Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ quan với bệnh dại – hiểm hoạ khôn lường
Chủ nhật: 10:39 ngày 20/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây từ động vật sang người, chủ yếu qua các vết cắn do động vật mang virus dại. Nếu không điều trị, dự phòng kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao.

Đoàn Giám sát của CDC Tây Ninh và Chi cục Thú y tỉnh giám sát ca tử vong do virus dại tại huyện Bến Cầu.

Đường lây truyền và triệu chứng bệnh dại

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 2 ca tử vong do nhiễm bệnh dại sau khi bị chó cắn. Trong khi hiện nay có vaccine tiêm ngừa dại cho động vật lẫn con người.

Trường hợp thứ nhất là ông N.V.N, sinh năm 1976 ở huyện Gò Dầu, ngày 20.1.2023 ông đi làm ruộng và bị chó hoang cắn nhưng không đi tiêm ngừa dại, đến ngày 17.3.2023 thì phát bệnh với các triệu chứng mệt mỏi, sốt, sợ nước, sợ gió, gào thét. Đến ngày 20.3.2023, bệnh nhân tử vong.

Trường hợp thứ hai là N.T.T, sinh năm 2007, ở huyện Bến Cầu, cách đây khoảng 3 tháng T bị chó nhà cắn nhưng không cho ba mẹ biết để được đi tiêm ngừa dại và con chó này cũng đã cắn 2 người khác (2 người này đã được tiêm ngừa dại sau đó). Ngày 9.8.2023, bệnh nhân có biểu hiện chán ăn, nhức đầu, mệt mỏi, sợ nước, gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh và được chẩn đoán dương tính với dại, đến ngày 13.8.2023, bệnh nhân tử vong. 

Bác sĩ Trần Huyền Trân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tây Ninh cho biết, bệnh dại là bệnh nhiễm virus dại cấp tính (Rhabdovirus), gây độc hệ thần kinh trung ương, do lây truyền từ động vật sang người qua chất tiết, thông thường là nước bọt từ động vật mắc dại. Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%. 

Bệnh dại không lây từ người này sang người khác mà thường lây lan qua vết cắn từ động vật bị nhiễm bệnh. Nó cũng có thể lây lan nếu nước bọt của động vật mắc dại tiếp xúc trực tiếp với mắt, mũi, miệng hoặc vết thương hở của người (như vết xước hoặc vết trầy xước). 96% các trường hợp gây bệnh dại ở người tại Việt Nam là do chó cắn, ngoài ra có một số báo cáo về bệnh dại ở người là do vết cắn của mèo, chó rừng, cáo, chó sói và các loại động vật ăn thịt khác. 

Sau khi người bị động vật dại cắn, thời gian ủ bệnh từ 2 tuần đến 1 hoặc 2 năm (trung bình khoảng 2 tháng). Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, “đoạn đường” di chuyển của virus lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.

Ngay khi bị nhiễm virus, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là đau đầu, sốt, mệt mỏi, cảm giác tê và đau ngay tại vết thương. Khi virus xâm nhập sâu vào não bộ (thể viêm màng não), người bệnh bắt đầu có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, vã mồ hôi, mắt long sòng sọc, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp. Bệnh tiến triển đến mức người bệnh không thể uống nước, không nuốt được, ăn uống trở nên cực kỳ khó khăn. Ở thể này, người bệnh sẽ chết chỉ sau 1 tuần kể từ ngày phát bệnh. Thể bại liệt ít gặp hơn, thể này khiến người bệnh tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu tiện, đại tiện, liệt tay, chân. Người bệnh sẽ tử vong ngay nếu liệt lan đến cơ hô hấp. 

Cần tiêm phòng vaccine kịp thời  

Theo bác sĩ Trân, nếu không may bị chó, mèo hoặc động vật hoang dã cắn, cần phải rửa vết thương ngay với xà phòng và xả dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại.

Sau đó tiếp tục rửa kỹ vết thương với cồn 70% hoặc cồn iod. Điều này giúp giảm và tiêu diệt bớt lượng virus dại bị lây nhiễm qua vết cắn. Lưu ý tránh làm tổn thương rộng hơn, không gây giập nát vết thương, cũng không khâu kín ngay vết thương. Nếu bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn vết khâu trong vài giờ đến 3 ngày, nhằm hạn chế sự xâm nhập của virus dại vào cơ thể. 

Bác sĩ Trân cho biết, bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vaccine đúng và đầy đủ. Những trường hợp chủ quan không tiêm ngừa cũng như theo dõi động vật sau khi cắn có nguy cơ cao sẽ phát dại. 

“Khi bị động vật nghi dại cắn, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và tiêm vaccine ngừa dại. Tuyệt đối không chữa bằng thuốc nam hay các biện pháp được đồn đại trong dân gian như: bôi dầu gió, dầu hoả, dầu xanh, đắp ớt hiểm, đất sét, tỏi, củ kiệu, lấy nọc bằng dao liếc. Những biện pháp này không những không mang lại hiệu quả mà còn làm mắc thêm các bệnh nhiễm trùng khác do làm bẩn vết thương” - bác sĩ Trân khuyến cáo. 

Đình Tiến

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh