Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chú ve chai
Chủ nhật: 13:43 ngày 09/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Cô út ơi! Ve chai, giấy báo dư nhiều chưa cô, gom lại bán cho tui nha!”. Tiếng chào mời quen thuộc của chú thu mua ve chai trong xóm cất lên trước nhà.

Mẹ tôi bận giặt quần áo nên bảo tôi mang mớ chai nhựa, lon nước ngọt để sẵn trong bao ni-lông lên cho chú cân, chú trả bao nhiêu thì tôi cứ giữ, coi như mẹ cho thêm tiền tiêu vặt. Thế là tôi hăm hở xách một bao to lên cho chú. Thấy tôi, chú cười bảo mới đó mà tôi lớn nhanh quá. Mấy lần đầu chú tới, tôi chỉ bé xíu, giờ đã cao lêu nghêu. Nói vậy thôi, chứ từ ngày chú bắt đầu tới nhà tôi mua ve đến nay cũng gần chục năm. Đúng là thời gian làm cho mọi thứ dần thay đổi, nó giúp tôi lớn lên và cũng bắt chú ngày một già đi.

Lâu lắm rồi tôi mới có dịp ngồi ngắm chú thực hiện công việc của mình. Đôi tay chú nổi lên những đường gân xanh xanh, gầy guộc, tưởng chừng chỉ có lớp da cháy nắng, mỏng manh bọc lấy xương. Mặt chú cũng hốc hác, nhiều nếp nhăn và đồi mồi vì suốt ngày phải chạy xe dưới cái nắng chang chang.

Vậy mà lúc nào chú cũng cười rạng rỡ. Khi tôi hỏi chú có thấy nghề này cực không, sao không đổi nghề khác cho khoẻ hơn. Chú lại cười, nói nhìn cực vậy thôi chứ cũng có niềm vui của nó, làm riết rồi quen, không bỏ nghề được. Có chăng sau này khi gom góp đủ tiền, chú sẽ mở một đại lý thu mua ve chai tại nhà.

Đó là ước mơ lâu nay của chú. Tôi nghe chú nói mà thấy thương vô cùng. Nhớ lại hồi nhỏ, mỗi lần tôi hết tiền ăn bánh là nghĩ ngay đến chú. Tôi chạy khắp nhà, khắp xóm tìm giấy báo cũ, lon nước ngọt rồi chờ chú chạy xe ngang để bán. Lần nào thấy tôi, chú cũng biết ý nên tấp vào, nhận mấy thứ từ tay rồi chú đưa lại cho tôi một, hai ngàn đồng.

Tôi vui thích cầm tiền chạy đi mua quà bánh. Cứ nghĩ đó là thành quả mình vừa kiếm được từ việc bán ve chai cho chú. Tôi đâu biết được những thứ tôi mang ra bán chẳng đáng là bao so với phần tiền tôi nhận. Chẳng qua là chú thương nên mới cho thêm tiền để tôi tiêu vặt.

Năm tháng đi qua, tôi dần lớn lên, việc học cũng nhiều hơn. Hình ảnh chú ve chai, “đối tác làm ăn” ngày nào dần đi vào quên lãng. Cho đến hôm nay gặp lại, vẫn là chú ve chai thân thuộc ngần ấy năm đều đặn ghé nhà tôi để mua giấy báo cũ, lon nước ngọt, lon bia. Cầm mười ngàn đồng chú gửi sau khi cân xong mớ hàng của mẹ dường như có điều gì đó thật khác mà ngay cả bản thân tôi cũng không diễn tả được thành lời.

Sau khi vui vẻ uống một hơi hết sạch ly nước mát tôi mời, chú cảm ơn rồi rồ máy chiếc xe cà tàng hơn chục năm qua làm bạn đồng hành cùng chú trên mọi nẻo đường. Trong làn khói xe xám xịt, dáng người đàn ông nhỏ nhắn từ từ xa dần, hoà vào dòng người ngược xuôi rồi mất hút giữa buổi trưa oi nồng của đất trời Tây Ninh nhiều nắng gió.

NGUYỄN NHẬT PHONG

Tin cùng chuyên mục