Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chủ trương phát triển loại hình trường bán trú: Còn nhiều điều phải tính toán

Cập nhật ngày: 10/05/2013 - 11:36
HTML clipboard

(BTN)- Như tin đã đưa, trong phiên họp thường kỳ hôm 4.5, UBND tỉnh đã không xem xét Đề án phát triển trường bán trú trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013 - 2015 do Sở Giáo dục - Đào tạo xây dựng.

Theo Đề án phát triển trường bán trú trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013 - 2015 do Sở Giáo dục - Đào tạo xây dựng, trong 3 năm tới toàn ngành sẽ phát triển thêm 89 trường bán trú các cấp học với tổng số học sinh tham gia là hơn 25.000 em. Trong số 89 trường này có 40 trường mầm non, 42 trường tiểu học và 8 trường trung học cơ sở. Đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh sẽ có tổng cộng 178 trường hoạt động theo mô hình trường bán trú.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (trường có bán trú ở Hoà Thành) ngủ trưa trên bàn học

Mục tiêu chung của Đề án trên là nhằm huy động tối đa trẻ trong độ tuổi đến trường. Đề án cũng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, tạo nền móng vững chắc cho phổ cập mầm non đối với trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Việc phát triển hệ thống trường bán trú ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa còn hướng tới giảm thiểu tình trạng chạy trường diễn ra như trong thời gian qua.

Đề án phát triển trường bán trú do Sở Giáo dục - Đào tạo lập ra đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các phòng giáo dục và UBND các huyện, thị cùng các sở, ngành có liên quan. Tuy vậy, các ý kiến đóng góp hầu như chỉ đề cập đến chuyện điều chỉnh, sửa chữa câu chữ, ít đề cập đến nội dung của đề án. Sở Kế hoạch - Đầu tư,  cơ quan tham mưu chính cho UBND tỉnh về các vấn đề quy hoạch và phát triển thì lại không có ý kiến.

Hiện Tây Ninh đã có 32/89 trường có tổ chức bán trú cơ bản bảo đảm cơ sở vật chất để phục vụ bán trú như nhà ăn, nhà bếp, nhà ngủ riêng cho học sinh. 57 trường còn lại học sinh phải ăn ở khu vực hành lang lớp học và ngủ tại lớp nên ít nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như khâu vệ sinh an toàn thực phẩm. (Nguồn: Sở Giáo dục - Đào tạo)

Tuy nhiên, sau khi xem xét nội dung của Đề án, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định không đưa vào chương trình làm việc tại phiên họp vừa qua. Một trong các nguyên nhân là do kinh phí thực hiện Đề án quá lớn- chỉ trong vòng 3 năm (2013 - 2015) đã chiếm hơn 342 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hoá chưa đến 20 tỷ đồng.

Kinh phí lớn chỉ là một chuyện. Việc phát triển hệ thống trường bán trú theo như Đề án cũng cần được xem xét ở những khía cạnh khác, ví dụ chủ trương phát triển trường bán trú ở bậc trung học cơ sở. Theo Đề án thì trong 3 năm tới sẽ tổ chức loại hình trường bán trú ở  8 trường trung học cơ sở, gồm các trường: Phan Bội Châu, Chu Văn An, Trần Hưng Đạo, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Tri Phương (của Thị xã), Thị trấn, Thái Bình và Võ Văn Truyện (của huyện Châu Thành).

Cho đến nay, toàn tỉnh chưa có trường trung học cơ sở nào tổ chức mô hình lớp bán trú, cho nên việc xây dựng loại hình này cần được cân nhắc kỹ hơn. Lý do là hầu hết học sinh trung học cơ sở đều có thể tự đến trường nên cần điều tra, nghiên cứu xem các em có nhu cầu học bán trú hay không. Mặt khác, học sinh một số trường ở khu vực nông thôn huyện Châu Thành, kể cả ở Thị xã vẫn phải “sáng đến trường, chiều lại theo trâu”, nên chưa hẳn các vị phụ huynh đồng ý cho con em theo học bán trú.

Phát triển trường bán trú với mục tiêu hạn chế việc chạy trường, điều này có thể đúng nhưng không hoàn toàn. Thực tế chứng minh rằng, phụ huynh chạy trường cho con em không chỉ là tìm chỗ bán trú cho con em mà còn vì danh tiếng, “thương hiệu” của ngôi trường đó.

VIỆT ĐÔNG