Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chùa Gò - câu chuyện trăm năm 

Cập nhật ngày: 27/03/2024 - 16:53

BTN - Dường như cả tỉnh Tây Ninh chỉ có một ngôi chùa mang tên gò. Vậy nên, ai cũng biết đấy là chùa Gò Kén, tên chữ là Thiền Lâm tự. Còn trăm năm? Tính đến năm 2024, ngôi chùa này vừa tròn tuổi trăm.

Tượng phật bằng đồng nặng 32 tấn.

Ta có thể tìm dấu tích về tuổi tác của chùa qua hai bia đá, được Hoà thượng Từ Phong cho người chế tác và dựng trước sân chùa. Đấy là hai tấm bia đục từ đá xanh nguyên khối đặt trên lưng con rùa đá. Ngày nay, các bia này được đặt trước tượng hai vị: Văn Thù và Phổ Hiền bồ tát. Trên bia, ngoài 8 chữ Hán nay đã bị mờ nhạt, chỉ có thể đoán đấy là chữ khắc tên chùa và người sáng lập thì vẫn còn các dòng chữ Pháp được khắc rõ nét hơn. Trước nay, hầu như không ai biết dòng chữ Pháp ấy có nghĩa gì. Ngay cả sư trụ trì cũng chỉ biết đấy là các dòng tên người- mà ông đoán là người thiết kế ngôi chùa.

Tuy nhiên gần đây, được sự giúp đỡ dịch và tra cứu của thầy giáo Pháp văn Trường chuyên Hoàng Lê Kha- thầy Ngô Trường Chinh, mới biết được chính xác nội dung. Đó là tên ông Raoul Guigues- Thống đốc Nam kỳ từ năm 1922. Bia được khắc năm làm là 1924. Trên tấm bia đặt chính giữa, ngay trước tượng Đức Phật Thích ca ngồi tựa gốc bồ đề, còn một tấm bia đá được khắc cả hai loại chữ Hán và chữ Pháp. Các chữ Hán trên bia được khắc rất sâu nên rõ nét. Còn chữ Pháp, tuy mờ nhạt hơn nhưng có cùng nội dung như các bia đá ở hai bên. Các dòng chữ Hán ở đây được dịch ra là: Giác Hải Tự/ Thích Từ Phong/ Sáng thỉ hồng nghiệp.

Nghĩa là: Người sáng lập ra chùa Thiền Lâm - Gò Kén là Hoà thượng Từ Phong, ở chùa Giác Hải. Tới đây, có đôi dòng nói thêm về Hoà thượng Từ Phong. Ngài có tên thật là Nguyễn Văn Tường, sinh ngày 15 tháng 3 năm Giáp Tý (20.4.1864) tại thôn Đức Hoà Thượng, tổng Dương Hoà Thượng, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc huyện Đức Hoà, tỉnh Long An)… Năm 16 tuổi (1880), ngài xin phép gia đình để được xuất gia. Sau đấy, ngài đến chùa Từ Lâm thuộc làng Hiệp Ninh, huyện Châu Thành, Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh) xin quy y thọ giới với thiền sư Minh Đạt, một vị danh tăng khả kính đương thời… Sau một thời gian, ngài lại cầu pháp với Hoà thượng Hoàng Ân- Minh Khiêm tại chùa Giác Viên (nay ở quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh). Ít lâu nữa, ngài lại được sư thầy bổ về Giác Sơn tự ở tổng Long Trung, tỉnh Chợ Lớn. Tại đây, ngài đổi tên chùa thành Giác Hải. Đây chính là ngôi chùa ngài trụ trì lâu nhất nên sau đó nhiều phật tử còn gọi ngài là Hoà thượng Giác Hải (theo luận văn thạc sĩ Phật học: Tư tưởng của Hoà thượng Từ Phong trong “Phát Bồ đề tâm diễn nghĩa” của Thích nữ Niệm Huệ, 2015).

Tháp xá lợi chùa Gò Kén.

Trở lại với tấm bia đá đang kể, ở mặt sau còn khắc một số dòng chữ Hán. Nội dung bia là: “Năm 1924/ Thiền Lâm tự/ Phúc Kiến/ Lý Thị Sợ và Ôn Chấn Phát/ Thành tâm thiết lộ/ Ngày 19 năm Giáp Tý”. Từ đây được biết con đường nối từ quốc lộ 22B, dài khoảng 250 m vào gò đã được vợ chồng Hoa kiều Phúc Kiến bỏ tiền ra làm để hiến tặng chùa. Chú ý rằng có “ngày 19”. Tuy không ghi tháng nhưng có thể suy đoán đấy là ngày 19 tháng 2 (âl)- ngày mà chùa Gò Kén có một dịp lễ hội rất quan trọng, rất quy mô. Đấy là dịp lễ hội vía Đức Quán Thế Âm bồ tát. Lễ này nhiều năm nay vẫn được tổ chức hoành tráng trong 3 ngày từ 17 đến 19 tháng 2 (âl).

Từ câu chuyện trăm năm ở trên, có thể tạm rút ra vài kết luận. Một là: Hoà thượng Từ Phong (Như Nhãn) chính là người đã “khai cơ tạo tự” chùa Thiền Lâm - Gò Kén. Tuy nhiều người đã biết, nhưng vẫn phải khẳng định lại vì hiện còn một giả thuyết khác cho rằng Yết Ma Lượng (Thích Trí Lượng, tức Hoà thượng Mẫn Đạt) mới là người sáng lập chùa. Sách Lịch sử hình thành và phát triển Phật giáo Tây Ninh (Nxb Chính trị quốc gia, 2021), cho rằng Hoà thượng Thích Trí Lượng đã xây dựng tại gò một chùa tre lá đơn sơ, từ năm 1885. Dù vậy, sách này cũng viết ngôi chùa hiện tại là do Hoà thượng Từ Phong xây dựng, khởi công năm 1914. Nếu vậy thì trên bia đá đã không thể ghi rằng Hoà thượng Từ Phong “sáng thỉ hồng nghiệp” như ta thấy ngày nay. Hai là, dù còn một số tài liệu ghi năm hoàn thành chùa là năm 1925 hoặc 1926 (năm cho đạo Cao Đài mượn làm lễ ra mắt), thì bia đá vẫn cho ta thấy năm chùa thật sự hoàn thành là năm 1924. Đến nay vừa đúng 100 năm.

Có người sẽ hỏi “cắc cớ” rằng, tại sao chùa còn lưu giữ bản thiết kế (hoạ đồ) do Công ty Hạc Đình từ Paris vẽ, lại có dấu của quan Tây đồng ý, đóng dấu vào ngày 12.6.1925? Câu chuyện oái ăm này chắc có quan hệ với tấm bia đá khắc chữ Pháp kể trên. Đấy là do Hoà thượng đã lợi dụng cái gò hầu như tách biệt khỏi các con đường này, mà âm thầm xây dựng suốt trong 10 năm (1914-1924). Chỉ tới khi con đường nối từ quốc lộ 22B vào hoàn thành thì cũng là lúc chùa mới đã xây xong. Để đối phó với chính quyền cấp tỉnh, Hoà thượng đã cho khắc cả tên vị quan Thống đốc Nam kỳ lên bia, coi như đã có sự cho phép của quan Toàn quyền. Dù vậy, sau khi “lộ diện” thì vẫn có sự hạch hỏi, tra xét của quan tỉnh Tây Ninh. Do vậy mà xây xong, Hoà thượng tiếp tục phải làm các thủ tục xây dựng để hợp thức hoá ngôi chùa. Vì thế chuyện này được thực hiện trong năm 1925, khi chùa đã hoàn thành.

Bia đá chùa Gò Kén.

Ngày nay, chùa Thiền Lâm đã thật xứng đáng với ý định ban đầu của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Tây Ninh. Là xây dựng nơi đây thành trung tâm văn hoá Phật giáo của tỉnh. Các công trình xây dựng trong khoảng 15 năm qua là: tượng phật nhập niết bàn dài 25 mét (2014), tượng Quán Thế Âm cao 32 mét (2017). Rồi cổng tam quan, bảo tháp xá lợi, vườn lâm tỳ ni, núi ngũ hành, nhà đặt trụ kinh luân… cùng các công trình phục vụ dân sinh như phòng thuốc Nam, nhà bán hàng gây Quỹ Ươm mầm trí tuệ…

Đặc biệt là ngôi đại hùng bửu điện, được mở rộng từ ngôi chính điện cũ ra phía sau, và toà tháp xá lợi 9 tầng sẽ được khánh thành vào ngày 19 tháng 2 (âl) tới đây, nhân lễ vía Quán Thế Âm bồ tát năm Giáp Thìn. Ngồi trò chuyện với sư Thích Thiện Nghĩa- trụ trì chùa trong dịp đầu xuân mới 2024, chúng tôi còn được biết: ngôi bảo tháp xá lợi 9 tầng, cao 40 mét sắp khánh thành cũng là một tâm nguyện của Hoà thượng Từ Phong. Bởi chùa còn lưu giữ bức ảnh một toà tháp 9 tầng, do Hoà thượng Từ Phong đem về và nâng niu gìn giữ mà còn tới ngày nay. Tấm ảnh bảo tháp có dòng chữ Hán, dịch ra là Tào Khê Pháp Nhũ. Nghĩa rằng: Dòng Phật pháp của Đức Phật như một dòng sữa cho chúng sanh. Toà tháp ước mơ ấy của Hoà thượng Từ Phong nay đã trở thành hiện thực qua tâm huyết của Đại đức Thích Thiện Nghĩa cùng các phật tử chùa Thiền Lâm - Gò Kén. Bảo tháp 9 tầng cao lồng lộng, lợp 9 tầng mái ngói men xanh vươn lên giữa trời và soi trên mặt hồ bóng nước lung linh.

Trần Vũ