Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ văn hoá, quảng cáo:
Chưa theo kịp đà phát triển kinh tế - xã hội
Thứ sáu: 05:52 ngày 01/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trên phương diện quản lý Nhà nước, kinh doanh lĩnh vực văn hoá, giải trí, quảng cáo phát sinh nhiều tiêu cực không thể không nói đến sự dung túng, bao che, làm ngơ của cơ quan có liên quan. Những tệ nạn, mặt trái trong lĩnh vực văn hoá, giải trí, thông tin, truyền thông chỉ có thể giảm thiểu khi trình độ dân trí được nâng cao cộng với sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật.

Ông Võ Văn Sớm, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Trong những ngày cuối tháng 8, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh tiến hành đợt giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo, kinh doanh dịch vụ văn hoá, giải trí tại các huyện Tân Biên, Trảng Bàng, Bến Cầu và thành phố Tây Ninh. Sau đó, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.

Tại buổi làm việc, bà Kim Thị Hạnh, Phó Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh cho biết, qua đợt giám sát các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo, dịch vụ văn hoá, giải trí, đã phát hiện có nhiều sai phạm so với quy định.

Ví dụ, phòng hát karaoke thường chứa số người quá quy định; bảng, biển quảng cáo tuyên truyền đặt không đúng vị trí, sai quy cách; loại hình karaoke di động gây ô nhiễm tiếng ồn...

Về phía quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, ngành chức năng đã góp ý, nhắc nhở các hộ kinh doanh thực hiện cho đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, theo quy định, mỗi năm, cơ quan liên quan chỉ được phép kiểm tra doanh nghiệp hai lần, nhưng có địa phương tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh nhiều hơn so với quy định, điển hình như huyện Bến Cầu.

Ông Trần Văn Hận, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh- thành viên đoàn giám sát thông tin thêm, trong thời gian đoàn giám sát làm việc với địa phương, lãnh đạo một số huyện phản ánh việc quy định cấp giấy phép dựng biển quảng cáo loại lớn đang có những bất cập. Có địa phương không đồng ý dựng biển quảng cáo loại lớn nhưng doanh nghiệp vẫn tiến hành xây dựng.

Cũng liên quan đến vấn đề này, theo quy định, để xây dựng một biển quảng cáo loại lớn, cần có sự đồng ý của một số sở, ngành cấp tỉnh, trong khi không phải lúc nào các cơ quan liên quan cũng có sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng.  

Ông Nguyễn Văn Hợp, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập, lúng túng trong công tác quản lý hiện nay trên lĩnh vực văn hoá, quảng cáo, thông tin, truyền thông là do nhiều ngành cùng quản lý. Điều này khiến cho công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá, giải trí, quảng cáo còn không ít hạn chế.

Ông Hợp cho rằng đang có hiện tượng các ngành chức năng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Đề cập đến vấn đề quảng cáo trên Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh và Báo Tây Ninh, ông Hợp đề nghị cần lưu ý việc phát sóng trên truyền hình, đăng tải trên báo giấy về thực phẩm chức năng. Lý do, đây là một loại sản phẩm đang có những ý kiến, cách hiểu khác nhau.

Về phía các ngành chức năng quản lý Nhà nước, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kể từ năm 2014, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã thông thoáng hơn nhiều so với trước.

Giai đoạn 2011-2016, trên địa bàn tỉnh có 588 doanh nghiệp đăng ký thành lập hoạt động trong lĩnh vực thông tin - truyền thông, quảng cáo và dịch vụ văn hoá. Trong đó, lĩnh vực thông tin truyền thông có 26 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh; lĩnh vực quảng cáo có 223 doanh nghiệp, lĩnh vực dịch vụ văn hoá có 339 doanh nghiệp.

Theo đại diện Sở Thông tin - Truyền thông, việc quảng cáo trên Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh và Báo Tây Ninh đang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, Báo Tây Ninh được dành 10% diện tích (báo in) để đăng quảng cáo, còn Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh là 5% thời lượng phát sóng. Liên quan hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm, tính đến cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 3 đơn vị được cấp phép hoạt động in; 3 đơn vị được cấp giấy xác nhận đăng ký hoạt động cơ sở in; 1 đơn vị đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm, 60 cơ sở in lụa và in quảng cáo.

Tại thời điểm cuối năm 2016, toàn tỉnh có 250 cơ sở photocopy và gần 135 cửa hàng bán sách (trong đó chủ yếu là cơ sở kinh doanh hộ gia đình) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Việc cấp phép liên quan đến lĩnh vực xuất bản cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đúng theo quy định.

Về quản lý hoạt động quảng cáo và thông tin điện tử trên mạng, hiện nay, hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh tập trung vào các loại hình như báo chí (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử), các trang thông tin điện tử và một số lĩnh vực khác. Công tác cấp phép quảng cáo trong lĩnh vực báo chí được thực hiện bởi Cục Báo chí và Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ thực hiện công tác quản lý Nhà nước về quảng cáo, không được quy định thẩm quyền cấp phép hoạt động quảng cáo.

Quy định thủ tục về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động trò chơi điện tử công cộng đã được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 10.2.2014. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn chưa có hướng dẫn quy định về lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đối với trò chơi điện tử công cộng cho UBND các huyện, thành phố để thực hiện công tác thẩm tra, xác minh.

Điều này làm cho việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động trò chơi điện tử công cộng tại một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế và không bảo đảm thời hạn cấp phép. Phòng Văn hoá - Thông tin là cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu, giúp UBND huyện, thành phố quản lý Nhà nước về bưu chính, viễn thông, báo chí, xuất bản, công nghệ thông tin, phát thanh và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, Phòng Văn hoá - Thông tin các huyện, thành phố chỉ tập trung quản lý nhiều về mảng văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình. Riêng công tác quản lý, nghiên cứu các quy định lĩnh vực thông tin và truyền thông chưa nhận được sự quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt. Do vậy, hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh tại các huyện, thành phố còn hạn chế.

Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, vẫn còn tình trạng cá nhân, tổ chức biểu diễn nghệ thuật khi chưa có sự đồng ý của cơ quan này. Một số chương trình biểu diễn nghệ thuật không bán vé (vào cổng tự do) chất lượng còn thấp, đơn vị tổ chức không diễn đúng theo chương trình đã thẩm định.

Đối với một số biển quảng cáo loại lớn đã thi công xong nhưng không có nội dung quảng cáo, theo lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đây là điều bình thường. Bởi vì việc có đăng quảng cáo hay không tuỳ thuộc nhu cầu của doanh nghiệp với cá nhân, tổ chức đầu tư xây biển quảng cáo lớn. Mặt khác, hiện không quy định nào yêu cầu trong thời bao lâu kể từ khi xây xong biển quảng cáo phải có nội dung quảng cáo ở trên đó.

Liên quan đến tấm biển quảng cáo loại lớn ở Trảng Bàng xây dựng khi chưa hoàn tất các thủ tục, doanh nghiệp đầu tư xây biển quảng cáo này đã bị UBND tỉnh phạt 78 triệu đồng.

Cũng theo lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các hoạt động quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật tổ chức hoạt động khi chưa có sự đồng ý của cơ quan chức năng, có thẩm quyền như rao vặt, đặt biển quảng cáo sai vị trí làm ảnh hưởng đến mỹ quan đường phố. Hoạt động kinh doanh karaoke, trò chơi điện tử khá nhạy cảm, dễ phát sinh các tệ nạn xã hội.

Một số loại hình có nguy cơ biến tướng phức tạp ở cơ sở nhưng chưa có hướng dẫn và quy định cụ thể như trò chơi điện tử, karaoke lưu động, biển hiệu, trò chơi dân gian có thưởng. Các cá nhân phát tờ rơi có nội dung quảng cáo các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ thường xuyên tập trung ở các chốt đèn tín hiệu giao thông làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông. Loại hình karaoke di động, hát với nhau hiện nay đang phổ biến nhưng chưa có văn bản quy định.

Đối với vấn đề xử phạt, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, tại khoản 1 Điều 66, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hành chính, nhưng 7 ngày trong tuần thực chất chỉ có 5 ngày làm việc và 2 ngày nghỉ.

Với quy định này, việc tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vụ việc vi phạm có liên quan đến 2 ngành trở lên hoặc vượt thẩm quyền sẽ gặp khó khăn, không bảo đảm thời gian.

Về thời hạn để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 1 Điều 66, trong trường hợp phức tạp cần xác minh được gia hạn 30 ngày, nhưng không quy định rõ như thế nào là trường hợp phức tạp, nên dẫn đến tình trạng vận dụng quy định không thống nhất.

Khác với kinh doanh, sản xuất vật chất thông thường, kinh doanh dịch vụ văn hoá, giải trí, quảng cáo, thông tin, truyền thông vẫn được nhìn nhận là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm. Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này nghiêng về đời sống tinh thần nhiều hơn là vật chất. Kinh doanh lĩnh vực văn hoá, giải trí, thông tin, truyền thông còn liên quan đến quyền con người, quyền riêng tư cá nhân, do vậy, có những phạm trù mà pháp luật, cho dù được xây dựng hoàn thiện đến mấy cũng không hẳn đã điều chỉnh được.

Trên phương diện quản lý Nhà nước, kinh doanh lĩnh vực văn hoá, giải trí, quảng cáo phát sinh nhiều tiêu cực không thể không nói đến sự dung túng, bao che, làm ngơ của cơ quan có liên quan. Những tệ nạn, mặt trái trong lĩnh vực văn hoá, giải trí, thông tin, truyền thông chỉ có thể giảm thiểu khi trình độ dân trí được nâng cao cộng với sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh