư.

Đình Chung