Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hàng hoá giá rẻ trên thị trường:

Chưa có biện pháp chế tài cụ thể nên… khó xử lý 

Cập nhật ngày: 06/05/2018 - 11:57

Hiện nay, các mặt hàng như đồ gia dụng, quần áo, giày dép “đổ đống” bày bán ở nhiều nơi với giá thành cực rẻ, và được người tiêu dùng khá ưa chuộng, mặc chất lượng hàng hoá ra sao, có tiềm ẩn nguy cơ cho sức khoẻ hay không.

Bày bán quần áo thanh lý.

TỪ ÐỒ DÙNG SINH HOẠT…

Dạo một vòng từ vỉa hè thành phố đến chợ nông thôn, các tiểu thương bày bán hàng hoá lưu động xuất hiện khắp nơi. Nhiều loại đồ nhựa gia dụng như chén, đũa, thau, xô… có mẫu mã đa dạng, giá khá rẻ, dao động từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng. Một số sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ như sữa tắm, dầu gội đầu, nón bảo hiểm… cũng được bày bán đồng giá 30.000 đồng hay 50.000 đồng, thu hút nhiều người đến mua sắm.

Trong vai người mua hàng, chúng tôi đến một số nơi bày bán đồ nhựa lưu động. Bên cạnh một số sản phẩm có thương hiệu là các loại đồ nhựa không có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng. Khi được hỏi về chất lượng sản phẩm, nhiều tiểu thương trả lời lấp lửng cho qua, có người nói rằng, do hàng được sản xuất từ các cơ sở gia công nhỏ, ít tốn chi phí, nên giá thành rẻ.

Chị V.T.C.D, ngụ ở huyện Châu Thành chia sẻ, những công nhân có thu nhập thấp như chị, thường mua và sử dụng các sản phẩm được bày bán đổ đống ngoài chợ hay ven đường, vừa thuận tiện vừa hợp túi tiền.

Trên các tuyến đường 30.4, Bời Lời, Ðiện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng Tám (TP.Tây Ninh), nhiều đống quần áo, giày dép thanh lý chất cao trên những tấm bạt, thùng giấy bày bán trên vỉa hè. Các sản phẩm được người bán rao là hàng “tồn kho” hay “thanh lý”, giá giảm từ 30 - 50% so với giá gốc. Có sản phẩm giá bán chỉ vài chục nghìn đồng, người mua mặc sức lựa chọn. Tuy nhiên, chất lượng các mặt hàng cần phải xem xét lại.

 “Vừa qua, tôi có mua 5 cái áo sơ mi nam với giá 30.000 đồng/cái. Theo lời người bán, đây là hàng xuất khẩu tồn kho, công ty bán rẻ để giải quyết hết hàng tồn, chuẩn bị sản xuất mẫu mới. Khi về nhà, tôi mới phát hiện cả 5 cái áo đều mắc lỗi khi may, cái bị lủng lỗ, cái bạc màu, đúng là tiền nào của nấy!” - một người dân ngụ tại phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh chia sẻ.         

Các mặt hàng đồ chơi dành cho trẻ em được bày bán với giá thành cực rẻ.

… ÐẾN ÐỒ CHƠI TRẺ EM

Hiện các mặt hàng đồ chơi dành cho trẻ em được bày bán khắp nơi với giá thành cực rẻ, thu hút nhiều phụ huynh đến tìm mua. Quan sát một điểm bán đồ chơi đồng giá 39.000 đồng trên đường Cơ Thánh Vệ (TP.Tây Ninh), chúng tôi nhận thấy, các loại đồ chơi được bày bán đa dạng chủng loại và màu sắc, nhưng nhiều món lại không có tem nhãn, giấy giới thiệu sản phẩm hoặc tên doanh nghiệp nhập khẩu, nhà sản xuất...

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua sản phẩm đồ chơi có chứng nhận hợp quy và dán tem hợp quy (CR), người bán hàng cho rằng, thông thường, người mua ít hỏi đến tem, nhãn hay nguồn gốc nên người bán hàng cũng không để ý. Nhiều người bán hàng nói: “Ðại lý đưa hàng nào, bán hàng đó”.

Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết, theo quy định, các loại đồ chơi khi bán ra thị trường đều phải thực hiện đúng quy trình QCVN 3:2009/BKHCN - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em. Cụ thể, một lô hàng đồ chơi sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài phải gửi mẫu đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng hoặc Trung tâm Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn để kiểm định.

Sản phẩm sau khi trải qua quá trình kiểm định sẽ có những dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết. Khi lưu thông trên thị trường, đồ chơi trẻ em phải có nhãn hàng hoá phù hợp theo quy định, bao gồm các nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt (nhãn phụ) như phải có tên sản phẩm, trên bao bì phải in xuất xứ hàng hoá rõ ràng, tên, địa chỉ nơi chịu trách nhiệm về chất lượng. Ngoài ra, trên bao bì cần ghi rõ lứa tuổi phù hợp với đồ chơi, hướng dẫn sử dụng, các cảnh báo đặc thù đối với loại đồ chơi đó và có dấu chứng nhận hợp quy (CR).

Ðược biết, trong năm 2017, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã tổ chức kiểm tra 20 cơ sở kinh doanh hàng hoá đồ chơi trẻ em (4 cơ sở ngưng hoạt động) với 30 mẫu hàng hoá đồ chơi trẻ em có nhãn hàng hoá và dấu hợp quy (CR) phù hợp theo quy định.

Qua kiểm tra, xác định có 21 mẫu không lưu hồ sơ chất lượng tại nơi bán hàng của 14 cơ sở. Các trường hợp cơ sở chưa xuất trình được hồ sơ chất lượng hàng hoá, đoàn kiểm tra đã lập biên bản nhắc nhở, hướng dẫn và yêu cầu bổ sung trong thời gian quy định.

Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra và tịch thu 29 sản phẩm đồ chơi trẻ em là hàng cấm, 31 sản phẩm không có nhãn phụ và không đầy đủ thông tin. Chi cục cũng phát hiện 125 sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Về khó khăn trong công tác kiểm tra hàng hoá, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng nhận định, các loại đồ chơi trẻ em được bày bán trên lề đường hay bán rong, đa phần thường không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hàng hoá. Tuy nhiên, theo quy định, Chi cục không có thẩm quyền kiểm tra đối với những đối tượng này.

Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em có địa chỉ cụ thể trên địa bàn tỉnh lại có quy mô nhỏ, kinh doanh nhiều chủng loại, nguồn hàng qua nhiều khâu trung gian và tồn đọng lâu ngày, nên người bán không được cung cấp hồ sơ chất lượng (giấy chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, tiếp nhận công bố hợp quy) và không chú trọng đến việc lưu hồ sơ chất lượng.

Phần lớn việc lưu giữ hồ sơ chất lượng tại cửa hàng của chủ cơ sở chưa đầy đủ nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xác định hàng hoá được chứng nhận hợp quy theo quy định. Bên cạnh đó, do chưa có biện pháp chế tài cụ thể, nên các cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em không chú trọng đến việc lưu giữ hồ sơ chất lượng tại nơi bán.

Ðối với ngành chức năng, theo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra hàng hoá đồ chơi trẻ em chưa được đầu tư phù hợp. Chi cục đang đề nghị trang bị hệ thống kiểm tra nhanh “Thiết bị HDXRF lưu động kiểm tra giới hạn độc tố trong đồ chơi trẻ em và sản phẩm tiêu dùng” để công tác kiểm tra được thuận lợi hơn.

PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI