Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày 8.10.2019, Chính phủ ban hành Nghị định 76 quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Học sinh ở điểm trường Khu dân cư Chàng Riệc, ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên.
Chính sách cụ thể gồm: phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp tiền mua, vận chuyển nước ngọt và sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu; thanh toán tiền tàu xe; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục.
Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (bao gồm cả trường hợp điều động, biệt phái, luân chuyển và không phân biệt người địa phương với người nơi khác đến) đã được xếp lương theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định, đang công tác và đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nói ngắn gọn, đó là những người đang hưởng lương, các khoản có tính chất lương từ ngân sách.
Trước khi có Nghị định 76, ngày 10.8.2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1010 quy định về đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn.
Sau khi hai văn bản trên được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, những người đang làm trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng biên giới xôn xao bàn tán. Nội dung chính thu hút sự quan tâm của những người này là chế độ ưu đãi dành cho họ có được khôi phục như nhiều năm về trước hay không?
Có thể nói ngay rằng, cho đến lúc này, vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau, gây băn khoăn cho những người đang công tác ở vùng khó khăn. Căn cứ vào nội dung Quyết định 1010, Tây Ninh có 12 xã của 5 huyện gồm Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu và Trảng Bàng thuộc vùng khó khăn.
Nghị định 76 ghi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm: Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1; các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp... (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, theo Nghị định 76, 12 xã của Tây Ninh có tên trong Quyết định 1010 của Thủ tướng Chính phủ không thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Quyết định 1010 của Thủ tướng ban hành kèm theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28.4.2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020; không bao gồm các xã khu vực II đã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo Quyết định 582, Tây Ninh có 9 xã thuộc khu vực I, 1 xã thuộc khu vực II, không có xã nào thuộc khu vực III (chỉ riêng ấp Rạch Tre, xã Biên Giới, huyện Châu Thành được công nhận thuộc khu vực III).
Có thể hiểu, dù thuộc đơn vị hành chính ở vùng khó khăn nhưng có nhiều cấp độ, mức độ khác nhau. Chỉ những xã thuộc khu vực III- tức đặc biệt khó khăn mới được hưởng chế độ ưu đãi, thu hút đặc biệt. Theo ý kiến của vị cán bộ giàu kinh nghiệm về công tác tổ chức và thực hiện chính sách, chế độ, căn cứ vào Quyết định 1010 cũng như Nghị định 76 thì những người đang công tác tại vùng sâu, vùng xa ở Tây Ninh không được hưởng chế độ thu hút và nhiều loại phụ cấp ưu đãi khác, vì 12 xã này chỉ thuộc khu vực biên giới, chưa kể một số xã khu vực này đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Một điều tưởng chừng vô lý nhưng lại có thật. Đó là cách hiểu về các văn bản pháp luật không phải lúc nào cũng có sự thống nhất. Câu chuyện chế độ cho những người hưởng lương từ ngân sách công tác ở vùng sâu vùng xa cũng vậy. Vấn đề này đã gây ra nhiều tranh cãi… tại nghị trường cũng như khi thực hiện chi trả chế độ.
Tháng 7.2016, báo Tây Ninh có bài viết “Tây Ninh có... xã đặc biệt khó khăn không?” phản ánh những trái khoáy về vấn đề này. Bài viết có dẫn Quyết định 447/QĐ-UBDT (Quyết định 447) ngày 19.9.2013 của Uỷ ban Dân tộc (một cơ quan ngang Bộ trực thuộc Chính phủ) thì xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi là xã khu vực III. Căn cứ vào Quyết định 447, Tây Ninh có 21 xã thuộc khu vực I, không có xã nào thuộc khu vực III. Thế nhưng, việc xác định xã đặc biệt khó khăn không chỉ có trong Quyết định 447.
Ngày 10.12.2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2405/QĐ-TTg, Điều 1 của Quyết định này ghi: “Phê duyệt danh sách 2.333 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015 (danh sách kèm theo)”.
Trong số 2.333 xã đó, Tây Ninh có 20 xã thuộc địa bàn của 5 huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu và Trảng Bàng. Như vậy, nếu căn cứ theo Quyết định 447, Tây Ninh không có xã nào được xác định là xã đặc biệt khó khăn, nhưng nếu dựa theo Quyết định 2405 thì Tây Ninh lại có 20 xã (xin lưu ý: Quyết định 447 ra đời trước Quyết định 2405).
Ngoài Quyết định 2405, ngày 26.6.2014, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1049/QĐ-TTg (Quyết định 1049) ban hành “Danh mục các đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn giai đoạn 2014 - 2015, làm căn cứ thực hiện chế độ, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giảm sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng trong cả nước, bảo đảm quốc phòng an ninh”. Theo quyết định này, 20 xã thuộc 5 huyện biên giới của Tây Ninh tiếp tục có tên trong danh sách.
Ngay cả… bộ trưởng cũng lúng túng trong việc xác định xã đặc biệt khó khăn. “Ngày 3.8.2015, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ cập nhật bài báo với tiêu đề “Sẽ có hướng dẫn về địa bàn các xã đặc biệt khó khăn”. Bài báo trích đăng ý kiến của đại biểu Quốc hội Trương Thị Huệ (thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Thái Nguyên) tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII.
Theo đại biểu Trương Thị Huệ, Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24.12.2010 của Chính phủ quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, nhưng trên thực tế hiện nay, trong khi kinh phí đầu tư cho các xã thuộc Chương trình 135 còn chưa đủ thì cán bộ, công chức, viên chức và người được hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở các xã an toàn khu, xã biên giới, bãi ngang ven biển không phải là xã đặc biệt khó khăn cũng được hưởng chế độ phụ cấp thu hút và các chế độ khác như các xã đặc biệt khó khăn.
Điều đó gây bất bình trong cử tri, làm giảm hiệu lực của chính sách đối với vùng đặc biệt khó khăn và làm thất thoát ngân sách Nhà nước. Đại biểu Trương Thị Huệ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính- với tư cách là cơ quan được Chính phủ giao hướng dẫn thực hiện Nghị định số 116- giải thích về việc chi trả chế độ phụ cấp thu hút như đã kể trên.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, việc xác định các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi hiện quy định chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu, vận dụng khác nhau về đối tượng và địa bàn thụ hưởng chính sách”.
Có thể thấy, môt trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu thống nhất trong việc áp dụng chính sách là có quá nhiều văn bản pháp luật liên quan đến cùng một chủ đề, một lĩnh vực. Nhiều khi không biết vận dụng luật hay văn bản dưới luật nào cho đúng, vì giữa các văn bản pháp luật này không hiếm khi xuất hiện sự mâu thuẫn, chồng chéo. Đến giờ này, 12 xã của Tây Ninh có tên trong danh sách xã khó khăn theo Quyết định 1010 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng những người đang công tác ở đó có được hưởng chế độ (như giai đoạn trước) hay không, cũng chưa biết.
VIỆT ĐÔNG