Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chủ tịch VCCI: 'Nới lỏng phong toả là gói kích thích kinh tế lớn nhất'
Thứ ba: 18:48 ngày 21/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc nới lỏng dần sẽ giúp các doanh nghiệp tái khởi động và trong nhiều trường hợp, có thể không cần tới "máy trợ thở" về tài chính.

Chia sẻ quan điểm về tái khởi động nền kinh tế hậu Covid-19, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - VCCI cho rằng, Việt Nam là một trong ít các quốc gia khống chế tốt dịch bệnh và có điều kiện dỡ bỏ sớm các biện pháp cách ly, tái khởi động nền kinh tế.       

"Chúng ta đang có cơ hội bước ra khỏi đà suy giảm kinh tế xuất phát từ đại dịch sớm hơn so với nhiều nền kinh tế khác. Đó là cơ hội vàng", ông nói.     

Cơ hội được ông Lộc nhắc tới là mở cửa thị trường nội địa cho doanh nghiệp ngay khi dịch được kiềm chế. Ông phân tích, hiện các nhà máy sản xuất được tiếp tục vận hành, công trường mở cửa nhưng nếu lưu thông hàng hóa vẫn bị cấm hay hạn chế, nhà hàng, cửa hiệu ngưng hoạt động, giao thông vận tải ách tắc thì chuỗi cung ứng vẫn bị đứt đoạn. Nền kinh tế theo đó vẫn trì trệ. 

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI. Ảnh: VCCI

Trong khi đó ông Lộc cho rằng chi phí cơ hội của việc thực hiện cách ly xã hội lại rất lớn và hậu quả kinh tế gánh chịu khá nặng nề. Đây là thời điểm thích hợp để sớm nới lỏng, tiến tới dỡ bỏ các biện pháp cách ly nhưng vẫn đảm bảo những điều kiện kinh doanh an toàn.

"Chậm dỡ bỏ các biện pháp 'ngăn sông, cấm chợ' thì chẳng khác nào chúng ta một tay bơm tiền giải cứu còn tay kia vẫn 'bóp nghẹt' thị trường. Hệ quả là các chính sách không đồng hướng, triệt tiêu nhau và doanh nghiệp không thể trở lại kinh doanh như kỳ vọng", ông chia sẻ.

Theo khảo sát của VCCI, 50% doanh nghiệp sẽ khó tiếp tục trụ vững sau nửa năm nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và các biện pháp cách ly không được dỡ bỏ kịp thời. Hàng triệu người lao động đang bị mất việc làm và sẽ có nguy cơ gia tăng thời gian tới. Hàng chục nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đóng cửa, giải thể hay thu hẹp quy mô sản xuất và không ít đang trong trạng thái "ngủ đông", "chết lâm sàng".

Do đó, mở cửa sớm thị trường, trước hết là nội địa, sẽ giúp các doanh nghiệp tái khởi động mà trong nhiều trường hợp, không cần đến các "máy trợ thở" về tài chính.

Đồng thời ông đề nghị Chính phủ nên xem xét lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác tái khởi động nền kinh tế, phục hồi doanh nghiệp do Thủ tướng làm trưởng ban.

Tại cuộc họp về phòng chống Covid-19 hôm qua (20/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đưa ra nhận định, tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn. Việt Nam sẽ nới lỏng từng bước các biện pháp giãn cách xã hội, nhưng phải có kiểm soát đúng mức, tránh tình trạng chủ quan.       

Ở góc độ khác, nới lỏng giãn cách xã hội, tái khởi động lại một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh như ứng dụng công nghệ số vào giao dịch, tương tác với khách hàng.

Ông Thành cho rằng, bài học sau đại dịch lần này rất sâu sắc bởi nó còn là kinh nghiệm về cách xử lý, phục hồi và bứt phá sau dịch bệnh của nền kinh tế. Covid-19 làm xuất hiện những xu hướng mới, cách thức kinh doanh mới mà nếu doanh nghiệp nhanh nhạy bắt kịp chuyển đổi vẫn có thể thắng.       

"Chẳng hạn chuyển đổi trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ sẽ giúp đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, tránh lệ thuộc vào nguyên liệu, công nghệ nước ngoài", ông ví dụ.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục