Chùa Đại Bi tọa lạc trên một quả đồi ở xóm Đô Thượng 4, xã Xuân Vân (Yên Sơn). Bước qua cổng chùa, có nhiều phiến đá to, bằng phẳng, chồng xếp lên nhau, phân bố rải rác từ chân đến lưng đồi, tạo nên khung cảnh thiên nhiên đẹp lạ cho ngôi chùa.
Chùa Đại Bi tọa lạc trên một quả đồi ở xóm Đô Thượng 4, xã Xuân Vân (Yên Sơn). Bước qua cổng chùa, có nhiều phiến đá to, bằng phẳng, chồng xếp lên nhau, phân bố rải rác từ chân đến lưng đồi, tạo nên khung cảnh thiên nhiên đẹp lạ cho ngôi chùa.
Người dân nơi đây vẫn luôn tự hào bởi ngôi chùa với quả chuông cổ linh thiêng, bấy lâu nay trấn giữ cho vùng đất này thêm bình yên, người người, nhà nhà được no ấm. Ông Bùi Ngọc Thơm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã, người được tận mắt chứng kiến quá trình đổi thay của chùa cho biết, trước đây chùa tọa lạc trên quả đồi gần với Trường THPT Xuân Vân. Trước đây do không có người trông coi, nên ngôi chùa bị đổ. Năm 1963, ông Thơm cùng nhiều thanh niên trong xã xin hóa tất cả những đồ vật của chùa, phát cây cối lấy quả chuông đem cất giữ. Chuông đã từng được cất giữ ở kho lương thực của huyện, trụ sở UBND xã và đến năm 1974, bà Trần Thị Kiệm, một người rất sùng tín đã nhận chuông, treo ở ngã ba Đô Thượng 4 để bà con nhân dân được thắp hương, cầu khấn. Năm 1976, bà Kiệm đề nghị với chính quyền xã cho dựng lại chùa. Từ diện tích đất đồi bà Kiệm công đức, chùa Đại Bi dựng lên theo hướng Tây Nam với 2 gian nhà gỗ, lợp mái gianh, làm nơi thờ Phật và thờ Mẫu. Từ vị trí này, ta có thể hướng tầm mắt ngắm nhìn về phía trung tâm xã.
Hai năm sau, quả chuông bị mất trộm nhưng chỉ trong ít ngày, người chở chuông cho tên trộm đã ra đầu thú. Hơn 1 năm, quả chuông được cất giữ, bảo quản tại trụ sở UBND xã để tránh mất trộm. Ngày rước chuông về chùa, UBND xã tổ chức rất long trọng, người dân mọi ngả đổ về đông vui như đi hội.
Gia đình ông Bùi Ngọc Thơm công đức trên 1.000 m2 đất khiến khuôn viên ngôi chùa ngày được mở rộng. Qua nhiều năm, nếp chùa vẫn được giữ nguyên như cũ. Song ở lưng chừng đồi, hai bên được xây dựng thêm hai miếu mang tên Tam vị Thánh ông và Địa Hoàng thiên. Nghe kể, miếu thờ Tam vị Thánh ông là thờ 3 ông đã có công lớn trong chống giặc cờ đen. Nhớ ơn các ông, bà con nhân dân tôn các ông làm Thánh, cung kính ân đức bằng việc lập miếu tại chùa Đại Bi. Năm 2010, một phật tử ở thành phố Hồ Chí Minh đã công đức cho chùa bức tượng Phật bà Quan âm, cao 3,6m... Bức tượng được dựng ở lưng đồi, càng tôn lên vẻ linh thiêng vốn có của chùa.
Cũng trong năm 2010, một phật tử tại gia người Hà Tây đến thăm chùa Đại Bi, nghe kể về chuông cổ, ông đã dày công dịch được một số nội dung trên quả chuông. Theo đó, quả chuông được đúc vào thời nhà Lý, từ năm Nhâm Ngọ 1104 đến năm Canh Dần 1118 mới xong. Có thể, thời gian bắt đầu đúc chuông hoặc thời gian đúc chuông xong là thời điểm chùa Đại Bi ra đời. Tức là, chùa đã có cách đây 893 năm đến 907 năm.
Mỗi năm, chùa Đại Bi có hàng nghìn lượt du khách thập phương đến dâng hương, vãn cảnh chùa. Du khách không chỉ được đắm mình trong không gian tĩnh mịch, cầu chúc những điều tốt lành mà còn được nghe kể về quãng thời gian “thăng trầm” của chùa, của chuông mà ít ai biết.
K.D (st)