BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chùa mới Khe Đon

Cập nhật ngày: 04/10/2011 - 11:04

Mùa lễ Sen Đôn Ta 2011 vừa qua, ai đến dự lễ hội chùa Khe Đon thuộc ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân (Thị xã) đều thấy từ xa phần mái chùa rực rỡ vàng son, nhô lên như một đoá sen vàng. Chung quanh lại toàn sắc lá xanh già, xanh đen của những thốt nốt, me tây… nên đoá sen ấy càng thêm nổi bật. Nếu ai đã biết ngôi chùa này vốn có cái tên rất lãng mạn: Botum- Kiri- Rangsay, nghĩa là ánh hào quang của hoa sen thì lại càng thấy kiến trúc chùa với bộ mái phức tạp, vươn cao tới 30 mét ấy thật xứng với tên chùa. Vâng! Bộ mái nhiều tầng tháp, bốn mặt tiền trông ra bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc khiến người ta không chỉ liên tưởng đến bông sen, mà còn như một tháp Bayon bốn mặt.

Mái nhà Khmer Botum- Kiri- Rangsay

Bông sen chùa Khe Đon không giống bông sen chùa Một Cột ở Thủ đô Hà Nội (cũng được xây theo hình tượng sen qua một giấc chiêm bao vua chúa). Nếu như chùa Một Cột có mặt bằng vuông để bông sen cân đối trên mọi hướng, thì bông sen Khe Đon lại có mặt bằng chữ nhật với kích thước dài rộng khác nhau. Ngôi chính điện đỡ bộ mái bốn mặt này có bề ngang 12 mét, bề dài 20 mét. Bề rộng được chia thành 3 gian, gian giữa 4,4 mét và gian bên 2,2 mét. Bề dài 20 mét cũng được chia thành 7 gian bên trong chính điện và thêm phần hành lang rộng 1,5 mét chạy vòng quanh. Vậy nên, nếu ta nhìn từ phía cổng chùa, sẽ thấy bộ mái nhọn và cao hơn như một búp sen hàm tiếu. Còn nhìn từ hai bên, lại giống như một đoá sen đã nở. Thế càng hay!

Chung quanh nền ngôi chính điện, cũng còn một số kiến trúc nhỏ, có cái gắn liền với kiến trúc chính, có cái tách rời ra trên phần đất nền chùa cao hơn mặt sân chừng 6-7 tấc. Gọi tạm là cái gò chùa. Cái gò này có bề ngang 18 mét, chiều dài 29 mét. Kiến trúc gắn với chùa là hai phần mái sảnh, nhô ra ở hai phía Đông, Tây. Mỗi sảnh có mặt bằng (3,2 x 4,4) mét. Hai bên sảnh có hai lối phụ đi lên, lối chính đi lên từ chính giữa, mỗi lối đều 8 bậc cấp. Hai bên lối lên chính nổi bật hình thần rắn Naga 5 đầu vươn lên phía trước, cái lưng chạy ngược lên làm thành tay vịn lan can. Đuôi rắn cuộn vào phần thân, hay mũ cột ở trên. Hai bên lối phụ cũng còn thêm hai thần rắn Naga nữa, làm thành hai cặp rắn thần ở mỗi bên. Phía trên bốn cây cột tiền sảnh, còn là một bộ mái riêng với đủ bộ mái nhọn, vòm cong, riềm mái điêu khắc vàng son tinh tế, được gắn kết hài hoà với bộ mái của ngôi chính điện. Tất cả không gian bên dưới mái tiền sảnh, chỉ có một pho tượng Thích Ca bằng đá trắng toạ thiền trên một toà sen. Trước mặt Phật, là lư hương đá trắng cùng loại đang nghi ngút khói nhang cùng những bông trái người dân dâng cúng. Còn phía sau, vẫn là hành lang dành cho những ai muốn đi vòng quanh bốn phía ngôi chùa.

Như vậy, trên cái gò chùa, quanh ngôi chính điện vẫn còn một lối vòng quanh rộng 3 mét. Đấy chính là lối đi của đoàn rước lễ của dân ấp mỗi mùa lễ hội. Dù đã “vô bồn”, nghĩa là vào hội từ 2-3 ngày trước, nhưng đến ngày lễ chính, người dân vẫn tụ họp nhau đông nhất tại chùa. Trước khi vào ngôi sa la hoặc lên chùa cúng Phật, họ lại tập hợp thành một dòng người liên tục, trên đầu đội thúng hay mâm những phẩm vật dâng cúng đi vòng quanh ba vòng trong tiếng kinh cầu và tiếng hô của một vị “Lục Thum” dẫn đầu đám rước. Trên phần gò làm đường đi này, ở 4 góc sân là 4 bệ vuông trên có trụ tròn xoắn được chạm khắc hoa văn, trên đỉnh trụ là tượng chim thần Naruđa (phượng hoàng) dùng để treo những tấm phướn dài. Phân bố đều dọc theo con đường này còn có 10 bàn chư thiên, là những kiến trúc nhỏ giống như ngôi miễu ông Tà, có mái hình tháp nhọn, đặt trên các cột tròn. Mười bàn, ở về mười phương mà dân gian hay gọi là “mười phương Phật”.

Mặt đứng hướng Tây chùa Khe Đon

Thế cũng là đủ để hình dung về “bốn phương trời, mười phương Phật” ở một ngôi chùa Khmer điển hình- nay đã trở thành ngôi lớn và đẹp nhất trong các chùa Khmer hiện có ở Tây Ninh. Thoạt đầu chùa Khe Đon chỉ là ngôi chùa nhỏ xây gạch, kèo gỗ, lợp ngói đơn sơ, kích thước (6 x 11) mét. Chùa mới được xây lại từ 7 năm nay, giờ đã sắp hoàn thành. Dù còn nhiều phần cột, lan can chưa tô hoặc phủ vôi, sơn… thì những phần kiến trúc đã có cũng đủ cho người xem nhận thấy dáng vẻ kỳ vĩ và những chi tiết hết sức cầu kỳ và độc đáo.

Chịu khó vòng ra phía mặt trước chùa, về phía Đông Nam có một cụm cây thốt nốt già nua, thân tua tủa những cuống tàu lá cũ. Thật ngạc nhiên khi nhận ra trên từng nách lá ấy đã mọc lên rất nhiều cây bồ đề nhỏ. Thứ cây từng chở che cho Đức Phật tu hành, thành Phật này lại hợp với cây thốt nốt thế sao. Lại chợt nhớ, ngôi chùa Khmer Khe Đon này có phần lớn kinh phí xây dựng do Ni trưởng Viện chủ các chùa trên núi Bà hỗ trợ. Vậy thì ngôi chùa dưới bóng núi này chắc chắn sẽ tiếp tục toả hào quang hoa sen ở một vùng chân núi Bà Đen.

TRẦN VŨ