BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chùa Phật giáo Nam tông Kà Ốt 

Cập nhật ngày: 08/05/2019 - 13:02

BTN - Không được xây dựng hay tôn tạo cho bề thế, hoặc lên cả những tầng lầu như các ngôi chùa Bắc Tông, chùa Khmer Nam tông ở Tây Ninh vẫn giữ cho mình những hình xưa bóng cũ. Trong các ngôi chùa Nam tông ấy, mỗi chùa vẫn có một nét riêng, thư thái, dịu dàng.

Chùa Kà Ốt vào năm mới.

Thực ra, cũng đã có ngôi khi xây dựng lại đã rực rỡ hơn nhiều, điển hình là chùa Khedol chỉ cách trung tâm TP. Tây Ninh 15km. Đấy là nhờ chùa có thêm các khối tiền sảnh, cũng như các chi tiết mái, tường điểm tô nhiều điêu khắc hoa văn tinh xảo. Trong khi nhiều chùa Khmer khác ở các huyện Châu Thành, Tân Biên lại quá chừng giản dị, hoặc sơ sài. Riêng có chùa Kà-Ốt là kiến trúc vừa chừng mực, vừa truyền thống tạo nên cảm giác thân quen, gần gũi.

Chùa Kà-Ốt thuộc xã Tân Đông, huyện Tân Châu. Huyện trẻ, đến năm nay mới tuổi 30. Và ngôi chùa mới hoàn thành từ hơn 10 năm trước. Chùa cũng đã phải xây ròng rã đến 10 năm. Đến nay, mái ngói chùa sẫm rêu phong; màu vôi tường vàng nhạt phai; lan can hình rắn thần Na-ga bong sơn bạc phếch; tương phản lại là phần móng đá sạm đen, rêu mốc xù xì. Tất cả đã tạo nên một hình ảnh cũ xưa mộc mạc và dân dã, giữa một khu vườn chùa lồng lộng những dáng cây, vừa quen, vừa lạ. Quen thì có bóng tre, dừa, thốt nốt… Lạ thì có vài cây sa la trồng ngay trước mặt tiền chùa. Cây chưa lớn lắm, nhưng đầy những trái to tròn như trái banh trên những cuống trái dài cong queo rủ quanh thân.

Chùa Kà-Ốt không lớn, chỉ khoảng 13 mét bề ngang và gần 20 mét chiều dài. Chùa chia thành 3 gian, 5 nhịp, giống khá nhiều chùa Bắc tông. Hành lang bao quanh bốn phía bởi những hàng cột hiên rất cao, trên đầu cột gắn thêm các tượng thần. Mỗi tượng như một chiếc công-son đỡ phần đưa ra của mái. Văn hoá Khmer gọi những bức tượng đỡ mái chùa này là những Kây-no.

Để ý mà xem, Kây-no không chỉ có ở mái chùa. Kây-no còn là những tượng tròn, độc lập đứng trước ngôi nhà sư sãi ở chùa Khmer Kà-Ốt. Dù ở đâu, Kây-no luôn được tạo hình như các nàng tiên nữ Áp-sa-ra xinh đẹp, gương mặt phúc hậu nhoẻn cười tươi, thân hình đẹp đẽ và cân đối. Các nàng tiên ấy đứng thẳng trên một bệ tượng hình tam giác rồi vươn người ra phía trước, như muốn làm bay bổng lên toàn bộ phần mái chùa đồ sộ ở bên trên.

Biểu tượng cho ý muốn bay lên của các nàng tiên là đôi cánh nhỏ màu xanh mọc ra từ bên hông, như đang vỗ cánh. Văn hoá Khmer và một số nước Đông Nam Á quan niệm Kây-no là sinh vật nửa người (nữ), nửa chim. Đuôi và cánh là của loài thiên nga, còn thân mình, tay chân vẫn là thiếu nữ - biểu tượng cho người phụ nữ xinh đẹp, tài hoa… Nổi tiếng nhất là nhảy múa và ca hát.

Chỉ với hàng tượng Kây-no trên cột chùa, đã làm nên một bản sắc văn hoá không lẫn vào đâu được của ngôi chùa Khmer Nam bộ. Lại còn thêm bộ mái chùa. Tuy không phức tạp như chùa Khedol, nhưng chùa Kà-Ốt có bốn tầng mái. Hai tầng mái dưới chênh nhau một khoảng, xoè ra như che chở lấy chùa. Hai tầng mái trên chênh nhau một khoảng, nhưng lại mạnh mẽ dốc lên theo hình ngọn tháp. Các góc mái đều kết thúc bằng hình tượng đầu của rắn thần Na-ga, linh vật trong văn hoá Khmer. Còn các đỉnh bờ nóc mái lại được trang trí bằng hình đuôi rắn thần đang vẫy cong lên.

So với chùa Bắc tông, các chùa Nam tông Khmer cũng có điều khác biệt, đấy là chỉ có một bàn thờ trong ngôi chính điện. Trên ấy cũng chỉ đặt duy nhất các pho tượng Phật Thích ca. Tất cả các cột, tường, trần mái đều được tô vẽ những gam màu ấm nóng. Cột thì rồng cuộn vẽ nhiều màu tươi thắm. Tường và trần đều là bích hoạ mô tả từng chặng đường đời Đức Phật với các màu rừng rực thắm tươi.

Mấy năm gần đây, đời sống người dân khá giả lại dâng cúng cho chùa những cây hoa lá bạc vàng, hoặc những mô hình tháp 9 tầng, những dây đèn điện bao quanh tượng Phật… Vì thế, không gian nội thất chùa Kà-Ốt càng thêm lộng lẫy sắc màu. Vào ngày lễ, nền chùa đủ rộng cho mọi người trong ấp đến cúng. Ai cũng ăn mặc trang trọng và đẹp đẽ, mang theo những phẩm vật cúng dường. Họ nâng phẩm vật lên trước mặt, trong tiếng kinh cầu nguyện ngân nga.

Nếu như trong các chùa Bắc tông, có chùa Thiền Lâm - Gò Kén đã nỗ lực tôn tạo, trùng tu và xây mới từ hơn 10 năm qua để trở thành một trung tâm văn hoá Phật giáo; thì trong số các chùa Khmer Nam tông cũng có một điển hình tương tự là chùa Kà-Ốt. Trong 20 năm gần đây, đến chùa năm nào cũng thấy một công trình nào đó đang xây.

Nhiều năm qua là ngôi tháp Chét-đây, nơi để tro cốt chư tăng và người dân đã qua đời. Tháp có mặt bằng vuông kích thước, chiều cao không kém ngôi chùa, tầng dưới cũng có các nàng tiên nữ (Kây-no) vươn tay nâng đỡ khối tháp. Các tầng tháp phía trên có rất nhiều tượng Phật ngồi cùng những hoạ tiết phù điêu tinh xảo. Tháp đặt ở góc chùa phía Đông Bắc, ngang với mặt tiền chùa. Vào năm mới Chol Chnam Thmay 2019, tháp vẫn đang tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện.

Cụm công trình mới xây nay đã tạm hoàn thành chính là cụm tượng Phật rất đẹp, được bố trí ở giữa sân chùa, khoảng giữa chùa và ngôi sa-la. Đây thật sự là điển hình cho phong cách tượng tròn Khmer, đã từng có giai đoạn rực rỡ để lại trên các đền đài Angkor. Tượng Phật ngồi trên đài sen ở chính giữa, trước một sân lát đá hình vuông, hai bên có hai sư tử đứng chầu. Phía sau, cách một bức bình phong dày rậm hoa văn trang trí, nâng đỡ bánh xe Pháp luân (biểu tượng của Phật giáo) còn có tượng một người phụ nữ Khmer trang phục đẹp đang nâng mái tóc dài chấm đất.

Ở phía Nam cái sân vuông, nổi bật lên bức tượng Phật đứng rất đẹp. Tượng rất cao như muốn vượt lên khỏi nền cây lá phía sau. Tiếp giáp sân như một bệ tượng đài là bức bình phong dài trang trí hình rắn thần Na-ga và những hoa văn đắp nổi rực vàng. Đấy là những hoa văn được gọi là phni Tes đậm chất văn hoá Khmer truyền thống. Phía sau ngôi sa-la, vẫn còn một pho tượng Phật đứng nữa, hiện đã cao gấp đôi mái sa-la. Tượng này vẫn đang còn dang dở.

Điều thú vị nhất, dù xây dựng như thế trong hàng chục năm qua, nhưng hầu như cây cối vườn chùa vẫn còn nguyên vẹn. Góc Đông Bắc vẫn còn cây xoài mút cổ thụ với cây bồ đề sum suê tán lá. Lối vào chùa từ xóm ấp vẫn sừng sững cụm cây thốt nốt già nua. Mặt tiền phía Đông vòng qua phía Nam là cả một vườn rừng gồm các loài cây mới cũ xen nhau, buông đầy bóng mát. Bụi tre già và những cây thốt nốt cũng vươn lên như muốn trở thành cảnh quan đặc sắc nhất của vườn rừng. Đây cũng là nơi vào các mùa lễ hội như Sene Dolta, Chol Chnam Thmay, bà con trong ấp đem những sản vật nhà làm ra bán.

16 ngàn mét vuông vùng đất chùa Kà-Ốt như đang lưu giữ những ký ức của ngàn năm văn hoá Khmer.

TRẦN VŨ