BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chưa vào vụ chế biến đã xảy ra nhiều vụ cháy mía dồn dập

Cập nhật ngày: 10/10/2010 - 11:42

Theo dự kiến, đến đầu tháng 11 các nhà máy chế biến mía đường công suất lớn mới bắt đầu khởi động máy vào vụ chế biến 2010-2011. Hiện tại chỉ mới có Nhà máy đường Nước Trong đã đi vào hoạt động. Thế nhưng tình trạng mía cháy đã và đang diễn ra ngày càng dồn dập, và lượng mía bị cháy rất khó tiêu thụ khiến cho nông dân trồng mía bị thiệt hại không nhỏ. 

Theo con số thống kê từ Công ty SBT, từ đầu tháng 8 đến nay, trong vùng nguyên liệu do Công ty đầu tư đã xảy ra hơn 10 vụ mía cháy. Khởi đầu từ ngày 5.8, hộ ông Dư Thiện Quý ở xã Tân Phú, khiến ông bị thiệt hại khoảng 40 tấn mía. Liên tục trong những ngày 12, 17 và đầu tháng 9 ở xã Tân Phú tiếp tục xảy ra nhiều vụ cháy khác với tổng diện tích gần 6 ha và sản lượng mía bị cháy khoảng gần 400 tấn. Ở các xã Tân Đông, Thạnh Đông, Thạnh Bình, Tân Phong trong vùng nguyên liệu mía do SBT đầu tư cũng đã xảy ra nhiều vụ cháy mía khác, trong đó có đám cháy đốt trụi đến gần 5 ha. Tính ra, đến gần cuối tháng 9, vùng nguyên liệu mía do SBT đầu tư đã bị cháy đến gần 20 ha với sản lượng mía bị cháy lên đến hơn 1.300 tấn. Ở vùng nguyên liệu mía do Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh đầu tư cũng xảy ra nhiều vụ cháy tương tự. Tính đến nay, trong vùng nguyên liệu của Nhà máy đường Biên Hoà đã xảy ra gần chục vụ cháy, thiệt hại hơn 20 ha mía và sản lượng mía cháy lên đến gần 1.000 tấn.

Một đám mía đang cháy

Điều đáng băn khoăn là những vụ cháy mía xảy ra ngay trong mùa mưa, lúc mà mặt ruộng mía chưa khô, nên nhiều người cho rằng không phải do bất cẩn mà có người chủ tâm đốt cháy. Nguyên nhân mía cháy thực chất như thế nào thì hiện tại chỉ suy diễn theo cảm tính chứ chưa có vụ nào cơ quan chức năng bắt được thủ phạm. Tuy nhiên điều ai cũng nhận thấy là người nông dân trồng mía lãnh đủ- nhất là trong giai đoạn hiện nay. Bởi vì các nhà máy đầu tư chưa vào vụ nên mía cháy chỉ tiêu thụ được một lượng nhỏ tại Nhà máy đường Nước Trong. Hơn nữa, hiện nay có nhiều đám mía chưa chín tới nhưng đã bị cháy, nếu chặt bán thì chữ đường cũng chẳng được bao nhiêu, có khi còn lỗ công chặt nên nông dân đành bỏ. Cũng có một số đám mía bị cháy ở sâu trong vùng còn ngập nước, không thể nào vận chuyển ra được nên nông dân cũng đành ngậm ngùi bỏ luôn. Với tổng sản lượng mía cháy từ đầu vụ đến nay, nếu tính theo giá thu mua của Nhà máy đường Nước Trong và theo chữ đường được bảo hiểm thì giá trị thiệt hại của nông dân đã lên đến gần 2 tỷ đồng.

Tình trạng mía cháy trong vụ này có thể vẫn chưa dừng lại đây mà sẽ còn tiếp diễn nếu như các cấp, các ngành liên quan không có biện pháp hiệu quả hỗ trợ nông dân giữ gìn mía của mình. Trong những năm gần đây, tình trạng mía cháy đã trở thành nỗi lo canh cánh của những nông dân trồng mía.

Mới đầu mùa mưa, mía còn non nhưng vẫn bị cháy, đây là hiện tượng hết sức bất thường vì nhiều năm qua chưa bao giờ mía bị cháy trong thời điểm này. Do đó nhiều nông dân không khỏi nghi ngờ do có người cố ý đốt mía để “trả thù” (?!). Trong thời gian qua, các nhà máy đường cũng có trích một phần chi phí hỗ trợ cho địa phương để tăng cường công tác bảo vệ vùng nguyên liệu mía. Cũng có một số địa phương tích cực hỗ trợ nông dân trồng mía bảo vệ tài sản của mình. Tuy nhiên công tác bảo vệ mía cho nông dân đến nay vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Nhiều nông dân bức xúc: “Rất nhiều vụ trộm cắp, đánh cướp hoặc phá hoại tài sản xảy ra đều được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Thế thì tại sao đã có hàng trăm vụ cháy mía xảy ra, mà chưa có vụ nào phát hiện được thủ phạm?”. Cả nhà máy và người trồng mía đều mong chính quyền địa phương hết sức quan tâm hỗ trợ, có biện pháp hiệu quả giúp nông dân ngăn chặn tình trạng đốt mía và xử lý nghiêm khắc những kẻ cố tình đốt mía của nông dân.

S.T