Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng

Tôi còn nhớ có năm đang trực tết ở cơ quan, một chiếc xe đò xịch đỗ ngay trước cổng. Thì ra một cô bạn quen dẫn đoàn Phật tử đi Tây Ninh viếng các kiểng chùa. Phải đi tới 10 ngôi cơ! Vậy nên cô nhờ tôi chỉ cho mấy ngôi chùa trong thành phố Tây Ninh.

Dân ta đã có tục lệ lên chùa lễ Phật ngày xuân. Từ bao giờ nhỉ? Có lẽ từ thời Lý, thời Trần khi Phật giáo đang được coi như quốc giáo. Đi lễ chùa về, các nhà thơ cũng có lắm thơ hay để lại. Như Nguyễn Nhược Pháp: “Hôm qua em đi chùa Hương/ Hoa cỏ mờ hơi sương/ Cùng thầy bu em vấn đầu soi gương…” (bài Chùa Hương).

Hay Nguyễn Bính kiếm cớ lễ chùa để nhắc nhở bạn gái về nếp xưa dân tộc: “Nói ra sợ mất lòng em/ Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa/ Như hôm em đi lễ chùa/ Cứ ăn vận thế cho vừa lòng anh” (bài Chân quê).

Và, ngay cả chàng trai lãng tử có tên là Hồ Dzếnh cũng có bài thơ Rằm tháng giêng, kể chuyện viếng chùa, đấy là: “Ngày xưa còn nhỏ, ngày xưa/ Tôi đeo khánh bạc lên chùa dâng nhang/ Lòng vui quần áo xênh xang/ Tay cầm hương nến, đình vàng mới mua…/Hàng năm tôi đi viếng chùa/ Chuông vàng khánh bạc ngày xưa vẫn còn…”.

Thôi! Dù sao đấy cũng là chuyện của người ta. Còn chuyện Tây Ninh non nước quê mình? Thì chuyện đầu xuân đi lễ chùa chắc đã có từ cả trên dưới trăm năm trước. Cứ lấy các chùa núi Bà làm chuẩn, thì ở thế kỷ 19 đã có cảnh lên núi hội xuân.

Chùa cách tỉnh lỵ 11km, nhưng lại chưa có đường sá đàng hoàng nên phải mất cả ngày rong ruổi trên xe bò luồn rừng đến núi. Người Nam kỳ lục tỉnh lên viếng một chuyến có khi cũng phải mất vài ngày. Vậy nên mới có chuyện Sư tổ Thanh Thọ, đời thứ 41 Thiền Lâm tế Chánh tông trên núi Bà Đen phải về thôn Vĩnh Xuân xin đất lập chùa Phước Lâm.

Chùa ấy cặp ngay bờ rạch Tây Ninh, nay là đường Phan Châu Trinh, chính là nơi để bà con lục tỉnh lên đậu ghe nghỉ lại chờ ngày sau lên viếng các chùa trên núi. Chuyện này xảy ra năm 1871. Xây xong, tổ Thanh Thọ tiếp tục lên trụ trì chùa núi Điện Bà. Ông cũng là người xây hang núi thành điện thờ Bà vào năm 1872.

Dấu tích những chuyến du xuân thời xa xưa lên núi Bà, nay cũng còn ở bên đường 782, xưa là con đường sứ. Đến năm 1815, vua Gia Long có cho tu sửa lại đường này, gọi tên là đường Thiên lý phía Tây. Một nhà thơ cao tuổi là ông Tư Lỹ ở ấp Lộc Khê, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng có một bài thơ chữ to sơn vẽ ngay trên vách miếu.

Đấy là bài Miếu Bà Cậu: “Mỗi năm khai hạ nơi này/ Nông dân ba xã nơi đây hội hè/ Rủ nhau tát cá suối Trê/ Đem lên nấu nướng cúng Bà khai sơn…”. Thế rồi, khi Pháp chiếm: “Trong thời Pháp thuộc bùi ngùi/ Núi Bà núi Cậu ngược xuôi khó lòng/ Xe bò đi bộ dài công/ Tổ chức khai hạ cánh đồng nơi đây…”.

Ngày nay, dù đường 782 đã liên thông với 784 mườn mượt mặt bê tông nhựa chỉ non 1 giờ chạy xe máy đã lên tới núi Bà, nhưng người dân 3 xã Gia Lộc, Gia Bình, Thanh Phước và còn thêm xã mới Phước Đông nữa vẫn góp sức tôn tạo ngôi miếu cũ. Như một kỷ niệm đẹp ngày xưa không thể phai mờ. May mắn sao, bây giờ miếu lại ở kề một giao lộ lịch sử. Đấy là do đường Hồ Chí Minh từ Bình Dương sẽ qua đây mà thẳng tới miền Tây.

Đến đây, chợt nhớ lại kỷ niệm chưa xa lắm, mới ở thập niên 90 của thế kỷ trước mà thôi. Tôi mới “tập tọng” làm thơ nên đã mô tả hội xuân núi Bà thế này: “Mùa xuân về cùng những chiếc xe lôi/ Hăm hở chạy đưa tôi về hội núi/ Xe xóc kinh người, em ngã dúi vào tôi…”. Xa hơn chút nữa là vào đầu thế kỷ 20.

Công luận báo số 419, ngày 8.7.1921 có bài tuỳ bút của nhà văn Biến Ngũ Nhy nhan đề: “Tây Ninh- Vũng Tàu du ký”. Ông kể: “Sáng mùng 2 (tết) tôi định đi Tây Ninh đặng nhơn hội tết lên viếng Điện Bà luôn thể… Ra tới Sài Gòn vừa đúng 6 giờ, thấy nơi đầu chợ, xe hơi đưa hành khách đậu rất nhiều… Phía góc ngó qua nhà thương thí thì hai cái đi Tây Ninh… Khi xe kéo vừa tới kề thì kẻ đưa xe đã chào mời rộn rực…”.

Xe ấy chạy lúc 6 giờ 45 và đến Tây Ninh lúc 11 giờ trưa. Ghé Châu Thành Tây Ninh một lúc rồi ông tìm xe đưa đến núi Bà. Lúc ấy, phương tiện duy nhất chở khách vào núi là xe thổ mộ. Theo tác giả, đường vào chân núi là 12km, thì: “đi khỏi Châu Thành 4 ngàn thước thì tới rừng.

Rừng ấy tên là rừng độm, rộng lớn minh mông, ăn vào tận chân núi. Bề ngang hơn 8.000 thước. Cách năm bảy năm trước (tức khoảng 1915) những thiện nam tín nữ trong lục châu (Nam bộ) đi lên Điện Bà lấy làm khó nhọc vì chẳng có đường bộ, phải đi xe bò, băng ngang vào rừng rất nên cực khổ.

Sau nhờ có bà Tổng đốc Chợ Lớn xin nhà nước khai đắp đường quan lộ vô đến chân núi. Bà lại dưng một số tiền rất to mà phụ vào sở phí. Nhờ vậy mà ngày nay xe hơi, xe ngựa chạy đến chân núi dập dìu, lấy làm tiện quá…”.

Ông cũng kể trên đường vào có cái truông gọi là truông Hồng Đào, nay không biết ở đoạn nào vì cũng đã mất tên, khi ấy: “chân núi cũng có hai cái chùa, kêu là chùa chung”. Chắc phải chùa Trung mới đúng và khung cảnh ở đây cũng là: “Mỗi khi có xe dưới Tây Ninh lên thì có người vác mướn đến chào mời; ai muốn mướn vác đồ hành lý hoặc dắt đường thì tuỳ lòng cho vài ba cắc cũng được. Nhiều ông già bà cả lên núi không được thì thuê người võng lên…”.

Tượng đá cổ chùa Thiền Lâm - Gò Kén.

Xem ra, khung cảnh ấy khá giống với mỗi kỳ hội núi của thập kỷ 90 đã kể. Chỉ khác, những năm sau này hội xuân núi Bà đã đặc biệt đông vui, hơn gấp cả chục, cả trăm lần.

Cố nhà văn Vân An quê ta cũng có hẳn một trường ca viết về núi, gọi là “Núi quê mình”. Thoạt đầu tôi cứ ngạc nhiên vì tới năm 1983, ông mới hoàn thành (in trong tuyển thơ Vân An và tập thơ Núi quê mình, NXB Thanh niên 2011). Nay đọc lại mới hiểu ra, người cán bộ quê Trảng Bàng rồi tập kết ra Bắc năm 1954 ấy đã bao đêm nhớ núi, nhớ hội xuân quê hương trong suốt 21 năm trời đằng đẵng cắt chia đất nước.

Những câu thơ đầu tiên bật ra từ ký ức tuổi thơ: “Đoàn xe bò đi trong đêm trăng/ Lụp cụp đường đá, rào rạo đường truông/ Tháng giêng cả làng đi cúng núi/ Người người vui và nghiêm trang…”.

Lần theo các dòng thơ, mới biết đấy là ký ức của nhà văn vào tuổi lên 10, trong một lần được mẹ cho theo đi “cúng núi”. Thuở lên 10 của ông là vào khoảng năm 1935. Và một câu hỏi đã đau đáu trong ông từ buổi ấy, rằng: “Hoá ra áo ta mặc cơm ta ăn/ Mẹ một nắng hai sương, mồ hôi bạc áo/ Mà vẫn cứ phải cầu xin/ Biết chút lòng tin có được đáp đền...”.

Hoá ra đấy lại là một “câu hỏi lớn không lời đáp” (thơ Huy Cận). Bởi cho đến nay, dù xã hội ngày càng giàu có, văn minh, thì người dân Việt vẫn tấp nập lên chùa lễ Phật ngày xuân.

Đại đa số người ta thích đến chỗ hội đông. Thế mà Nguyễn Khuyến lại có câu: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao”. Vậy thì ắt hẳn sẽ có một số người “dại” như ông, cũng thích lên chùa nhưng phải là nơi vắng vẻ.

Ở Tây Ninh, ngoài các chùa trên núi Bà, nếu so sánh tương đối thì tất cả các chùa còn lại cũng đều là nơi vắng vẻ mà thôi. Gần đây có một số ngôi cũng đã đông đúc lên rồi, như Thiền Lâm- Gò Kén ở Hoà Thành hoặc Linh Quang trong thành phố Tây Ninh. Vắng cũng có cái hay, nhất là ở các chùa cổ có dấu tích xa xưa, hoặc những nơi còn giữ được vẻ nguyên sơ mộc mạc.

Nẻo xuân quan trọng nhất đến Tây Ninh vẫn là quốc lộ 22A, nay là đường Xuyên Á. Chùa Phật tập trung rất đông trên đất Trảng Bàng. Chỉ riêng xã An Hoà đã có cả chục ngôi, nổi tiếng thì có các chùa Phước Lưu, Phước Lâm, Huỳnh Long, Phước Thạnh, chùa Am thuộc Thị trấn và xã Gia Lộc.

Những ngôi này đều có từ thế kỷ 19, nhưng giữ được hầu như nguyên vẹn nếp chùa xưa thì chỉ có Phước Lưu. Dưới lớp mái thâm nâu ngói cũ vẫn còn ánh ỏi sắc vàng son của đại tự, hoành phi, câu đối được chạm khắc gỗ vô cùng đặc sắc.

Thế nhưng pho tượng Phật đặc sắc nhất lại ở chùa Tịnh Lý, nằm kề khu công nghiệp Linh Trung III ở ấp An Khương, xã An Tịnh. Đặc sắc ở chỗ tượng làm bằng đất sét từ năm 1902. Kỳ lạ là khi ta ngắm tượng. Tưởng rằng Phật nhìn lối này nhưng lại luôn có cảm giác ánh nhìn day qua lối khác.

Lên tới Gò Dầu, theo quốc lộ 22B cũng sẽ dễ dàng tìm tới 4 ngôi cổ tự, là chùa Thanh Lâm kề bên chợ Gò Dầu; chùa Cao Sơn ở xã Phước Trạch; chùa Cẩm Phong ở xã Cẩm Giang; và sau nữa là Thiền Lâm- Gò Kén. Ai thích sự hoang vu vắng vẻ thì đến gò Cao Sơn, nơi vẫn còn rừng um tùm rủ bóng lên mái chùa cổ kính. Thường có hội đông và nổi bật hiện nay cũng như cả một thời xưa vang bóng chính là Gò Kén- Thiền Lâm.

Chùa nay thuộc về xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành nhưng chỉ cách TP. Tây Ninh hơn 5km. Chùa này hiện đã có nhiều cái nhất, như đài tượng Phật nằm dài nhất (24m); tượng Phật Bà cao nhất (25 m); tượng Di Lặc lớn nhất… Riêng với tôi, cái nhất ở đây là bộ tượng Thập bát La Hán tạc từ nguyên đá khối núi Bà Đen. Ngoài ra, còn có pho tượng đá cổ nhất (khoảng trên dưới ngàn năm) tạo hình Đức Phật Thích Ca, theo kiểu tượng Nam tông Khmer truyền thống.

Từ Gò Dầu, nếu theo lối qua Mộc Bài mà rẽ về đường 786 là ta có thể chiêm ngắm vài ngôi cổ tự trên đất Ngũ Long. An Thạnh có chùa An Phước trong khuôn viên di tích Dinh Ông, với trầm mặc một rừng xưa toàn cây duối cổ thụ và dây leo quấn quýt.

Rồi chùa Long Thọ, u ẩn trầm tư dưới tán từng cao vợi những sao dầu ở miền quê Long Khánh. Về tới Long Giang lại có chùa Bửu Long, còn gọi Bàu Tượng vì ngày xưa đây thường là chốn voi về. Qua cầu Gò Chai một đỗi cũng nên dừng chân nơi gò Cổ Lâm, cũng có một nếp chùa xưa bé nhỏ. Di tích quốc gia ở đây lại là cái gò chùa, còn ẩn chứa những bí mật những đền tháp cổ xưa thời văn hoá Óc-eo.

Vậy là ta đã có vài lối nẻo mùa xuân đi viếng cảnh chùa trên đất Tây Ninh. Cũng còn vài lối nữa, ngay trong TP. Tây Ninh hoặc qua các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu, Tân Châu, Tân Biên. Nhưng “giấy ngắn tình dài” kể sao cho hết. Thôi đành hẹn lại mùa xuân sau.

Chùa Cổ Lâm.

Trần Vũ