Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Chủ tịch UBND tỉnh: Khảo sát tình hình chăn nuôi bò sữa, thuỷ sản
2011-04-18 07:44:00

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ đến thăm một số hộ chăn nuôi bò sữa và Công ty TNHH CNTP miền Đông tại huyện Trảng Bàng

Để nắm tình hình chăn nuôi bò sữa và nuôi, chế biến thuỷ sản ở huyện Trảng Bàng, sáng ngày 16.4.2011, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ cùng lãnh đạo Sở NN & PTNT, lãnh đạo huyện Trảng Bàng đến thăm và khảo sát một số hộ chăn nuôi bò sữa và Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm miền Đông.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ thăm một trại nuôi bò sữa

Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm trại nuôi bò sữa của gia đình anh Nguyễn Phước Chơn ở ấp An Quới, xã An Hoà. Anh Chơn cho biết, gia đình anh đã nuôi bò sữa nhiều năm qua. Hiện nay trại của anh có hơn 30 con, trong đó có phân nửa số bò đang cho sữa. Nếu tính theo giá bán sữa như hiện nay, so với giá thức ăn cho bò thì người chăn nuôi bò sữa cũng có lãi. Tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi luôn có chiều hướng tăng cao. Nếu giá sữa tươi vẫn giữ như hiện nay, mà giá thức ăn gia súc cứ tiếp tục tăng thì người chăn nuôi bò sữa còn lãi rất ít, hoặc không còn lãi. Theo anh Chơn, khó khăn lớn của người chăn nuôi bò sữa là gần đây thiếu vắc-xin bệnh lở mồm, long móng. Việc gieo tinh nhân tạo cho bò do các dẫn tinh viên hành nghề tự do, không ai quản lý, còn người chăn nuôi thì không rõ nguồn gốc tinh bò giống. Từ đó khó tránh khỏi hiện tượng trùng huyết sau này. Việc vận chuyển sữa tươi đến trạm thu mua xa, mỗi ngày đi hai lượt (sáng và chiều), người chăn nuôi tốn nhiều chi phí và ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Anh Chơn đề nghị các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng tăng cường vắc-xin bệnh lở mồm long móng cho người chăn nuôi, có biện pháp quản lý thật tốt nguồn gốc tinh bò giống; bình ổn giá thức ăn chăn nuôi. Công ty thu mua sữa cần cải tiến cách thu mua để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người chăn nuôi tiêu thụ sữa.

Tại trại chăn nuôi bò sữa của anh Phạm Văn Của (khu phố Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng), Chủ tịch UBND tỉnh được cho biết, trại của  anh hiện có 33 con bò sữa, trong đó có 18 con đang cho sữa. Ngoài những khó khăn như anh Chơn nêu trên, gia đình anh Của đang gặp khó khăn về nguồn thức ăn xanh cho bò, vì gia đình anh thiếu diện tích đất trồng cỏ, phải đi mua thêm thức ăn xanh ở xa.

Để nắm tình hình nuôi và chế biến thuỷ sản, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đến ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận thăm Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm miền Đông. Trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh, ông Trần Quang Đảo, Giám đốc Công ty cho biết, công ty ông chuyên nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra. Quy mô công ty hiện nay rộng 14,7 ha. Trong đó có 15 ao cá (diện tích mặt nước khoảng 9 ha), đang nuôi khoảng 3 triệu con cá tra. Phần đất còn lại xây dựng nhà máy chế biến (khoảng 2 ha), nhà làm việc, nhà ở, nhà ăn công nhân… Công ty có 350 công nhân. Khó khăn lớn nhất của công ty hiện nay là thiếu nguyên liệu sản xuất. Hiện nay nhà máy chế biến của công ty phải tạm đóng cửa, do không có nguyên liệu và phải chờ đến tháng 5.2011 mới có nguyên liệu chế biến. Ông Đảo đề nghị các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng tạo điều kiện cho phép công ty mở rộng thêm 30 ha tại khu vực ấp Bùng Binh để tăng thêm diện tích vùng nuôi cá; cho công ty được thuê dài hạn, hoặc hợp tác liên doanh vùng nuôi tại Trại giống thuỷ sản Cầy Vàng, thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Tây Ninh (ấp Tân Thuận, xã Hưng Thuận) để xây dựng trại giống, cung cấp giống đạt tiêu chuẩn cho vùng nuôi và xây dựng mô hình nuôi để nhân rộng việc nuôi cá tra thâm canh trên địa bàn tỉnh.

Tại các điểm đến thăm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ đã động viên, và ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của những người chăn nuôi bò sữa, của Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm miền Đông, và hứa sẽ trao đổi với các ngành có liên quan xem xét để có hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn.

* Tình hình chăn nuôi và các giải pháp phát triển đàn bò sữa ở Trảng Bàng

 Phòng NN & PTNT huyện Trảng Bàng cho biết, tính đến ngày 8.4.2011, toàn huyện Trảng Bàng có 132 hộ chăn nuôi bò sữa (trong đó có 14 hộ nuôi từ 20 con trở lên, số còn lại nuôi dưới 20 con), với tổng đàn là 2.149 con, trong đó có 537 con đang cho sữa, sản lượng sữa bò tươi thu được trên 7,8 tấn/ngày. Theo kết quả kiểm tra thực tế ở các trại chăn nuôi bò sữa, bình quân 1 con bò sữa lấy được 15 kg sữa tươi/ngày. Với giá sữa như hiện nay (bình quân 10.800 đồng/kg), sau khi trừ chi phí mỗi con bò đang cho sữa có lợi nhuận khoảng 86.000 đồng/con/ngày. Giá bò sữa giống khoảng 15 tháng tuổi hiện từ 25-28 triệu đồng/con. Còn bò đang cho sữa với mức 15 kg/ngày giá từ 30-32 triệu đồng/con. Bò lấy sữa trên 20 kg/ngày giá từ 35-39 triệu đồng/con.

Tuy nhiên những người chăn nuôi bò sữa ở huyện Trảng Bàng hiện nay vẫn còn gặp không ít khó khăn: Về tình hình tiêu thụ sữa, hiện nay trên địa bàn huyện chỉ có một công ty thu mua sữa (được đặt ở hai điểm); giá sữa tuy có tăng, nhưng giá thức ăn chăn nuôi, công lao động… đều tăng cao khiến người nông dân chưa yên tâm phát triển đàn bò sữa. Trong giai đoạn thực hiện Dự án bò sữa (2001-2005) có khâu bình tuyển bấm tai bò, nên dễ dàng quản lý đàn bò sữa. Hiện nay đã hết dự án, không còn bình tuyển bấm tai nữa, nên việc quản lý giống bò sữa khó khăn. Khâu gieo tinh nhân tạo có sự xuất hiện của các dẫn tinh ngoài huyện đến, người chăn nuôi cũng không rõ nguồn gốc tinh bò giống, nếu không quản lý được nguồn tinh bò giống sau này đàn bò sữa của huyện sẽ bị đồng huyết.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ  thăm Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm miền Đông

Để đàn bò sữa của huyện tiếp tục phát triển (dự kiến đến năm 2015 đạt 3.000 con), đồng thời giải quyết nhu cầu của người dân, lãnh đạo Phòng NN & PTNT huyện Trảng Bàng kiến nghị cấp trên tiếp tục thực hiện dự án phát triển chăn nuôi bò sữa. Trong dự án cần đặt ra một số chính sách, giải pháp như: Đầu tư kinh phí hỗ trợ cho công tác huấn luyện, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; hỗ trợ tiêm phòng định kỳ cho đàn bò sữa mỗi năm 2 đợt; hỗ trợ các mô hình chăn nuôi điểm; hỗ trợ vốn vay, lãi suất cho người chăn nuôi; kêu gọi khuyến khích các công ty xây dựng nhà máy chế biến sữa trên địa bàn tỉnh để làm giảm chi phí vận chuyển của công ty, tăng giá sữa thu mua của người chăn nuôi; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập mô hình chăn nuôi trang trại, hoặc hợp tác xã.

Về kỹ thuật, ngành chức năng cần thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, các lớp tập huấn ngắn hạn cho cán bộ và nông dân, nhất là sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp với công ty mua sữa tập huấn cho người dân về kỹ thuật khai thác sữa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường công tác quản lý giống; đào tạo bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ và nông dân tham gia quản lý giống, giúp nông dân có kiến thức thêm về tuyển chọn giống ở thế hệ sau; tiếp tục cải tạo, nâng cấp đàn bò cái nền địa phương; tăng cường công tác tiêu độc, sát trùng chuồng trại…

D.H

 

 

Từ khóa:
Tin liên quan