Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, bác sĩ Nguyễn Viết Tiến vừa cho biết có đến 60-70% người điều trị vô sinh thời gian gần đây là vô sinh thứ phát, tức là vô sinh sau khi đã có con/có thai.
Người chờ khám hiếm muộn tại một bệnh viện phụ sản - Ảnh: T.T.D.
Nhiều người bệnh còn trẻ, đã có một con, không tắc vòi tử cung, vợ chồng cùng khỏe mạnh nhưng đã "thả" một thời gian dài mà không thấy có thai lại.
Người bệnh đến khám tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, được xác định là vô sinh thứ phát do buồng trứng bị ức chế. Theo ông Tiến, người bệnh vô sinh này đã uống thuốc tránh thai trong thời gian dài (liên tục trong 3 năm) dẫn đến tình trạng ức chế buồng trứng.
Bác sĩ Nguyễn Viết Tiến cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô sinh thứ phát là do cả nam và nữ giới. Có trên 40% nam giới mắc chứng này, mà thủ phạm là rượu, thuốc lá, thức khuya... Gần 60% ca vô sinh thứ phát còn lại liên quan tới phụ nữ. Nhiều phụ nữ vô sinh do sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian quá dài có thể dẫn tới ức chế buồng trứng, viêm nhiễm phụ khoa làm tắc vòi trứng...
Có đến 1/2 trong số ca vô sinh liên quan đến tắc vòi tử cung. Mới đây, chị Nguyễn Thị L., 36 tuổi ở Nghệ An, là một trong hai người mắc vô sinh thứ phát đầu tiên được điều trị tắc vòi tử cung bằng nội soi ổ bụng kết hợp nong đoạn tắc thành công.
Theo bác sĩ Lưu Thị Hồng, viêm nhiễm phụ khoa dẫn đến tắc vòi tử cung là một trong những nguyên nhân rất thường gặp.
Theo khảo sát gần đây do bác sĩ Nguyễn Viết Tiến chủ trì, có tới 7,7% các cặp vợ chồng có nhu cầu sinh con không thực hiện được nguyện vọng. Các phương pháp can thiệp gần đây đã đem lại nhiều hiệu quả hơn, nhưng đời sống hiện đại với đủ phương tiện hỗ trợ cũng có những mặt trái nhất định.
Nên khám phụ khoa và cả nam khoa để nhận được những khuyến cáo cần thiết. Nếu có bệnh, cũng đừng e ngại, xấu hổ khi đến bệnh viện hay phòng khám phụ khoa, nam khoa. Cũng cần điều chỉnh, không nên áp dụng các biện pháp tránh thai sai lầm như uống quá nhiều viên tránh thai khẩn cấp, áp dụng các biện pháp hiệu quả thấp hoặc áp dụng một biện pháp trong thời gian quá dài. Vì kéo dài có thể gây ra hiệu quả không tốt.
“Nên thay đổi áp dụng nhiều biện pháp tránh thai, nếu uống thuốc thì sau 6 tháng nên ngưng để chuyển biện pháp khác một thời gian rồi quay lại, không nên áp dụng một biện pháp quá lâu”- bác sĩ Tiến khuyến cáo.
BS Viết Tiến cho biết vòi tử cung tắc ở đoạn kẽ - Ảnh: Lan Anh
Trong trường hợp bị vô sinh do nguyên nhân trên, nay cũng đã có hướng giải quyết. Bệnh viện Phụ sản T.Ư ngày 6-4 đã tiến hành ca nội soi ổ bụng kết hợp với nong vòi tử cung bị tắc cho người bệnh bị tắc vòi tử cung đoạn kẽ, dẫn tới vô sinh.
Theo bác sĩ Tiến - phẫu thuật viên trực tiếp thực hiện ca nội soi, có đến 50% ca vô sinh ở phụ nữ là do nguyên nhân vòi tử cung và khoảng 20% trong số nguyên nhân liên quan vòi tử cung là do tắc ở đoạn kẽ.
Các phương pháp đã áp dụng trước đây có hạn chế là hay tái phát, hiệu quả chưa cao. Lần này các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản T.Ư đã đồng thời áp dụng hai biện pháp là nong phần bị tắc kết hợp nội soi ổ bụng. Mới có hai người bệnh được điều trị bằng biện pháp này (một ca cách đây một tháng) đều là người vô sinh thứ phát. Đây là bệnh viện đầu tiên ở VN thực hiện kỹ thuật này.
“Sau một tháng kiểm tra lại cho bệnh nhân đầu tiên, kết quả cả hai vòi tử cung đều đã thông, chị L. (Nghệ An) hoàn toàn có thể sinh thêm con bằng con đường tự nhiên sau khoảng 7 năm bị vô sinh thứ phát. Trước đây, với những trường hợp như thế này nếu điều trị bằng phương pháp cổ điển thất bại thì bắt buộc phải chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm, tuy nhiên không phải trường hợp thụ tinh ống nghiệm nào cũng thành công”- bác sĩ Tiến cho hay.
Đề nghị BHYT chi trả trị vô sinh
Bác sĩ Nguyễn Viết Tiến đã đề nghị bảo hiểm y tế chi trả cho dịch vụ điều trị vô sinh.
Bảo hiểm y tế nhiều nước đã chi trả 3-4 chu kỳ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, chi phí các xét nghiệm và dịch vụ điều trị, sau 3-4 chu kỳ nếu chưa thành công thì người có nhu cầu tự chi trả. Ở VN hiện các xét nghiệm và phí dịch vụ thông thường điều trị vô sinh chưa được chi trả, chưa kể điều trị bằng thụ tinh ống nghiệm vốn rất tốn kém.
Nguồn TTO