Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chú trọng phát triển thương mại - dịch vụ 

Cập nhật ngày: 17/09/2022 - 04:10

BTN - Thương mại - dịch vụ là một trong những lĩnh vực có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, lĩnh vực này đã có những bước đột phá, cùng với hạ tầng cơ sở ngày càng được đầu tư, mở rộng tạo động lực cho sự phát triển kinh tế.

Phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực thương mại hiện đại.

Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại- dịch vụ của tỉnh ở mức khá, dù vẫn thấp hơn so các địa phương trong khu vực Đông Nam bộ (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai) với các hoạt động dịch vụ dẫn đầu vùng như bán lẻ, tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản.

Trong lĩnh vực thương mại, tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống bán buôn, bán lẻ đáp ứng một phần yêu cầu của cuộc sống. Số lượng người tham gia hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ trên địa bàn ngày càng tăng; hàng hoá phục vụ người tiêu dùng ngày càng phong phú.

Mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh có khả năng phát triển nhanh, hình thành diện mạo mới của thương mại trên thị trường. Chủ cơ sở đã quan tâm hơn đến công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, tìm hiểu thực hiện chính sách pháp luật Nhà nước trong hoạt động kinh doanh thương mại nên hoạt động bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực.

Mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn, trong tương lai sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương, tạo dựng cơ sở ban đầu cho sự phát triển các mô hình hiện đại trong hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh theo hướng văn minh hiện đại.

Diện mạo đô thị trên địa bàn tỉnh ngày càng đổi mới, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại với Thành phố Hồ Chí Minh; chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực thương mại hiện đại, khắc phục tư duy, cách làm kiểu thương lái; chú ý đào tạo kỹ năng nghiên cứu thị trường, marketing, kỹ năng đàm phán quốc tế, nghiệp vụ kỹ thuật ngoại thương; nâng cao tay nghề, trình độ ngoại ngữ, tin học, hiểu biết về luật pháp kinh tế quốc tế và của các nước.

Đánh giá các mặt hàng xuất khẩu lợi thế của tỉnh và xây dựng kế hoạch phát triển từng thị trường xuất khẩu cho từng mặt hàng gắn với thu hút đầu tư với các nhà máy và công nghệ hiện đại theo từng giai đoạn phát triển; thực hiện các giải pháp phát triển và nâng cao uy tín thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh trên thị trường trong và ngoài nước.

Phát triển các giải pháp vận tải và dịch vụ logistics đa phương thức, nhằm phát huy và kết nối hiệu quả về vận chuyển tới các khu vực xung quanh- đặc biệt là hệ thống cảng theo trục sông Sài Gòn. Khai thác hiệu quả và hiện đại hoá hệ thống hạ tầng hiện có, phục vụ tốt nhất cho xuất khẩu tại các cửa khẩu, đặc biệt trở thành một trong những cửa khẩu chính kết nối xuất nhập khẩu giữa vùng Đông Nam bộ với thị trường Campuchia.       

Nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính, ngân hàng

Hiện nay, xu hướng phát triển trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng nhấn mạnh đến sự phát triển số. Để hỗ trợ cho sự phát triển của mảng dịch vụ quan trọng này, tỉnh hướng đến các chính sách bao gồm: phát triển hạ tầng viễn thông đều khắp và tiếp tục thực hiện các chuyển đổi số quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước, theo Nghị quyết về chuyển đổi số Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Khuyến khích sự tham gia của các cơ quan, doanh nghiệp nhỏ và người dân sử dụng các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ thanh toán điện tử.

Cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông để đào tạo lực lượng lao động có chất lượng. Lực lượng lao động tại chỗ tham gia thị trường lao động trong các ngành dịch vụ và sản xuất có yêu cầu về trình độ ngày càng cao. Phối hợp với các ngân hàng, các công ty tài chính để tổ chức các chương trình giáo dục hướng đến công chúng nhiều độ tuổi khác nhau hướng dẫn về quản lý tài chính cá nhân, kiến thức về ứng dụng thanh toán, và các kiến thức khác có liên quan đến tài chính - ngân hàng - bảo hiểm.

Thực hiện tốt quy hoạch đô thị, xây dựng môi trường sống nhằm thu hút nhà đầu tư, lực lượng lao động có chất lượng cao đến làm việc và sinh sống tại Tây Ninh. Lực lượng tư nhân này tham gia thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thông qua việc làm và nhu cầu dành cho các loại hàng hoá và dịch vụ khác ở phạm vi toàn tỉnh.

Hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân tiếp cận các công cụ quản lý và thanh toán hiện đại ở phạm vi toàn tỉnh. Chính sách này có thể bao gồm phối hợp với các tỉnh, thành khác trong vùng Đông Nam bộ hoặc rộng hơn có cùng mối quan tâm để giảm chi phí đầu tư bản quyền và vận hành phần mềm, cho phép các quỹ tín dụng nhân dân chuyển đổi số thành công.

Nhi Trần