Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cửu đỉnh gồm 9 cái đỉnh đồng đồ sộ ở Đại Nội Huế - là báu vật bằng đồng vô giá của nước ta.
Theo sách “Đất nước Việt Nam qua Cửu đỉnh Huế” (NXB Thi Thức, 1-2011) của nhà văn Dương Phước Thu, 9 đỉnh là: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh. Mỗi đỉnh có khắc 17 cảnh sông, núi, mây, gió, hoa cỏ, cây trái... đặc trưng từng tỉnh ở 3 miền Việt Nam, tổng cộng có 153 hình ảnh.
Hình ảnh biển đảo Việt Nam trên cửu đỉnh Huế |
Đặc biệt, trong 9 đỉnh và 153 hình ảnh có 3 đỉnh vua Minh Mạng cho khắc hình tượng về biển để thể hiện bao quát về biển đảo Đại Việt. Ông đã cho khắc 3 vùng biển của Tổ quốc ta lên 3 đỉnh: Biển Đông ở Cao đỉnh; biển Nam ở Nhân Đỉnh và biển Tây ở Chương đỉnh, là 3 cái đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất.
Cao đỉnh là đỉnh lớn nhất trong 9 đỉnh, nặng 2,604 tấn, chiều cao (cả chân) 2,49m, đường kính thân 1,61m. Đỉnh đặt ở chính giữa, đứng riêng, tượng trưng cho sự Vĩ Đại (Sách Phúc tộc thể phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc biên soạn cho rằng, Cao đỉnh tượng trưng cho vua Gia Long - thụy là Thế tổ Cao Hoàng đế).
Trên Cao đỉnh có 17 hình tượng biểu trưng nhất của Đại Việt như: Đông Hải (Biển Đông, thể hiện chủ quyền biển); Mặt trời, Đại pháo, con hổ, con Rồng, cây gỗ Lim... Núi có Thiên Tôn Sơn, tức núi Triệu Tường ở Thanh Hóa, có Gia Miêu ngoại trang, nơi phát tích Vương triều Nguyễn; Kênh đào Vĩnh Tế, sông Bến Nghé (tức sông Sài Gòn).
Đông Hải (Biển Đông) là tên gọi từ ngàn năm nay để chỉ vùng biển nằm phía Đông, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trong biển Đông có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ở vùng biển này từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 11 hằng năm, thường có gió bão mạnh, nhất là khu vực quần đảo Trường Sa, nên còn gọi là quần đảo Bão Tố.
Biển Đông là kho tài nguyên vô tận của nước ta. Từ thuở Hồng Bàng khai quốc, người Việt đã biết tiến ra làm chủ biển Đông.
Hình ảnh Nam Hải (vùng biển Nam) khắc ở Nhân đỉnh, tượng trưng cho lòng Nhân ái (thụy của vua Minh Mạng là Thánh tổ Nhân Hoàng đế). Trong vùng biển này có nhiều hòn đảo như Đại Kim, Mảnh Hảo, Nội Trức, Phú Quốc, Thổ Châu, Côn Đảo… tiếp giáp với hải phận của các nước Malaysia, Indonesia… Trên một số đảo này có nhiều loại cây mọc tự nhiên cho dược liệu quý. Riêng đảo Phú Quốc gồm đủ các loại động thực vật phong phú như trong đất liền. Biển phía Nam nhiều tài nguyên, hải sản có giá trị kinh tế cao. Theo Đại Nam nhất thống chí, thời còn tranh chấp với Nhà Tây Sơn, một số đảo phía Nam được xem là căn cứ ẩn náu của chúa Nguyễn Vương (Nguyễn Ánh).
Tây Hải (biển phía Tây) được khắc trên Chương đỉnh, tượng trưng cho ánh sáng, đồng thời thụy của vua Thiệu Trị là Thánh tổ Chương Hoàng đế. Đây là vùng biển giáp với vịnh Thái Lan. Biển phía Tây có nhiều tài nguyên, nhất là những động vật sống dưới đáy biển. Vùng biển Tây ít gặp những cơn bão như biển Đông, bởi nó được đất liền che chắn, kín gió, ấm áp. Nhưng vùng biển này thời nào cũng sinh nhiều hải tặc, nên chính quyền phải tăng cường quản lý, tuần tra.
Qua 3 hình ảnh biển Đông, biển Nam và biển Tây được khắc lên Cửu đỉnh từ năm 1836, chứng tỏ thời Chúa Nguyễn, Vua Nguyễn, chủ quyền biển đảo đã được quan tâm quản lý rất chặt chẽ.