Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chùa Thiên Phước và nhân vật “ông Tuấn”
Thứ năm: 05:30 ngày 18/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phật tử vào chùa, dù đông đúc trong những ngày lễ trọng đại hay trong những kỳ tu tập, sinh hoạt “bát quan trai” thì ai nấy cũng đều đi nhẹ, nói khẽ.

Nằm cách đại lộ 30.4 của thành phố Tây Ninh không xa, chỉ non trăm mét, nhưng chùa Thiên Phước vẫn là một không gian u tịch của chốn thiền môn. Dường như, không gian đô thị nhộn nhịp của trục đường sôi động nhất ở thành phố đã không thể ảnh hưởng đến chùa. Phật tử vào chùa, dù đông đúc trong những ngày lễ trọng đại hay trong những kỳ tu tập, sinh hoạt “bát quan trai” thì ai nấy cũng đều đi nhẹ, nói khẽ.

Phật tử sinh hoạt tại chùa Thiên Phước.

Sau một buổi nghe thuyết pháp, phật tử lại nối nhau đi vài vòng trong giảng đường và ngôi chính điện, tay chắp trước ngực, cúi đầu thành kính, tai lắng nghe tiếng kinh cầu điểm xuyết những tiếng mõ vang lên trong thinh không. Dường như, mọi sinh hoạt Phật giáo tại chùa không khoa trương nhưng lại dậy lên trong lòng người cảm xúc thiêng liêng.

Chùa Thiên Phước được xây trong khoảng 2 năm 1948-1949. Bà Dùng, người từng ở rất nhiều năm làm công quả tại chùa cho biết:- Trước tiên là ông thầy gọi là thầy Ba Lớn Cổ lập một am tranh tre, vừa để tập tu vừa hốt thuốc nam cho bà con trong vùng. Sau đó, ông nội của bà là Phan Văn Kiên về ở chung, giúp việc cho thầy Ba Lớn Cổ. Khi ông Ba mất thì giao lại am cho ông Kiên tiếp tục tu và hành nghề thuốc. Ông Kiên mất, am được giao lại cho con trai là Phan Phú Hữu. Vậy là khi còn là ngôi am tranh lá, thì cũng đã có 3 đời người kế tục. Sự việc trên có lẽ đã kéo dài trong vài chục năm nửa đầu thế kỷ 20. Bởi, đến năm 1948, ông Phan Phú Hữu- pháp danh Thích Giác Nguyên đã khởi sự xây dựng lập chùa.

Đến đây, xin tạm dừng việc lập chùa để nói về một nhân vật khác có tên tuổi trong chùa Thiên Phước. Nhân vật ấy là “ông Tuấn” (gọi theo cách người Tây Ninh từng biết về ông). Chẳng là, trước mặt sân chùa có một ngôi tháp mộ, mà trong các chùa thường gọi “tháp tổ”. Vì chỉ những vị sư tổ trước kia của chùa mới được xây tháp mộ trong khuôn viên. Tháp mộ cũng được xây 3 tầng, 6 mặt đàng hoàng. Tuy vậy, tháp mộ này lại không có bia gắn vào, chỉ gồm những bức tường gạch đã sạm màu rêu cũ. Một tấm bia bằng gạch xây, tô vữa đã bị bong ra. Còn may là bia vẫn được sư trụ trì và phật tử giữ gìn. Trên mặt vữa xi măng, chỉ còn những chữ Hán được khắc chìm. Một số nhà sư biết chữ Hán đã tạm dịch ra là:

Dòng giữa: Phật đạo Huỳnh Văn Tuấn thần vị

Dòng trái: Sinh năm Nhâm Dần

Dòng phải: Tử năm Nhâm Thìn, ngày 11.1 (âl)

Gần đây, sư Trụ trì chùa Thích Thiện Hiếu còn cho biết, trên ban thờ tổ còn có một tấm tranh chân dung cùng một bài vị, mà chưa rõ là ai. Tấm tranh ấy đã có từ thời Hoà thượng Thích Giác Nguyên còn tại vị. Đấy là tấm tranh vẽ trên giấy, do lâu năm nên đã bị thủng lỗ chỗ. Trên nền tranh màu xám đậm nhạt lờ mờ các hình khối của bầu trời, cây cối và có thể cả mặt nước, là chân dung của một vị cao tăng. Ông có vẻ gầy gò, hơi nhỏ người nhưng gương mặt vẫn tinh anh, thanh thoát với đôi mắt sáng. Đầu đội mũ cao, khoác áo cà sa 2 màu đỏ, vàng, đeo chuỗi tràng hạt và chắp đôi tay trước ngực. Ngay bên cạnh tấm tranh là tấm bài vị, được đặt giữa một tấm điêu khắc gỗ cầu kỳ và tinh xảo chủ yếu với hình tượng rồng (long). Rồng được chạm nổi trên gỗ và sơn son thếp vàng khá đẹp. Nội dung bài vị, được anh Phan Đông Hùng- cán bộ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch dịch ra như sau:

Dòng giữa: Tự tế thượng chính tông, tứ thập nhị thế, huý Tâm Minh, thượng Chân hạ Đạt Lê công.

Dòng bên phải: Sinh Kỷ Sửu niên hưởng thọ lục thập tam tuế

Và dòng bên trái: Vãn Tân Mão niên, thập nguyệt sơ nhất nhật ngọ thời thị tịch

Nội dung trên, có thể hiểu tóm tắt như sau: Đây là bài vị của Hoà thượng Thích Chân Đạt, tự Tâm Minh- là người họ Lê, dòng tu hành Tế thượng chánh tông đời thứ 42. Ông sinh năm Kỷ Sửu, mất năm Tân Mão (1889-1951) vào ngày 1.10 (âl) thọ 63 tuổi.

Trụ trì chùa - Đại đức Thích Thiện Hiếu cho rằng, bài vị trên có thể chính là của vị tăng được gọi là “ông Tuấn”.

So sánh tấm bia và bài vị, thì thấy cả “hai” ông đều thọ 63 tuổi dù năm sinh, năm mất chênh nhau 1 năm; mất cũng cùng ngày, chỉ khác tháng (10 và 11). Bài vị ghi ông tu theo dòng Tế thượng chánh tông, tức dòng tu ở núi Bà Đen. Đời thứ 42, lại có huý “Tâm Minh”, tức là ngang với thời của Hoà thượng Tâm Hoà (1860-1937) - người giữ chức vụ trụ trì các chùa núi từ năm 1919 đến năm 1937. Điều khác biệt nhất là bài vị ghi rõ pháp danh (thượng Chân hạ Đạt) và họ Lê, còn bia thì không.

Trở lại việc lập chùa Thiên Phước, gần đây (2024), Đại đức trụ trì có sưu tầm được một câu chuyện khác với câu chuyện xưa nay từng biết. Đấy là có một người cháu nội của ông Phan Văn Kiên- chủ am trước khi lập chùa- nay đã trên 70 tuổi, kể rằng: “Ông Tuấn và ông Kiên đều có thời gian làm học trò Hoà thượng Từ Phong, tu ở chùa Gò Kén - Thiền Lâm. Sau khi được sư thầy khuyến khích, hai ông quyết lập chùa mới tu hành. Chùa do ông Tuấn đứng tên, xin lập rồi giao lại cho ông Kiên…”. Về tấm hình, người cháu này cũng cho là hình ông Tuấn. Vì có lần vào năm 6 tuổi, ông hỏi cha thì cha bảo đấy là hình ông cố của con (bạn ông cố nên cũng gọi là ông cố).

Chùa Thiên Phước.

Gọi là chùa, nhưng Thiên Phước ban đầu vẫn chỉ được xây từ gỗ tạp cùng tranh lá. Đến năm 1960, chùa mới được xây bằng cột cây, tường gạch và mái ngói. Chuyện hai ông xây chùa cũng thật kỳ công.

Năm 1960 thì ông Tuấn đã mất được 8 năm (tính từ Nhâm Thìn, 1952). Và có thể ông Kiên cũng đã qua đời. Do vậy, chỉ còn sư Thích Giác Nguyên. Ông tự mình đi xin những cây cột cùng ngói cũ của các ngôi chùa mới xây sửa lại, chở về và tự tay cưa cắt thiết kế rồi xây ngôi chùa với sự giúp đỡ của vài đệ tử. Cột nào ngắn thì ông xây thêm trụ đỡ bằng gạch cho đủ chiều cao. Vậy mà lần hồi cũng có một ngôi, rộng 8,2 m và dài tới 32 m. Trong đó, phần chính điện dài 8,2 m; hậu điện dài 9,5 m, có ban thờ tổ.

Hai ngôi này được xây đúng kiểu truyền thống của đình, chùa Nam bộ, nghĩa là, với bộ khung “tứ trụ” bằng gạch gỗ trên lợp ngói âm dương và ngói móc. Đến nay, vẫn còn thấy bộ cột tứ trụ bằng gỗ quý trước ban thờ tổ trong hậu điện. Cột nhỏ chỉ hơn 2 tấc đường kính, kê trên trụ gạch xây nhưng được chăm chút thường xuyên nên luôn bóng lưỡng đỏ au. Sư trụ trì và phật tử luôn coi đây là những di vật quý báu do các thầy tổ để lại. Thật là đáng quý!

Trần Vũ

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục