BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý người bị án treo, cải tạo không giam giữ

Cập nhật ngày: 24/03/2010 - 11:30
HTML clipboard

Công khai hoá 2 đối tượng đánh bạc

Báo Tây Ninh số ra ngày 22.2.2010 có đăng bài “Thực trạng về quản lý người bị án tù treo, bị phạt cải tạo không giam giữ”. Bài báo đặt vấn đề: “…Từ thông tin trên các báo, người ta thấy trong “tiểu sử” của các đối tượng vi phạm, gây rối trật tự công cộng hầu hết đều có vấn đề về tiền án, tiền sự, nếu không bị án tù giam thì cũng bị phạt tù cho hưởng án treo, hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ. Thông thường ít ai chú ý đến chi tiết đó, nhưng nếu chịu khó suy ngẫm sâu hơn một chút, chúng ta sẽ không khỏi băn khoăn, đặt vấn đề: việc tổ chức thực hiện hình phạt cải tạo không giam giữ, thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo ở các địa phương như thế nào, mà xem ra không có hiệu lực ngăn ngừa hành vi tái phạm của đối tượng?”. Về vấn đề này, mới đây đã có lời đáp từ phía lãnh đạo chính quyền tỉnh.

Ngày 10.3.2010 Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Nên có Văn bản số 497/UBND-THNC, về việc tăng cường công tác quản lý người bị án treo, cải tạo không giam giữ. Theo đó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tiếp tục nghiên cứu quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 60, 61/2000/NĐ-CP về thi hành án phạt tù cho hưởng án treo; cải tạo không giam giữ nhằm đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Các xã, phường, thị trấn tổ chức việc sơ kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị định số 60, 61/2000/NĐ-CP ngày 30.10.2000 về thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo; cải tạo không giam giữ để rút kinh nghiệm và đề ra biện pháp thực hiện trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn.

Chỉ đạo trên của Chủ tịch UBND tỉnh, khiến những ai quan tâm đến công tác này trong thời gian qua sẽ an tâm hơn vì tin chắc rằng lãnh đạo chính quyền các huyện, thị sẽ chỉ đạo các xã, phường, thị trấn sơ kết được quá trình 10 năm tổ chức quán triệt, theo dõi, thực hiện hai Nghị định trên của Chính phủ. Việc sơ kết sẽ giúp từng địa phương, từng cấp huyện, xã thấy được kết quả quản lý các bị án tại địa phương mình, nhận rõ những mặt mạnh để phát huy, cũng như thấy được những mặt yếu để khắc phục sửa chữa nhằm quản lý về mặt xã hội đảm bảo ngày càng an toàn và tốt đẹp hơn; Và đây cũng là việc rất cần thiết để phát huy hiệu quả trong việc quản lý đối với người bị án đang học tập, lao động, cải tạo, tu dưỡng giúp họ trở thành người có ích và sớm hoà nhập với cộng đồng đây còn là việc phòng, ngừa tội phạm tốt nhất mang đầy tính nhân văn của Đảng và Nhà nước ta đối với người lầm lỡ, trót vi phạm pháp luật. Theo Pháp lệnh Công an xã quy định ngành Công an là cơ quan giúp chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ này, đây là nhiệm vụ thứ 3 trong tổng số 14 nhiệm vụ được giao là: “Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân xã và tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, giáo dục các đối tượng phải chấp hành hình phạt quản chế, cải tạo không giam giữ, người bị kết án tù nhưng được hưởng án treo cư trú trên địa bàn xã; quản lý người được đặc xá, người sau cai nghiện ma tuý và người chấp hành xong hình phạt tù thuộc diện phải tiếp tục quản lý theo quy định của pháp luật. Và qua đó “Thực trạng về quản lý người bị án tù cho hưởng án treo, bị phạt cải tạo không giam giữ sẽ không còn lỏng lẻo, bỏ ngỏ” như những năm qua ở một số nơi; nghĩa là mục đích, ý nghĩa của hai Nghị định 60, 61/2000/NĐ-CP ngày 30.10.2000 của Chính phủ sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

NGHIÊM MINH