Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chủ tịch TPHCM nói về kế hoạch triển khai cao tốc gần 21.000 tỉ đồng đi Tây Ninh
Thứ bảy: 09:44 ngày 08/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài (Tây Ninh) dài 50km, tổng vốn gần 21.000 tỉ đồng sẽ trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 7 năm nay. Dự án giải phóng mặt bằng năm 2024 để khởi công năm 2025.

Chủ tịch TPHCM nói về kế hoạch triển khai cao tốc gần 21.000 tỉ đồng đi Tây Ninh

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết sẽ khởi công cao tốc TPHCM - Mộc Bài năm 2025. Ảnh: Minh Quân

Khởi công cao tốc TPHCM – Mộc Bài năm 2025

Kế hoạch triển khai tuyến cao tốc TPHCM – Mộc Bài được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nói tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TPHCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, ngày 7.7.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng đề nghị đẩy nhanh triển khai cao tốc TPHCM – Mộc Bài để trong năm 2024, cả hai địa phương sẽ tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo hoàn thành dự án và kết nối đồng bộ với tuyến cao tốc ở phía nước bạn Campuchia.

Về việc này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM sẽ trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài trong tháng 7.2023, cố gắng đến cuối năm dự án được phê duyệt. Năm 2024 tiến hành giải phóng mặt bằng để khởi công năm 2025. Dự án sẽ thi công trong giai đoạn 2025 – 2027.

“Thi công thế này thì có 2 việc trùng nhịp. Đó là trùng với cao tốc phía Phnom Penh đi Bavet (Campuchia - PV). Thứ hai là nó cũng đồng bộ với các dự án Vành đai 3, 4” – ông Mãi nói.

TPHCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ bàn giải phát triển hạ tầng giao thông.  Ảnh: Minh Quân

TPHCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ bàn giải phát triển hạ tầng giao thông. Ảnh: Minh Quân

Dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài (Tây Ninh) dài khoảng 50km, đầu tư 4 làn xe giai đoạn 1 theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư dự án là 20.889 tỉ đồng. TPHCM được Thủ tướng giao là đơn vị chủ trì thực hiện dự án này.

Cao tốc khi hoàn thành giúp tăng năng lực khai thác đường liên vận quốc tế nối TPHCM với Campuchia, đồng thời phá thế độc đạo của Quốc lộ 22 nối thành phố với Tây Ninh.

Đề xuất lập quỹ đầu tư hạ tầng vùng Đông Nam Bộ

Tại hội nghị, ông Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng có ba điểm nghẽn của vùng Đông Nam Bộ là quy hoạch, hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực. Để giải quyết các điểm nghẽn này mấu chốt là vấn đề thể chế.

Theo ông Vũ, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến 2030, tầm nhìn đến 2045 đã chỉ ra một số thể chế quan trọng như Hội đồng điều phối vùng, quy hoạch vùng, các dự án trọng điểm vùng và cơ chế liên kết vùng liên quan đến quỹ đầu tư về hạ tầng.

Ông Trương Minh Huy Vũ đề lập quỹ đầu tư hạ tầng vùng Đông Nam Bộ do Thủ tướng Chính phủ thành lập, trực thuộc hoặc gắn kết với Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ đang trong quá trình thành lập. Việc này nhằm huy động nguồn lực, đảm bảo được tính liên kết, phối hợp giữa các địa phương và các bên liên quan. Nếu được thiết kế phù hợp, quỹ này sẽ trở thành cơ sở và công cụ hiệu quả để phát huy vai trò của Hội đồng điều phối vùng.

Trước mắt, theo ông Trương Minh Huy Vũ, trong thời gian hình thành quỹ, TPHCM có thể tận dụng điều khoản tại Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vừa được Quốc hội ban hành.

Đó là HĐND TPHCM quyết định sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa TPHCM và địa phương khác, các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn thành phố…

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, tại hội nghị triển khai Nghị quyết về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24 cuối năm 2022, ông đã đề xuất cơ chế này và Ngân hàng Thế giới rất ủng hộ.

Sau đó, trong kết luận Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu phương án này nhưng sẽ mất nhiều thời gian. "Do đó, có thể đề xuất cho phép địa phương sử dụng ngân sách góp vào quỹ cộng với nguồn có thể vay quốc tế, nguồn ngân sách của trung ương, nguồn tài trợ của doanh nghiệp để có thể triển khai" - ông Mãi nói.

Nguồn laodong.vn

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục