Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chú trọng công tác chăm sóc y tế cho người lao động
Thứ tư: 00:37 ngày 08/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngoài việc nâng cao ý thức của người lao động, các ban, ngành, chính quyền địa phương cần phối hợp tổ chức chăm sóc y tế tốt cho công nhân để họ an tâm sản xuất; có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động không may bị nhiễm Covid-19.

Khu cách ly, điều trị công nhân bị F0 tại Công ty cổ phần dệt Trần Hiệp Thành (Khu công nghiệp Trảng Bàng).

Thời gian qua, các địa phương, ngành chức năng có nhiều biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức của doanh nghiệp, người lao động khi chuyển sang giai đoạn sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nguy cơ phơi nhiễm giữa công nhân với công nhân khó tránh khỏi.

Do đó, ngoài việc nâng cao ý thức của người lao động, các ban, ngành, chính quyền địa phương cần phối hợp tổ chức chăm sóc y tế tốt cho công nhân để họ an tâm sản xuất; có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động không may bị nhiễm Covid-19.

Theo đại diện Công đoàn Khu kinh tế tỉnh, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, số công nhân lao động bị nhiễm Covid-19 (F0) tăng cao, Công đoàn phối hợp các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động người lao động, người sử dụng lao động chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của ngành y tế về phòng, chống dịch Covid-19, như thực hiện tốt 5K, vận động doanh nghiệp lập khu thu dung, điều trị F0 không triệu chứng tại công ty; người lao động bị nhiễm phải thực hiện tốt việc cách ly, điều trị tại nhà, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Ông Trần Quốc Đạt- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trần Hiệp Thành (Khu công nghiệp Trảng Bàng) cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, công ty đã thực hiện tốt các quy định của cơ quan có thẩm quyền về áp dụng phương thức sản xuất “3 tại chỗ”, không để xảy ra ca nhiễm trong công ty.

Từ ngày 25.10, khi chuyển sang sản xuất trong trạng thái "bình thường mới", công ty yêu cầu người lao động tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế (5K, hạn chế di chuyển đến các vùng không an toàn, khu vực có không gian kín; tập trung đông người bên ngoài gia đình, công ty)...

Theo ông Phạm Đức Thanh- Giám đốc Tổ chức hành chính Công ty cổ phần dệt Trần Hiệp Thành, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, công ty không quên lo việc chăm sóc sức khoẻ y tế, tạo sự an tâm cho người lao động. Công ty đã xây dựng “Khu cách ly và chăm sóc sức khoẻ người lao động là F0” với 100 giường; trang bị 5 giường y tế cấp cứu có bình ôxy, ống thở.

Mỗi người lao động nếu không may nhiễm bệnh, công ty sẽ cấp 1 phần quà trị giá 500.000 đồng và 1 túi thuốc điều trị trị giá 1.000.000 đồng. Hằng tuần, công ty tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho công nhân theo quy định của Sở Y tế; bộ phận y tế của công ty luôn thường trực 24/24 để kịp thời phát hiện, bóc tách người lao động là F0 ra khỏi khu vực sản xuất (qua chẩn đoán và test nhanh kháng nguyên).

Với tinh thần trách nhiệm cao, sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch, công ty duy trì ổn định việc sản xuất kinh doanh; chuẩn bị khai trương thêm 1 nhà máy theo đúng kế hoạch (tháng 1.2022). Tỷ lệ người F0 cách ly và theo dõi, điều trị tại công ty khỏi bệnh đạt trên 70%.

Theo UBND huyện Gò Dầu, đến ngày 3.12.2021, trong Khu công nghiệp Phước Đông (gọi tắt là KCN) có 41 doanh nghiệp đăng ký phương án sản xuất với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, trong đó có 36 doanh nghiệp đang hoạt động (33 doanh nghiệp thực hiện phương án công nhân đi về hằng ngày, 3 doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ", còn lại 5 doanh nghiệp đang xây dựng phương án sản xuất).

Tuy nhiên, thời gian qua, số ca nhiễm Covid-19 là công nhân làm việc trong KCN tăng cao làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, tạo áp lực rất lớn cho địa phương trong việc xử lý, truy vết cũng như tổ chức cách ly, điều trị và chăm sóc sức khoẻ các ca nhiễm trên địa bàn huyện.

Qua đánh giá thực tế, số ca nhiễm tăng cao trong doanh nghiệp xuất phát từ các nguyên nhân sau: một bộ phận công nhân, người lao động có tâm lý chủ quan, lơ là khi đã được tiêm vaccine nên chưa thực hiện tốt 5K; việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo từng cấp độ cơ bản tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện hơn, vì vậy, một bộ phận người dân mang mầm bệnh di chuyển giữa các địa phương (công nhân tham gia sản xuất đi về trong ngày) dẫn đến sự lây lan dịch bệnh giữa các địa phương cũng như trong doanh nghiệp và ngược lại.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn chủ quan, không tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 khi đưa lao động mới vào sản xuất, đến khi phát hiện ca nhiễm thì đã lây lan cho số công nhân khác.

Có thể thấy, vấn đề nâng cao ý thức phòng, chống dịch cũng như chăm sóc sức khoẻ người lao động trong giai đoạn "bình thường mới" rất được các ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp chú trọng. Tuy nhiên, hiện nay còn ít doanh nghiệp áp dụng phương thức sản xuất “3 tại chỗ” mà thực hiện phương án xe đưa đón công nhân hoặc công nhân tự đi lại.

Do đó, việc nâng cao ý thức và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch trong công nhân là một vấn đề được đặt ra cho chính quyền cơ sở, nhất là đối với các xã, phường, thị trấn có nhiều khu nhà trọ công nhân.

Tấn Hưng

Báo Tây Ninh
Kiểm định máy đo điện não hàng đầu Việt Nam
Tin cùng chuyên mục