Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chủ tịch Cuba tiếp tục phủ nhận cáo buộc ‘tấn công sóng âm’
Thứ bảy: 08:45 ngày 23/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Dù phía Mỹ vẫn tiếp tục cho rằng một số nhà ngoại giao của mình tại Cuba đã bị ảnh hưởng sức khỏe vì kiểu tấn công bằng sóng âm bí mật, phía Cuba vẫn một mực phản bác.

Chủ tịch Cuba Raul Castro (trái) đã tuyên bố sẽ rời vũ đài chính trị từ tháng 4-2018 - Ảnh: REUTERS

"Tôi xin nhắc lại rằng Cuba trước đây cũng như hiện nay không chịu trách nhiệm về những sự cố sức khỏe đáng ngờ xảy ra với các nhà ngoại giao tại Cuba; cuộc điều tra của các chuyên gia Cuba và Mỹ đã khẳng định điều đó", truyền thông Cuba dẫn lời Chủ tịch Raul Castro phát biểu tại Quốc hội ngày 21-12.

Theo trang Sputnik, từ tháng 11-2016, phía Mỹ đưa ra cáo buộc rằng một số nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Mỹ ở Havana bị những dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ù tai, mất thính lực, buồn nôn, mất thăng bằng, mất ngủ, đau mặt và bụng, suy giảm trí nhớ và tổn thương não... Những người này khai báo đã nghe thấy những tiếng động trong nơi cư trú của mình.

Thậm chí Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng có đến 24 nhân viên của mình làm việc tại thủ đô của Cuba bị các hiện tượng bất thường trên mà các chẩn đoán sau đó của phía Mỹ cho rằng họ bị "tấn công bằng sóng âm".

Mặc dù không trực tiếp đổ lỗi cho phía Cuba, nhưng Washington nhấn mạnh rằng trách nhiệm của Cuba là phải đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao trên lãnh thổ đảo quốc này. Tới tháng 5-2017, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiến hành trục xuất 2 nhà ngoại giao Cuba tại Mỹ sau những cáo buộc qua lại, và sang tháng 6, phía Mỹ mới cử đoàn phối hợp điều tra đầu tiên tới Cuba.

Phát biểu bế mạc phiên họp toàn thể Quốc hội Cuba ngày 21-12, ông Raul Castro nhấn mạnh rằng cho đến nay các chuyên gia của cả Cuba và Mỹ đều không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào có thể khẳng định lời cáo buộc trên của Mỹ.

Nhà lãnh đạo 86 tuổi nhấn mạnh rằng Cuba hoàn toàn không chịu trách nhiệm về việc quan hệ song phương với Mỹ bị xấu đi. Thậm chí nhà lãnh đạo Cuba nêu rõ Nhà Trắng đã bịa ra những cái cớ để biện minh cho việc áp đặt trở lại những chính sách vốn đã thất bại.

Cuộc sống ở Cuba còn nhiều khó khăn do cấm vận kéo dài của Mỹ - Ảnh: REUTERS

Thực tế là dựa trên các cáo buộc về tấn công bằng sóng âm, từ cuối tháng 9 vừa qua, chính quyền Washington đã áp dụng các biện pháp trả đũa Cuba như rút hơn một nửa số nhân viên ngoại giao ở nước này về nước, trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba và ngừng toàn bộ các hoạt động của lãnh sứ quán Mỹ tại Cuba.

Đến ngày 8-11, Washington đã công bố những hạn chế mới đối với công dân Mỹ muốn kinh doanh hoặc thăm Cuba, triển khai cụ thể văn bản mà Tổng thống Donald Trump đã ký ngày 16-6  về việc siết chặt chính sách trừng phạt Cuba.

Theo tuyên bố từ Bộ Tài chính Mỹ, những thay đổi đó có hiệu lực ngay từ ngày 9-11 khi được xuất bản trên Công báo và đây là kết quả của "những hành động phối hợp" giữa bộ này và Bộ Ngoại giao Mỹ.

Các biện pháp cụ thể gồm cấm các công dân và doanh nghiệp Mỹ thực hiện giao dịch với 180 công ty, tổ chức của Cuba theo một danh sách cụ thể, được cho là các tổ chức có liên quan tới quân đội Cuba. Các chuyến đi thuộc dạng "giao lưu nhân dân" - hình thức du lịch từ Mỹ tới Cuba phổ biến nhất và từng được Tổng thống Mỹ Barack Obama nới lỏng việc đăng ký và kiểm soát, nay chỉ có thể được thực hiện dưới bảo trợ của một tổ chức thuộc thẩm quyền tư pháp Mỹ và phải có một người thuộc tổ chức này đi kèm.

Trong số 180 tổ chức và doanh nghiệp được nêu tên, có tới hơn 100 doanh nghiệp là khách sạn, các công ty dịch vụ du thuyền và các cửa hàng bán lẻ phục vụ khách du lịch, nói cách khác là những đơn vị tiếp xúc và cung cấp dịch vụ thường xuyên nhất cho khách Mỹ thăm Cuba. Đặc khu phát triển Mariel, nơi có cảng nước sâu duy nhất của Cuba và đang được Havana kỳ vọng trở thành đầu tàu phát triển kinh tế đất nước, cũng bị đưa vào danh sách cấm này.

Du khách thích thú với những chiếc xe đời cũ nhiều màu sắc ở thủ đô Havana. Du lịch hiện vẫn là nguồn thu ngoại tệ tốt cho Cuba - Ảnh: REUTERS

Đến ngày 6-12 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cử ông Philip Goldberg - cựu Đại sứ Mỹ tại Philippines và Bolivia, làm người đứng đầu phái bộ Mỹ ở Cuba. Ông Goldberg từng bị trục xuất khỏi Bolivia với cáo buộc âm mưu chống lại chính phủ hợp hiến của quốc gia Nam Mỹ này, và Washington ngay sau đó cũng đã trục xuất đại sứ của La Paz.

Theo một quan chức Mỹ, ông Goldberg đã được lựa chọn làm đại biện lâm thời của Mỹ tại Havana. Đây là chức danh ngoại giao cao nhất trong Đại sứ quán Mỹ tại Havana, do Thượng viện Mỹ vẫn chưa phê chuẩn chức đại sứ tại Cuba kể từ khi hai nước khôi phục quan hệ hồi năm 2015 dưới thời Tổng thống Obama.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục