Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chú trọng kết nối cơ sở đào tạo nghề - doanh nghiệp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của thị trường
Thứ hai: 05:29 ngày 31/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Doanh nghiệp kiến nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có giải pháp kết nối với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến và trực tiếp để các doanh nghiệp và người lao động có cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Công nhân làm việc tại Công ty CP dệt Trần Hiệp Thành.

Vừa qua, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp năm 2022. Qua khảo sát và tổng hợp ý kiến của ngành chức năng tỉnh, hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, vướng mắc ở 21 nhóm, lĩnh vực, tập trung vào các vấn đề như: hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; thủ tục hành chính về đầu tư và đăng ký kinh doanh, thủ tục lập phương án kinh doanh và tiếp cận nguồn vốn trung ương; tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực đất đai; giá cả nhiên liệu tăng, làm tăng chi phí logistics, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu; chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã; công tác phòng cháy chữa cháy... Đáng chú ý là các ý kiến của doanh nghiệp đối với vấn đề tuyển dụng lao động, đào tạo lao động.

Ông Nguyễn Qui Hoàng, đại diện Công ty CP dệt Trần Hiệp Thành, Khu công nghiệp (KCN) Trảng Bàng cho biết, hiện nay, công tác tuyển dụng nhân sự của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là lao động có chuyên môn nghiệp vụ.

Doanh nghiệp phải liên hệ với các trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh và nhận sinh viên về thực tập, sau đó tạo nguồn tuyển dụng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp kiến nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có giải pháp kết nối với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến và trực tiếp để các doanh nghiệp và người lao động có cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Đó cũng là vấn đề chung mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm Tây Ninh với nhiệm vụ là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp, giúp người lao động có điều kiện đối thoại, tìm hiểu trực tiếp, gặp gỡ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động, các cơ sở dạy nghề qua các kênh thông tin của Trung tâm như sau: tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (tư vấn tại chỗ hoặc thông qua e-mail, điện thoại trong giờ hành chính), người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm trao đổi thông tin nhu cầu cần tuyển dụng lao động (số lượng, độ tuổi, trình độ nghiệp vụ chuyên môn, tiền lương, tiền thưởng...) và đề nghị Trung tâm Dịch vụ việc làm hỗ trợ tuyển dụng lao động; người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm và người lao động cung cấp thông tin tên tuổi, giới tính, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm tay nghề... đề nghị Trung tâm hỗ trợ giới thiệu việc làm.

Tại các sàn giao dịch việc làm: theo kế hoạch năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm cố định vào ngày thứ 2 tuần thứ 2 của tháng tại Văn phòng Trung tâm và tại chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp Trảng Bàng, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố.

Để góp phần phát triển thị trường lao động, cung ứng nguồn lao động đủ chất lượng và số lượng cho các doanh nghiệp, tỉnh đã và đang tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quảng bá bằng nhiều hình thức: thông tin trên báo, Đài Phát thanh - Truyền hình, đài truyền thanh huyện, tờ rơi, tờ gấp và treo băng-rôn quảng cáo tại các xã, phường, thị trấn để người lao động trong tỉnh chưa có việc làm biết thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để tham gia phiên giao dịch việc làm, trực tiếp gặp trao đổi với người sử dụng lao động, lựa chọn cho mình một việc làm thích hợp và thu nhập ổn định để đăng ký vị trí tuyển dụng.

Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các trường nghề, cơ sở đào tạo tuyên truyền vận động người lao động chưa có việc làm, học viên học nghề ra trường tham gia tìm việc tại sàn giao dịch việc làm. Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong tỉnh thực hiện công tác điều tra, khảo sát, nắm bắt số lao động thất nghiệp cũng như tình hình nguồn cung lao động ở từng địa phương.

Qua đó, cập nhật hằng tháng nhu cầu việc làm để làm căn cứ triển khai các biện pháp tư vấn, giới thiệu, việc làm có hiệu quả. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu và đánh giá đúng cung, cầu lao động thị trường lao động nhằm cung cấp và nắm bắt nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ thông tin nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động.

Công ty TNHH Thai KK Industry Việt Nam, Khu chế xuất - công nghiệp Linh Trung III kiến nghị ngành chức năng tạo một trang mạng để doanh nghiệp đăng tuyển dụng khi cần lao động, đồng thời cũng tạo điều kiện cho người lao động cần việc làm lên trang mạng đó để đăng tin tìm việc làm.

Hiện nay, các công ty tự lập nhóm Zalo thông báo tuyển dụng và người lao động tìm việc chủ yếu nhờ người quen đưa tin cần tìm việc lên nhóm Zalo thông báo tuyển dụng. Do đó, doanh nghiệp và người lao động khó tìm thấy nhau. Hiện doanh nghiệp này khi cần tuyển vị trí như kế toán viên, kế toán trưởng phải trả phí cho công ty đăng tuyển dụng như trang Vietnamwork, Timviecnhanh.com.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Tây Ninh đang phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế thông qua địa chỉ Zalo “Kết nối việc làm 2022” để nắm tình hình thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp do Ban Quản lý Khu kinh tế quản lý.

Trên cơ sở đó, toàn bộ thông tin nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thông tin đăng ký tìm kiếm việc làm được đăng tải trên trang web của Trung tâm: http://vieclamtayninh.gov.vn. Doanh nghiệp và người lao động có thể tự tạo tài khoản đăng nhập và đăng ký thông tin lên trang web, cán bộ trung tâm có trách nhiệm kiểm tra và duyệt thông tin. Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh xây dựng app (ứng dụng) người tìm việc - việc tìm người trên cổng Tây Ninh Smart.

Hội Doanh nhân trẻ có ý kiến “Ngành du lịch đang trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh, các khu công nghiệp công nghệ cao rất nhiều, nguồn lao động rất dồi dào, tuy nhiên, nghiệp vụ, tay nghề chưa có. Đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có những lớp đào tạo, tập huấn về việc làm cho lao động phổ thông”.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Tây Ninh hiện có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 6 nghề đào tạo trình độ cao đẳng, 31 ngành nghề đào tạo trình độ trung cấp và 30 nghề đào tạo trình độ sơ cấp. Riêng các ngành đào tạo phục vụ cho ngành du lịch gồm có: Quản lý và kinh doanh du lịch, quản lý và kinh doanh khách sạn, quản lý và bán hàng siêu thị, quản trị du lịch MICE (trung cấp); nghiệp vụ lưu trú, nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ nhà hàng, chế biến món ăn, chăm sóc sức khoẻ, kỹ thuật viên xoa bóp bấm huyệt massage (sơ cấp). Do vậy, với hệ thống cơ sở đào tạo nghề hiện nay, Tây Ninh đủ khả năng đáp ứng đào tạo nhân lực cho thị trường lao động.

Đại diện Công ty CP dệt Trần Hiệp Thành, KCN Trảng Bàng phát biểu ý kiến tại hội nghị đối thoại chính quyền với doanh nghiệp.

Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về vấn đề lao động việc làm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đánh giá tỉnh còn hai hạn chế: một là, sự thiếu thông tin liên quan đến lao động và thị trường lao động; thứ hai là vai trò kết nối của các ngành chức năng với doanh nghiệp và cơ sở đào tạo còn yếu. Đây là nhu cầu rất lớn, cũng rất khó vì có sự cạnh tranh, dịch chuyển lao động ở từng vùng và từng nơi.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sớm có tham mưu để nâng cao những yếu tố hiện nay đang thiếu và đang yếu của địa phương về thông tin, thị trường lao động, vai trò kết nối của ngành chức năng với doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

Ngành cũng cần thường xuyên trao đổi, nắm bắt cụ thể với các doanh nghiệp trong và ngoài KCN về nhu cầu tuyển dụng lao động, nhu cầu ngành nghề đào tạo để từ đó có kế hoạch sát, đúng định hướng đào tạo, trong đó, chú trọng kết nối, liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp để bảo đảm nghề đào tạo ra đúng, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường.

Về phía doanh nghiệp, cần chủ động hơn kết nối với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh để doanh nghiệp cung cấp nhu cầu, yêu cầu về ngành nghề đào tạo, từ đó, cùng tìm giải pháp liên kết đào tạo. Đồng thời, doanh nghiệp cần trân trọng những lao động đang có, có chính sách tốt để giữ chân lao động.

TRÚC LY

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục