Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nhiễm khuẩn có thể mắc phải từ trong bệnh viện, chăm sóc điều dưỡng tại nhà, cơ sở phục hồi chức năng, phòng khám ngoại trú hoặc các cơ sở y tế khác.
Giám đốc BV Bạch Mai (giữa) thăm các bé được chuyển từ BV Sản nhi Bắc Ninh lên - Ảnh: BVCC
Vào năm 1841, Ignaz Semmelweis, bác sĩ sản khoa Hungary đang làm việc tại một bệnh viện ở Vienna (Áo), đã sốc vì tỉ lệ tử vong ở những phụ nữ do sốt sản giật.
Nghiên cứu đã ghi nhận mức nhiễm trùng cao hơn 20 lần ở khoa phòng mà các sinh viên y khoa đang thực tập đỡ đẻ em bé so với phòng bên cạnh của các nhân viên thực tập nữ hộ sinh. Các sinh viên cũng thường làm việc trên những tử thi.
Ông đưa ra giả thuyết các sinh viên đã mang vi trùng lây bệnh và truyền cho các bà mẹ sau khi chuyển dạ, sau đó ra quy trình bắt buộc rửa tay vào tháng 5-1847.
Nhiễm khuẩn dễ lây truyền
Nhiễm khuẩn lây truyền đến những bệnh nhân đề kháng yếu tại những nơi điều trị lâm sàng qua nhiều cách khác nhau. Nhân viên y tế có thể lây truyền nhiễm khuẩn, thêm vào đó là các thiết bị y tế, khăn trải giường bệnh, các hạt li ti trong không khí mang mầm bệnh.
Nhiễm khuẩn có thể từ môi trường bên ngoài, từ những bệnh nhân nhiễm trùng khác, từ nhân viên có thể đã nhiễm trùng, hoặc trong một vài trường hợp nguồn nhiễm khuẩn có thể không xác định được.
Trong một số trường hợp, các tác nhân vi khuẩn xuất phát từ chính vi khuẩn trên da của bệnh nhân, trở thành nguồn lây cơ hội sau phẫu thuật hoặc các thủ thuật mà làm yếu đi hàng rào da bảo vệ cơ thể.
Dù bệnh nhân có thể có nhiễm trùng tự thân từ da, nhưng vì phát triển trong cơ sở chăm sóc sức khỏe nên vẫn xem như nhiễm khuẩn bệnh viện.
Tại Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh ước tính khoảng 1,7 triệu trường hợp nhiễm khuẩn liên quan bệnh viện, từ tất cả mọi loại vi sinh vật gây bệnh, bao gồm vi khuẩn và nấm kết hợp, gây ra hoặc góp phần làm tử vong 99.000 trường hợp mỗi năm.
Tại châu Âu, các nghiên cứu cho thấy các chủng vi khuẩn garm (-) chiếm 2/3 số trường hợp tử vong (25.000) do nhiễm khuẩn bệnh viện.
Nhiễm khuẩn bệnh viện có thể gây viêm phổi nặng, nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng máu và các cơ quan khác của cơ thể. Nhiều chủng vi khuẩn khó điều trị khỏi và kháng thuốc kháng sinh.
Phòng ngừa dựa vào các biện pháp nào?
Tiến hành các quy tắc đánh giá chất lượng (QA/QC) đối với những cơ sở chăm sóc sức khỏe và quản lý dựa vào chứng cứ có thể khả thi tiếp cận.
Lưu ý việc kiểm soát và theo dõi chất lượng không khí bên trong bệnh viện để phòng tránh viêm phổi bệnh viện liên quan đến thông khí và quy trình vệ sinh tay bắt buộc để tránh lây truyền do rotavirus.
Phải đảm bảo các khâu tiệt trùng dụng cụ y tế bằng hóa chất, tia xạ, nhiệt khô, hơi dưới áp lực. Cách ly các bệnh nhân nhiễm trùng trong những bệnh viện đặc biệt và cách ly bệnh nhân có những vết thương nhiễm trùng trong các phòng chăm sóc đặc biệt...
Ngoài ra, găng tay cũng đóng vai trò quan trọng để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, giúp bảo vệ cá nhân và phòng tránh lây truyền khi tiếp xúc với máu, dịch tiết và dịch thải cơ thể, màng nhầy và da bị trầy xước...
Đừng bỏ qua những chuyện... tưởng nhỏ
Theo một chuyên gia y tế, hiện vẫn chưa có quy định mỗi phòng bệnh yêu cầu số lượng vi khuẩn trong không khí phải ở mức như thế nào. Với sự cố này, dù rõ ràng là có lỗi của bệnh viện, nhưng cũng khó có thể xác định cụ thể người chịu trách nhiệm.
Vẫn còn có những bệnh viện để xảy ra những "lỗi" chuyên môn như thế này. Khi các bác sĩ xem loạt ảnh chăm sóc một số bé trong 19 bé sơ sinh được chuyển từ Bắc Ninh ra Hà Nội, một lãnh đạo bệnh viện chuyên khoa nhi cho biết sau khi được chuyển tuyến, vẫn còn lỗi ngay ở tuyến T.Ư.
"Có bác sĩ đeo cả đồng hồ khi đưa tay vào lồng ấp kiểm tra cho các cháu, trong khi nguyên tắc là bác sĩ không được đeo đồng hồ, đeo trang sức trong những thời điểm đó. Nhiều bé cũng đang được xếp nằm chung với các bé khác, trong khi bé đang mang vi khuẩn kháng thuốc và có nguy cơ làm lây lan vi khuẩn này"- vị lãnh đạo này cho biết.
Bài học đã rất lớn, nhưng có thay đổi được những thói quen cố hữu ở bệnh viện hay không, điều này là do sự nghiêm khắc tuân thủ quy trình chăm sóc y tế của mỗi bệnh viện.
L.ANH
Ai chịu trách nhiệm vụ 4 trẻ tử vong, hàng chục trẻ nhiễm khuẩn?
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc ai chịu trách nhiệm sau khi 4 trẻ sơ sinh tử vong, hàng chục trẻ khác nguy kịch do nhiễm khuẩn bệnh viện, giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh Tô Mai Hoa cho biết đang đợi kết luận pháp y và sau đó sẽ có "hỗ trợ thỏa đáng" cho các gia đình mất con.
Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho biết với năm trẻ sơ sinh từ Bắc Ninh chuyển đến, bệnh viện sẽ miễn toàn bộ chi phí ngoài phần bảo hiểm chi trả.
L.ANH
Nguồn TTO